Các ngân hàng ở Việt Nam ồ ạt giảm lãi suất huy động

Các ngân hàng tại Việt Nam bước vào đợt hạ lãi suất huy động mới, đi đầu giảm biểu lãi suất là nhóm nhà băng quốc doanh với 4 ông lớn Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank.
Sputnik
Hiện lãi suất huy động đang giảm về bằng so với cách đây 1 năm và dự báo từ nay đến cuối năm sẽ còn tiếp tục giảm nếu Ngân hàng Nhà nước không chịu áp lực về biến động tỷ giá.

Đồng loạt hạ lãi suất huy động

Ngân hàng Việt tiếp tục ồ ạt giảm lãi suất. Cả nhóm Big 4 gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV đều giảm lãi suất huy động với các kỳ hạn khác nhau.
Vietcombank giảm lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng từ 3,4%/năm xuống 3,3%. Trong đó, đối với hình thức gửi tại quầy, Vietcombank cũng giảm 0,1% ở kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng xuống 3,3%/năm.
Đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, Vietcombank điều chỉnh biểu lãi suất kỳ hạn 1 tháng từ 3,6%/năm xuống 3,4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm 0,1 điểm % xuống 4,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng giảm 0,1% xuống 5,1%/năm.
Ngân hàng Vietinbank cũng giảm lãi suất huy động tiết kiệm 0,1%/năm ở một số kỳ hạn. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tháng còn 3,3%/năm, từ 3 - 6 tháng còn 4,1%, từ 6 - 12 tháng còn 5%, từ 12 tháng trở lên là 6,3%.
Trong khi đó, BIDV cũng giảm 0,1% ở kỳ hạn gửi 1 tháng và 2 tháng xuống 3,3%/năm tại quầy giao dịch. Dù vừa áp dụng biểu lãi suất huy động mới nhưng nhìn nhìn chung BIDV giữ nguyên lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn còn lại, cao nhất vẫn là 6,3%/năm tại các kỳ hạn trên 12 tháng.
Tại Agribank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 và 2 tháng từ 3,4% xuống 3,3%/năm, kỳ hạn 13 - 24 tháng đồng loạt giảm từ 6,3%/năm xuống 6%.
Như vậy, nhóm 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối đồng loạt áp dụng lãi suất không kỳ hạn ở mức 0,1%/năm, lãi suất ở những kỳ hạn ngắn giảm về bằng với thời điểm một năm về trước.
Như Sputnik thông tin, chỉ trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã 4 lần giảm từ 0,5 - 2% cho các mức lãi suất điều hành, từ đó đưa mức lãi suất huy động bình quân giảm từ 0,7 - 0,8%, lãi suất cho vay bình quân giảm từ 1 - 1,2%.
Biểu trần lãi suất từng vượt 10% - 13%/năm, đến nay, đã về còn trên 6%-8%, gần như không còn ngân hàng nào niêm yết vượt 10%/năm.

Lãi suất nhỉnh hơn ở nhóm tư nhân

Tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất cũng đua nhau giảm dù nhóm này nhìn chung vẫn có mức lãi suất huy động tiết kiệm cao hơn, hấp dẫn hơn.
Trong đó, biểu lãi suất huy động dưới 6 tháng phổ biến từ 4 - 4,75%/năm, 6 tháng từ 6 - 7,4%, từ 12 tháng trở lên từ 6,3 - 8,2%.
Ngày 21/7, ngân hàng VPBank đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 6,6%/năm, mức giảm là 0,5% so với cách đây 1 tháng và 0,2% so với chỉ 3 ngày trước đó.
Động thái bất ngờ của Ngân hàng Nhà nước
Đối với khách hàng ưu tiên gửi 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, VPBank áp dụng lãi suất huy động là 7,1%/năm. Còn số tiền gửi từ 1 tỷ đến dưới 3 tỷ đồng, lãi suất huy động là 7,2 - 7,3%/năm. Mức lãi suất này áp dụng mức lãi suất này cho kỳ hạn từ 6 đến 13 tháng.
SeABank hôm 21/7 cũng thông báo giảm lãi suất huy động lần thứ 2 trong vòng một tháng. Trong đó, lãi suất tiền gửi giảm 0,8% từ mức 6,5%/năm xuống chỉ còn 5,7%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng.
Kỳ hạn 7 tháng và 8 tháng lần lượt giảm 0,75 và 0,7% còn 5,75% và 5,8%/năm. Kỳ hạn 9 tháng và 12 tháng cũng giảm mạnh 0,8 điểm phần trăm, lần lượt còn 5,85%/năm và 6%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 10 và 11 tháng giảm còn lần lượt 5,9%/năm và 5,95%/năm. Kỳ hạn 15 và 18 tháng còn 6,05% và 6,1%/năm. Kỳ hạn 24 tháng còn 6,15%/năm, và kỳ hạn 36 tháng chỉ còn 6,2%/năm.
Sáng 20/7, ngân hàng ACB điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng với biểu lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng đồng loạt giảm 0,1% xuống còn 6,4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn được giữ nguyên.
ACB niêm yết biểu lãi suất các kỳ hạn này theo giá trị tiền gửi. Đối với tiền gửi dưới 100 triệu đồng, lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng là 6,4%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 6,6%/năm. Đối với tiền gửi từ 100 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng là 6,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 6,7%/năm. Từ 1 tỷ đồng trở lên, lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng là 6,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 6,8%/năm.
Tuyên bố mới của Thống đốc NHNN về lãi suất và tín dụng
Sacombank giảm lãi suất huy động với mức giảm 0,3 điểm % đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6-12 tháng, 0,4 điểm % cho các kỳ hạn dài.
Ngân hàng Eximbank giảm lãi suất huy động đối hai kỳ hạn tiền gửi 6 tháng và 12 tháng, còn lần lượt 7,3% và 7,4%/năm.
Ngân hàng MSB cũng giảm 0,2 điểm % lãi suất huy động kỳ hạn 6 -11 tháng xuống còn 6,9%/năm; lãi suất các kỳ hạn 12-36 tháng cũng đồng loạt giảm 0,2 điểm % xuống còn 7%/năm. Cũng như nhiều ngân hàng khác, đây là lần thứ 2 trong tháng 7 MSB giảm lãi suất huy động tiền gửi.
Ngân hàng MB điều chỉnh giảm 0,1-0,3% lãi suất huy động ở một số kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất cao nhất tại MB hiện nay là 7,1%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.
Ngân hàng Quốc Dân (NCB) điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6-7 tháng còn 7,2%/năm, kỳ hạn 8-9 tháng còn 7,3%/năm. Kỳ hạn 10-11 tháng là 7,35%/năm, kỳ hạn 12-13 tháng là 7,5%/năm. ABBank giảm từ 0,1- 0,2 điểm % lãi suất các kỳ hạn trên 5 tháng.

