Bắt đầu phiên xử, luật sư của bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, hỏi một số bị cáo là đại diện các doanh nghiệp về việc đưa tiền hối lộ cho ông Kiên như thế nào.
"Anh ấy dùng từ to gấp rưỡi so với bình thường"
Trả lời luật sư, bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun) cho biết, quá trình đến xin cấp giấy phép thực hiện chuyến bay, ông đã nghe bị cáo Kiên trao đổi.
"Tôi nhớ từng chi tiết, anh Kiên quát anh Lê Hồng Sơn, nói to gấp rưỡi bình thường trong một phòng họp Bộ Y tế, yêu cầu phải chi mấy triệu một khách. Anh Sơn nói như vậy cao, xin 100 triệu đồng/chuyến. Anh Kiên nói biết các doanh nghiệp đưa anh Tuấn ở Cục Xuất nhập cảnh 150 triệu đồng/chuyến nên cũng phải đưa cho anh Kiên như vậy", ông Dương khai.
Ông Dương cho biết, Kiên ép Công ty Vijasun nhưng ông không đưa tiền bởi thấy Kiên “không xứng đáng” và giao cho nhân viên gọi điện lại cho Kiên xem “có yêu cầu gì”.
“Doanh nghiệp của chúng tôi được phê duyệt 17 chuyến bay, anh Kiên yêu cầu tôi đưa 150 triệu đồng mới được phê duyệt và gửi cho tôi bức ảnh tờ giấy Thứ trưởng đã ký và yêu cầu 'anh phải chuyển tiền mới có dấu', và mỗi lần như vậy tôi cho nhân viên chuyển tiền”, bị cáo Dương nói.
"Như thế này chưa đủ chị ạ"
Bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH G 19 Việt Nam, cho biết quá trình xin cấp phép chuyến bay đã chủ động gọi điện cho ông Kiên. Cuộc nói chuyện diễn ra rất ngắn gọn. Sau đó, bà Hạnh có đến gặp ông Kiên, mang theo một túi quà đã chuẩn bị từ trước, bên trong chứa 200 triệu đồng tiền mặt. Sở dĩ có con số 200 triệu đồng là bởi bà Hạnh đã tham khảo các doanh nghiệp khác.
Theo lời bà Hạnh, khi gặp ông Kiên, bà Hạnh nói rõ có túi quà là 200 triệu đồng cảm ơn. Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế không hạch sách gì mà chỉ bảo "như thế này chưa đủ chị ạ". Dù vậy, ông Kiên không nói cụ thể phải thêm bao nhiêu. Về nhà, bà Hạnh chủ động chuyển thêm 200 triệu đồng cho ông Kiên.
Nói về lý do chi tiền, bà Hạnh cho hay xuất phát từ 3 lý do: muốn cảm ơn; muốn chia sẻ thành công của doanh nghiệp vì doanh nghiệp khác đưa thì mình cũng đưa; sau này có thể tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp.
Trả lời câu hỏi của luật sư, tiếp tục giữ nguyên lời khai như từng khai với hội đồng xét xử và đại diện viện kiểm sát trước đó, bị cáo Phạm Trung Kiên khẳng định không ép buộc doanh nghiệp phải đưa tiền hối lộ hoặc gây khó khăn cho họ trong quá trình cấp phép chuyến bay.
Bị cáo Phạm Trung Kiên cho biết, suốt thời gian dài bị cáo làm thư ký cho Thứ trưởng Bộ Y tế nhưng không có quyết định phân công bổ nhiệm, không có chức danh, chỉ hưởng mức lương theo đúng quy định. Nhiệm vụ của bị cáo là tiếp nhận các hồ sơ từ Cục Y tế dự phòng rồi chuyển cho Thứ trưởng.
Liên quan đến số tiền nhận hối lộ, Kiên cho biết, đã hoàn trả cho các doanh nghiệp là hơn 12 tỷ đồng.
Một luật sư khác đã đặt câu hỏi: “Bị cáo có hứa với doanh nghiệp rằng các văn bản của họ sẽ được phê duyệt không?” Bị cáo Kiên trả lời “không hứa trước điều gì… doanh nghiệp tự tìm đến thì bị cáo làm thôi”.
