Nga và Việt Nam: Những hướng hợp tác quân sự-quốc phòng mới triển vọng

Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh địa chiến lược toàn cầu rất quyết liệt và gay gắt như hiện nay, mối quan hệ hợp tác quân sự quốc phòng giữa Liên bang Nga với Việt Nam ngày càng phải đi vào thực chất hơn, với các mô hình chi tiết, phù hợp với thực tế hơn và đạt các mục tiêu cụ thể hơn.
Sputnik
Bộ trưởng Quốc phòng Nga LB Nga Sergei Shoigu cho biết hôm thứ Năm 6/7/2023 rằng Nga và Việt Nam cần tăng cường mối quan hệ liên bộ trực tiếp và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới.

“Chúng tôi tin rằng cần phải tăng cường các mối quan hệ trực tiếp liên bộ để tăng cường quan hệ và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới đầy triển vọng. Chúng tôi rất chú trọng đến công việc chung ở các định dạng đa phương, chủ yếu tại diễn đàn SMOA Plus. Chúng tôi rất quan tâm tới việc phát triển và củng cố các mối quan hệ đó”, - Ông Sergei Shoigu cho biết tại cuộc gặp làm việc với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Hoàng Xuân Chiến.

Đáp lại, ông Hoàng Xuân Chiến nói:
“Bất chấp những khó khăn mà Nga gặp phải, Việt Nam luôn ủng hộ Nga. Chúng tôi luôn quyết tâm tăng cường và phát triển quan hệ hợp tác, tương tác trên mọi lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự”.
Trong cuộc phỏng vấn Đại tá Nguyễn Minh Tâm, chuyên gia về các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế, chúng tôi đã đề cập tới ý nghĩa sâu xa của những phát biểu trên và những lĩnh vực hợp tác quân sự triển vọng giữa Nga và Việt Nam.

Quan hệ hợp tác quân sự quốc phòng giữa Liên bang Nga với Việt Nam ngày càng phải đi vào thực chất hơn

Sputnik: Thưa Đại tá Nguyễn Minh Tâm, giới chuyên gia đã có nhiều bình luận về chuyến công tác tới Nga của Thứ trưởng quốc phòng Hoàng Xuân Chiến. Ông có thể cho biết đánh giá của ông về phát biểu trên của ông Shoigu về việc Nga và Việt Nam cần tăng cường mối quan hệ liên bộ trực tiếp và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, chuyên gia về các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế:
Đề xuất của Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu là hợp lý cả trong hiện tại và trong tương lai. Thời gian qua, quan hệ hợp tác quân sự quốc phòng của hai nước đã được được nhiều bước tiến bộ rất quan trọng nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo và chính phủ hai nước.
Vì vậy, cả hai quân đội cần chủ động hơn nữa trong việc thiết lập các mối quan hệ có tính cụ thể, chi tiết để hiện thực hóa các mối quan hệ có tính tổng thể trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng cũng như các lĩnh vực có liên quan trực tiếp và gián tiếp. Mặt khác, hai cơ quan lãnh đạo quân sự quốc phòng hai nước cần chủ động tham vấn và chủ động đề xuất với lãnh đạo hai nước những chương trình, dự án hợp tác cụ thể, vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt, vừa phát triển hợp tác sâu rộng lâu dài.
Trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cạnh tranh địa chiến lược toàn cầu rất quyết liệt và gay gắt như hiện nay, sức mạnh quốc phòng của một đất nước phụ thuộc nhiều vào đường lối chính trị của đảng cầm quyền, vào cơ sở kinh tế tài chính, vào các thành tựu khoa học công nghệ và được nâng đỡ bằng nền tảng văn hóa truyền thống.
Những cuộc xung đột gần đây nổ ra trên thế giới cho thấy chiến tranh hiện đại có một bộ mặt hoàn toàn khác so với chiến tranh của thế kỷ XX và các loại hình chiến tranh cổ điển. Đó là hình thái chiến tranh phức hợp, không chỉ diễn ra trên lĩnh vực quân sự mà còn có sự tham gia của các hoạt động chính trị, ngoại giao, cạnh tranh kinh tế và khoa học công nghệ, sự đối đầu trên các lĩnh vực truyền thống và văn hóa xã hội.
Chính vì vậy mà mối quan hệ hợp tác quân sự quốc phòng giữa Liên bang Nga với Việt Nam ngày càng phải đi vào thực chất hơn, với các mô hình chi tiết, phù hợp với thực tế hơn và đạt các mục tiêu cụ thể hơn. Chúng ta cùng chờ đợi những điều đó sẽ diễn ra tại Diễn đàn quân sự ASEAN-Nga cũng như cuộc diễn tập quân sự SMOA+ sắp tới.
Trong đó, Việt Nam vẫn đóng vai trò rất quan trọng là cầu nối về quan hệ quân sự quốc phòng giữa Liên bang Nga và các nước ASEAN. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn và có nhiều thách thức trong điều kiện các quốc gia ASEAN đang trở thành đối tượng bị các thế lực bên ngoài cạnh tranh, lôi kéo, thậm chí là cả dọa dẫm nhằm tạo lợi thế địa chính trị, địa chiến lược cho họ. Phía Nga tin tưởng rằng Việt Nam vẫn sẽ cố gắng hết sức để giúp Nga trong điều kiện hết sức phức tạp hiện nay trong khu vực và trên toàn cầu.

Hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự Nga-Việt Nam: Trụ cột đặc biệt quan trọng

Sputnik: Trước khi chúng ta đề cập tới chủ đề “những lĩnh vực hợp tác quân sự mới đầy triển vọng” mà Đại tướng Sergei Shoigu đã nói, Đại tá có thể bình luận gì về thực trạng hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự Nga-Việt Nam hiện nay?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, chuyên gia về các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế:
Hiện nay, hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự Nga-Việt Nam phát triển mạnh mẽ và là một trong các trụ cột đặc biệt quan trọng của tổng thể quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Hợp tác quân sự quốc phòng và kỹ thuật quân sự giữa Nga và Việt Nam trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Đó là quan hệ mang tính tổng hợp cao và có mối liên kết chặt chẽ giữa quân sự quốc phòng với các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa xã hội.v.v… chứ không đơn giản chỉ là quan hệ mua sắm quốc phòng, buôn bán vũ khí như Mỹ và các nước phương Tây. Điều này đã được nhấn mạnh trong “Tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga đến năm 2030” được hai bên ký kết vào tháng 11/2021.
Liên bang Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới có thỏa thuận với Việt Nam về bảo đảm bí mật nhà nước của nhau trên lĩnh vực hợp tác quân sự quốc phòng và an ninh. Điều này chứng minh độ tin cậy chính trị rất cao giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh việc trao đổi đoàn để thảo luận, đi đến thống nhất về nhiều vấn đề trên tinh thần đối thoại trung thực, thẳng thắn về bất kỳ chủ đề và vấn đề nào mà hai bên cùng có lợi; Việt Nam và Liên bang Nga còn có một cơ chế hợp tác đặc biệt là “Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga” (thành lập ngày 7/3/1988), được củng cố bởi Nghị định thư bổ sung ngày 6/9/2018 và quy chế mới được ban hành tháng 11/2019. Đây là một trung tâm khoa học đa ngành và liên ngành rất độc đáo, vừa làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học lưỡng dụng quân sự-dân sự, vừa làm nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học kỹ thuật, vừa làm nhiệm vụ đào tạo cán bộ.
Hé lộ công nghệ ‘khủng’ được Nga đưa vào Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga
Về mua sắm quốc phòng, hệ thống vũ khí trang bị cơ bản của Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn chủ yếu là các hệ thống vũ khí của Liên Xô trước đây nhưng đã được Liên bang Nga giúp nâng cấp và hiện đại hóa rất sâu; đặc biệt là hiện đại hóa hoàn toàn các công nghệ tác chiến điện tử và chống tác chiến điện tử, công nghệ phòng vệ chủ động, công nghệ điều khiển vũ khí.v.v... Bên cạnh đó, Liên bang Nga chế tạo các vũ khí, trang bị kỹ thuật cung cấp cho Việt Nam theo đơn đặt hàng chuyên biệt.
Điều đó có nghĩa là trên cùng một nền tảng vũ khí cơ bản, Liên bang Nga cung cấp cho Việt Nam các sản phẩm được cải tiến và trang bị riêng có, vừa phù hợp với điều kiện môi trường tác chiến của Việt Nam, vừa có tác dụng khắc chế đối với các vũ khí cùng chủng loại của các nước khác mặc dù họ cũng mua sắm từ Nga. Đây là điểm khác biệt hoàn toàn và rất ưu việt so với các vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự của các quốc gia khác mà Việt Nam mua sắm.
Và một điểm đặc sắc quan trọng nữa trong phát triển quan hệ hợp tác quân sự quốc phòng giữa hai nước là vấn đề giáo dục chính trị tư tưởng trong quân đội. Ngày 30/7/2018, Tổng thống, Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng Vũ trang Liên bang Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về việc thành lập Tổng cục Chính trị Quân sự, với mục đích huấn luyện quân nhân cho hoạt động tác chiến trong hình thức chiến tranh lai - loại hình chiến tranh kết hợp chiến tranh nghị trường, chiến tranh quy ước, chiến tranh phi quy ước và chiến tranh công nghệ cao.
Nói chung, việc tăng cường hợp tác Nga-Việt đáp ứng lợi ích cơ bản của hai quốc gia. Tại cuộc gặp làm việc hôm 6/7 vừa qua tại Moskva, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Sergei Shoigu ghi nhận Việt Nam đã và vẫn là đồng minh tin cậy, là đối tác quan trọng hàng đầu của Liên bang Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Còn Thứ trưởng quốc phòng Việt Nam Hoàng Xuân Chiến nói: “Bất chấp những khó khăn mà Nga gặp phải, Việt Nam luôn ủng hộ Nga. Chúng tôi luôn quyết tâm tăng cường và phát triển quan hệ hợp tác, tương tác trên mọi lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự”.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, bất chấp các chuyến thăm hàng tháng của các phái đoàn Mỹ đến Việt Nam, Việt Nam luôn thể hiện chính sách ngoại giao độc lập nhất quán của mình. Và câu phát biểu của ông Hoàng Xuân Chiến thể hiện rất rõ điều đó. Hợp tác với Nga hoàn toàn đáp ứng lợi ích quốc gia của Việt Nam và Việt Nam tự chủ trong vấn đề này.

