Thống kê của Bộ Nội vụ cho thấy, từ đầu năm 2020 đến giữa 2022, Việt Nam có 39.500 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư, trong đó có hơn 4.000 công chức và hơn 35.000 viên chức.
Gần 4 vạn công chức Việt Nam thôi việc
Tại Hội nghị với các địa phương, sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Nội vụ, nhiều thông tin về hiện tượng công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc vẫn tiếp diễn gây chú ý.
Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã đề nghị các địa phương khắc phục tình trạng công chức, viên chức thôi việc và tuyển dụng mới. Tinh thần là nâng cao chất lượng công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo vị trí việc làm. Tuy nhiên, việc công chức viên chức bỏ việc vẫn chưa dừng lại.
Phát biểu sơ kết 6 tháng đầu năm ngành nội vụ, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh thông tin, 6 tháng đầu năm 2023, cả nước đã tuyển dụng được hơn 2.200 công chức và khoảng 12.000 viên chức. Số lượng này đã kịp thời bổ sung vào vị trí những người đã thôi việc.
Các địa phương cũng đã tinh giản được 127 người, trong đó có 12 công chức; sắp xếp 115 tổ chức bộ máy hành chính bên trong của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện và 226 đơn vị sự nghiệp công lập.
Báo cáo nêu tại Hội nghị cho biết, từ đầu năm 2020 đến giữa 2022, cả nước có 39.500 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư; trong đó có hơn 4.000 công chức và hơn 35.000 viên chức.
Tỷ lệ nghỉ ở Trung ương là 18% và địa phương 82%. Trung bình số người thôi việc mỗi năm 15.800, chiếm 0,8% tổng biên chế, tập trung nhiều nhất là giáo dục và y tế.
Đáng chú ý, năm ngoái, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Lĩnh vực y tế đã có gần 10.000 nhân viên tại các cơ sở công lập chuyển sang tư nhân từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6/2022.
Riêng tại TP.HCM, từ đầu năm 2020 đến giữa 2022 ghi nhận gần 6.200 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, mức cao nhất trong 7 năm gần đây.
"Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng xin nghỉ việc, thôi việc và tuyển dụng mới đối với công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo vị trí việc làm", - ông Vũ Đăng Minh nhấn mạnh.
Hiện tượng công chức, viên chức xin thôi việc, bỏ việc vẫn còn tiếp diễn
Bộ Nội vụ cũng hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Theo báo cáo của 63 địa phương, trong 6 tháng đầu năm có 395 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật.
Ông Vũ Đăng Minh cho hay, Bộ Nội vụ đang xây dựng văn bản sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 và thực hiện các quy định mới về tinh giản biên chế.
"Công tác cải cách hành chính được thực hiện quyết liệt. Bộ cũng đang tham mưu cơ chế tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức", - đại diện Bộ khẳng định.
Việc phân cấp tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, kiểm định chất lượng đầu vào công chức cũng đang được xây dựng. Tuy nhiên, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập hầu hết là sáp nhập, hợp nhất cơ học để giảm số lượng đầu mối.
Vì vậy đơn vị sự nghiệp công lập chưa có sự thay đổi về cơ chế hoạt động, chất lượng cung ứng dịch vụ. Số người làm việc hưởng lương từ ngân sách và số người hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp chưa được cơ cấu lại.
Tại Việt Nam cũng còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc dẫn đến chậm tiến độ.
Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trách nhiệm thực thi công vụ sẽ được cá thể hóa đến từng công chức, người đứng đầu.
"Hiện tượng công chức, viên chức xin thôi việc, bỏ việc vẫn còn tiếp diễn. Vấn đề này cần phải được rà soát, kiểm tra, đánh giá một cách trung thực, khách quan để tìm ra nguyên nhân đích thực và có giải pháp phù hợp", - Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh lưu ý.
Vì sao còn khó thu hút người tài?
TS Phạm Quang Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính VN, bày tỏ quan điểm trên báo Giao thông về thực trạng gần 4 vạn công chức thôi việc, cho rằng, đây là những con số thống kê rất đáng suy ngẫm.
Các nhà làm chính sách cần tìm hiểu vì sao, từ khi nào, những cán bộ, công chức, viên chức nhà nước lại từ bỏ công việc vốn là niềm mơ ước của rất nhiều người như thế, liệu có phải do môi trường ngày càng áp lực, nhiều trách nhiệm nhưng lương thì không đủ sống nên họ không thể nào gắn bó và cống hiến hay không.
Theo TS. Long, có một sự thật là thu nhập, đãi ngộ hiện nay trong khu vực công không thể nào hấp dẫn bằng khu vực tư. Ông dẫn chứng trường hợp những bạn trẻ, sau giai đoạn háo hức, cũng phải từ bỏ vị trí ở cơ quan nhà nước do lương không đủ sống ở thành phố. Chưa kể môi trường làm việc còn rất nhiều những bó buộc mà đôi khi, người lao động khó có thể phát huy được hết sự sáng tạo cũng như năng lực của mình.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam phân tích, nếu như ở một doanh nghiệp tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài, một cử nhân có thể được trả lương rất cao nếu như họ đáp ứng được yêu cầu công việc, thì ở khu vực công, họ buộc phải tuân theo quy định.
Cử nhân mới ra trường hệ số lương 2,34, kỹ sư là 2,67. Cứ 3 năm làm việc tốt thì được duyệt tăng thêm 0,33 và không tăng 3 lần liên tiếp… Như vậy sau khoảng 10 năm cống hiến và không vi phạm kỷ luật gì thì hệ số lương rơi vào tầm 3,33. Lấy hệ số lương nhân với lương cơ bản và trừ đi thuế sẽ ra được lương thực nhận.
"Như vậy, rất khó để thu hút những người có trình độ vào làm việc tại các cơ quan nhà nước. Và xu hướng số lượng công chức bỏ ra ngoài làm ngày càng tăng lên dường như không thể tránh khỏi", - TS. Phạm Quang Long thẳng thắn.
Thực tế này, theo chuyên gia, đòi hỏi chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, cơ chế tuyển dụng, sử dụng cán bộ công chức cần sớm được hoàn thiện. Mục đích làm sao là để công chức phải sống được bằng lương.
"Không thể đòi hỏi họ chuyên tâm, tận hiến khi mức thu nhập chưa đủ để nuôi bản thân, chứ đừng nói gì đến việc chăm lo cho gia đình, con cái", - ông Long bày tỏ.
Thêm nữa, việc xây dựng môi trường làm việc năng động, công bằng, chuyên nghiệp, hiện đại cũng rất quan trọng. Bởi chỉ khi được làm việc trong môi trường như vậy, cán bộ công chức mới có thể thực sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đổi mới về quản lý cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tiền lương
Thời gian qua, trong lĩnh vực quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ tập trung nghiên cứu rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Trong đó có nhiều nội dung đổi mới như cơ chế về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; phân cấp thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, triển khai quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Cùng với đó, tính đến hết tháng 6/2023, 96 bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, 55 bộ, ngành, địa phương đã đồng bộ dữ liệu đạt 100%.
Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, trong đó, tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%) từ ngày 1/7/2023.
Đồng thời, chủ động ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập.