Liên quan tới vụ quán cơm bình dân ở khu vực cổng sau Bệnh viện Bạch Mai bị khách tố "chặt chém" 160.000 đồng/suất, trao đổi với trao đổi với Dân Việt, bà Bùi Thị Hằng Nga, Chủ tịch UBND phường Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, UBND phường vừa có văn bản đề nghị đóng cửa quán cơm này.
Vị này cho biết sau yêu cầu của phường, chủ quán cơm đã nghiêm túc chấp hành.
Việc phường yêu cầu quán cơm này đóng cửa là nhằm để hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục. Theo lãnh đạo UBND phường Phương Mai, thời điểm kiểm tra cuối tháng 6 vừa qua, quán cơm xuất trình được giấy phép kinh doanh do quận cấp nhưng chưa trình được giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
"Chủ quán ăn cho hay giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bị thất lạc. Phường cũng yêu cầu trong khoảng 15 ngày chủ quán phải xuất trình đầy đủ giấy tờ. Được vài ngày thì xảy ra vụ việc này. Chính vì vậy UBND phường đã quyết định tạm đóng cửa, khi nào hoàn thiện đầy đủ các thủ tục mới được phép hoạt động trở lại", bà Nga nói.
Đồng thời, Chủ tịch UBND phường Phương Mai cũng cho biết, phường đã có những kiến nghị lên UBND quận Đống Đa để quận có phương án giải quyết vụ việc. Khi nào có thông tin cụ thể sẽ cung cấp các cơ quan báo chí.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin một quán cơm bình dân ở ngõ 4 Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội (gần cổng sau Bệnh viện Bạch Mai) bị khách tố bán với giá "cắt cổ" 160.000 đồng/suất cơm.
Bài viết đính kèm bức ảnh chụp đĩa cơm có sườn, chả cuốn lá lốt và rau.
Nhiều người cho rằng, suất cơm 160 nghìn đồng như ảnh là quá đắt. Có không ít người cũng cho biết, quán cơm này từng nhiều lần bị phản ánh “chặt chém” khách.
Trao đổi với báo chí, chủ quán V.T.H. cho rằng "suất cơm đến 16-17 miếng thịt chưa kể thịt băm và rau, như vậy là không đắt". Người phụ nữ nói đã bán hàng tại đây nhiều năm trên tinh thần "thuận mua vừa bán, không chặt chém khách". Quán luôn yêu cầu khách trả tiền trước khi vào bàn ăn.
Sau đó, trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Anh Dũng - phó chủ tịch UBND phường Phương Mai - thừa nhận theo văn bản quy định của pháp luật là các cửa hàng kinh doanh, buôn bán, dịch vụ phải niêm yết giá, nếu không sẽ phải xử phạt theo nghị định 109 năm 2013 của Chính phủ.
Tuy nhiên, quán cơm bình dân trên không niêm yết giá là bởi "không phải như nhà hàng".
"Ví dụ như ở nhà hàng có cái thực đơn, mở ra đĩa gà 300.000 đồng, đĩa nộm có giá cụ thể. Nhưng cơm bình dân thì vào theo sự thỏa thuận kiểu anh lấy mấy miếng đậu, anh lấy mấy miếng chả, hay là bao nhiêu tôm… không thể tính theo đĩa được. Vì vậy theo thỏa thuận lấy bao nhiêu thì bán ngần đấy, họ cũng trình bày là chúng tôi không biết niêm yết như thế nào", ông giải thích.
Trước thực tế trên, ông Dũng cho biết phường sẽ yêu cầu các cơ sở ngoài việc thỏa thuận với khách hàng thì cũng phải hợp lý, hợp tình và đảm bảo theo mặt bằng chung của thị trường.
"Chúng tôi đang tiếp tục xác minh, nếu cơ sở này sai, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định, phường đang tiến hành theo quy trình với quan điểm không bao che", ông Dũng khẳng định.