Những hướng hợp tác mới

Sputnik: Như Đại tá đã nói: Hợp tác quân sự quốc phòng và kỹ thuật quân sự giữa Nga và Việt Nam trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Là một chuyên gia về lĩnh vực quân sự, theo ông, những hướng hợp tác mới triển vọng trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật quân sự giữa Nga và Việt Nam có thể là gì?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, chuyên gia về các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế:
Trước mắt, Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraina có rất nhiều điểm đáng chú ý về kỹ thuật vũ khí và trang bị của quân đội của cả hai bên. Những cuộc đối đầu kiểu “đấu pháo” giữa hai bên đã làm bộc lộ những ưu, nhược điểm, những chỗ mạnh và chỗ yếu, những sự phù hợp và bất cập của hai hệ thống vũ khí Nga và phương Tây. Những thông số, dữ liệu từ chiến trường sẽ là cơ sở để phía Nga giúp Việt Nam nâng cấp, cải tiến sâu hơn hệ thống vũ khí trang bị của Nga và Liên Xô cũ hiện đang có trong biên chế của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tiếp theo, Việt Nam có thể được Nga chuyển giao thêm những công nghệ và hợp tác với Nga để phát triển công nghệ quân sự mới, đặc biệt là các hệ thống trinh sát điện tử tầm xa có độ phân giải cao, có độ chính xác cao để phát hiện và chống lại các UAV trinh sát và vũ trang; phát triển công nghệ điều khiển từ xa, ứng dụng công nghệ AI trong quân sự... Bên cạnh đó, việc phát triển, nâng cấp hệ thống tác chiến điện tử và đối phó tác chiến điện tử từ quy mô toàn mặt trận đến các phương tiện chiến đấu đơn lẻ cũng cần được hai bên quan tâm. Ngoài ra, các hệ thống vũ khí, trang bị lưỡng dụng cũng là những đối tượng cần được cải tiến, đổi mới để có thể đáp ứng tốt nhất, nhanh nhất khi chuyển trạng thái từ hoạt động thường xuyên sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.
Đi đôi với việc cải tiến, nâng cấp vũ khí, khí tài thì việc đào tạo, huấn luyện đội ngũ sĩ quan, chiến đấu viên, kỹ thuật viên có vai trò quyết định. Với quan điểm “người trước, súng sau”, Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Quân đội Nga để đào tạo những chiến binh có bản lĩnh chiến đấu cao, có đủ năng lực, trình độ để điều khiển, vận hành các vũ khí và phương tiện chiến đấu ngày càng hiện đại hơn, phức tạp hơn.

Chủ trương chiến lược của Việt Nam: Giảm bớt sự phụ thuộc vào mua sắm từ nước ngoài

Sputnik: Đại tá có đánh giá như thế nào về việc Việt Nam tự sản xuất vũ khí để giảm phụ thuộc vào các nguồn cung nước ngoài?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, chuyên gia về các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế:
Chủ trương phát triển mạnh mẽ công nghiệp quốc phòng, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa vũ khí, khí tài để giảm bớt sự phụ thuộc vào mua sắm từ nước ngoài là một chủ trương chiến lược của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam từ năm 2011 và liên tục được thực hiện. Sau nhiều năm nghiên cứu và phát triển, Việt Nam đã tự cung tự cấp hầu hết vũ khí bộ binh, từ vũ khí trang bị cho các nhân chiến đấu viên đến vũ khí hạng nặng trang bị cho nhóm chiến đấu viên. Còn nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam thì chỉ trong 3 năm (2021-2023), đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất, đưa vào trang bị hơn 70 chủng loại vũ khí, đạn dược, khí tài quan sát, thuốc nổ, vật tư, trang bị kỹ thuật mới.v.v…
Công nghiệp Quốc phòng: Việt Nam tiếp tục sửa chữa, đóng mới thành công nhiều tàu quân sự
Các doanh nghiệp khối đóng tàu quân sự của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã làm chủ công nghệ thiết kế, thi công và đóng mới thành công trên 50 hạm tàu quân sự; làm chủ năng lực sửa chữa toàn bộ tàu mặt nước, vũ khí, khí tài và trang thiết bị trên tàu có trong biên chế của Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng như sửa chữa nhỏ các tàu ngầm Varshavyanka (Kilo 636). Các nhà khoa học kỹ thuật quân sự Việt Nam cũng làm chủ được công nghệ chế tạo thuốc phóng rắn và lỏng dùng cho các loại tên lửa, đạn phản lực.
Trên cơ sở đó, các mẫu tên lửa hành trình KCT-15 “Made in Vietnam” đầu tiên đã ra đời… Các phương tiện hiện đại như hệ thống radar, hệ thống gây nhiễu, các UAV cũng được Việt Nam tự lực chế tạo. Những vũ khí và hệ thống này chắc chắn sẽ được cải tiến, hiện đại hóa sâu hơn nữa nếu có sự hợp tác với nền khoa học kỹ thuật quân sự Nga nhằm nâng cao tính năng chiến đấu và khả năng sống sót cũng như đối phó linh hoạt với các thủ đoạn tác chiến điện tử ngày càng tinh vi, phức tạp hiện nay.
Trong số các nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực công nghiệp quốc phòng thời gian tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, triển khai hiệu quả các hình thức hợp tác, chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học-công nghệ. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ về công nghiệp quốc phòng, xác định đối tác chiến lược hợp tác công nghiệp quốc phòng để phát triển các loại vũ khí chiến lược, vũ khí công nghệ cao. Triển khai những thỏa thuận hợp tác công nghiệp quốc phòng với các nước có nền công nghiệp quốc phòng hiện đại trong công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất các loại vũ khí trang bị tiên tiến.
Sputnik: Chân thành cảm ơn Đại tá Nguyễn Minh Tâm về những bình luận, đánh giá và thông tin rất bổ ích.
Thảo luận