Dự báo lãi suất sẽ tiếp tục giảm

Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm từ nay đến cuối năm.
Theo Chứng khoán KB, mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng quanh mức 6,2% (giảm 1,8% so với đầu năm, và giảm 0,45% so với thời điểm hiện tại).
"Lãi suất cho vay bình quân kỳ hạn 12 tháng, dù có độ trễ (do chi phí huy động vốn của ngân hàng cần thời gian để hạ, rủi ro nợ xấu khi nền kinh tế suy yếu), tuy nhiên cũng sẽ có xu hướng giảm là chủ đạo với mức giảm so với đầu năm 2023 ở mức 1,8 - 2,3%", - báo cáo nhận định.
Nhóm phân tích của KBSV nhận thấy có 3 yếu tố khách quan và chủ quan hỗ trợ xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất tại Việt Nam.
Nhiều ngân hàng tung gói vay lãi suất thấp cho người mua nhà
Thứ nhất, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 sau khi GDP 6 tháng ước chỉ đạt 3,72%, thấp hơn so với kịch bản đã đề ra.
"Dù vậy, Chính Phủ vẫn chưa có ý định thay đổi mục tiêu GDP năm nay, đồng nghĩa với việc để đạt được mức tăng trưởng 6 - 6,5% thì cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa từ phía nhà hoạch định chính sách. Vì vậy, với ưu tiên hàng đầu là duy trì tăng trưởng kinh tế", - do đó, KBSV cho rằng NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành nếu không có biến động bất thường về tỷ giá.
Thứ hai, lạm phát đã có xu hướng hạ nhiệt từ đầu năm đến nay với lạm phát tháng 6 tăng 2% so với cùng kỳ, giảm so với mức đỉnh 4,9% so với cùng kỳ vào tháng 1/2023.
Tuy nhiên, do nền kinh tế đang phục hồi chậm, tiêu dùng nội địa yếu, cùng với những yếu tố khác như giảm 2% thuế VAT, chỉ số giá nhập khẩu bình ổn, lạm phát sẽ chưa gây ra nhiều áp lực trong thời gian tới.
"Kiểm soát tốt lạm phát sẽ là cơ sở để lãi suất huy động giảm trong thời gian tới. Với mỗi 1% giảm của lạm phát kéo theo mức giảm 0.43% của lãi suất huy động", - nhóm nghiên cứu lưu ý.
Thứ ba, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 5 chỉ đạt 3,2% so với đầu năm và nhiều khả năng tăng trưởng cả năm sẽ cách xa mục tiêu của NHNN đưa ra.
Theo chứng khoán KB, một cuộc điều tra gần đây do NHNN thực hiện cho thấy các ngân hàng thương mại kỳ vọng dư nợ tín dụng tăng 12,5%, điều chỉnh giảm 0,6% so với kỳ điều tra trước.
"Mặc dù vậy, NHNN vẫn tỏ ra kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15% trong năm nay. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng đang tích cực triển khai các biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ", - KBSV khẳng định.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh kể từ đầu năm, kéo theo chi phí vốn các ngân hàng được kéo giảm (đặc biệt khi các khoản vay lãi suất cao cuối năm ngoái đáo hạn), Chứng khoán KB nhấn mạnh rằng, các ngân hàng có động lực để hạ lãi suất cho vay nhằm thu hút khách hàng vay mới.
Cũng tại báo cáo vừa công bố, KBSV Research điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 xuống 5% (so với mức 5,4% trong báo cáo Triển vọng Kinh tế vĩ mô trước đó).
Theo đó, các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam gồm có động lực từ đầu tư công, NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tiêu dùng nội địa phục hồi nhờ các chính sách kích cầu và giải ngân FDI kỳ vọng tương đương năm 2022.
Thảo luận