Theo lời khai của Kiên, chỉ có 3 doanh nghiệp đến làm việc có đề cập đến mức bồi dưỡng, bị cáo bảo họ đưa cho các bộ ban ngành khác bao nhiêu thì đưa cho bị cáo bấy nhiêu.
Tuy nhiên, trong buổi xét xử ngày 13/7, bị cáo Kiên có thừa nhận đã đề xuất một số doanh nghiệp đưa tiền để được phê duyệt chuyến bay. Cụ thể, ông Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 150 - 200 triệu đồng/chuyến hoặc từ 500.000 - 2 triệu đồng/khách đối với chuyến bay combo và từ 7 - 15 triệu đồng/khách lẻ.
Bị cáo "chỉ muốn chết để thoát áp lực"
Luật sư Hà Mạnh Huy (bào chữa cho Kiên) đặt câu hỏi:
“Chúng tôi có hồ sơ bệnh án liên quan đến chuẩn đoán hành vi tự sát, rối loạn tâm thần cấp đa dạng không có triệu chứng sau khi nhiễm Covid-19…trường hợp này bị cáo bị thời điểm nào?”.
Kiên cho hay, sau ngày 24/1/2022, bị cáo bị Covid-19 với diễn biến rất nặng phải cấp cứu trong Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nằm viện một thời gian dài. Sau khi xuất viện lại tiếp nhận thông tin cơ quan điều tra khởi tố vụ án nên diễn biến tâm lý nặng hơn.
Sau này cáo thường xuyên làm việc với cơ quan điều tra, tìm hiểu về những quy định của pháp luật liên quan đến việc nhận hối lộ án rất nặng, từ 20 năm hoặc tù chung thân đến tử hình.
"Do đó, bị cáo bị ám ảnh, rất sợ, nên có triệu chứng chỉ muốn chết để thoát áp lực đó, vậy nên bị cáo mới có một thời gian điều trị tâm thần", Phạm Trung Kiên khai.
Luật sư cũng đặt vấn đề với nhiều bị cáo là chủ các doanh nghiệp khác, về mối quan hệ của những người này với cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky, cho biết giữ nguyên lời khai như tại cơ quan điều tra. Luật sư sau đó đọc nội dung bút lục, cho thấy bà Hằng từng khai không quen biết ông Kiên mà được ông Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, cho số điện thoại của ông Kiên. Bà Hằng gọi cho ông Kiên nhờ giúp đỡ thì được ông Kiên đồng ý.
Vẫn theo lời khai của bị cáo Hằng, khi cho Hằng số để liên hệ với ông Kiên, ông Tuấn có nói phải chuyển cho ông Kiên 150 triệu đồng/chuyến bay, vì đầu mối công việc bên Bộ Y tế là do ông Kiên.
Cáo buộc của Viện KSND tối cao nhận định, dù không phải là các bị cáo có chức vụ cao nhất, Phạm Trung Kiên và Vũ Anh Tuấn lại là 2 người có số lần và số tiền nhận hối lộ nhiều nhất. Ông Kiên nhận 235 lần với tổng cộng 42,6 tỉ đồng; ông Tuấn nhận 49 lần với tổng số hơn 27,3 tỉ đồng.
Đặc biệt, không chỉ nhận hối lộ cho riêng mình, các bị cáo Kiên và Tuấn còn giới thiệu nhau cho các doanh nghiệp, để các doanh nghiệp phải chi tiền cho cả 2 khi làm thủ tục cấp phép chuyến bay đưa công dân về nước.
Ông Kiên thừa nhận toàn bộ số tiền nhận hối lộ được chuyển qua tài khoản của mẹ vợ. Ngoài dùng 12 tỉ đồng để trả lại cho một số doanh nghiệp, ông Kiên khai đã chi 2 tỉ đồng cho mục đích cá nhân, cho một người chú vay 1 tỉ đồng, số còn lại đầu tư đất và sửa chữa nhà cửa.