Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời chỉ vài ngày sau khi nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ mất

Chỉ ít ngày sau khi vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từ trần, thì hôm nay nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng lặng lẽ qua đời trong sự tiếc thương của gia đình, bạn bè và nhiều người yêu mến văn chương của ông.
Sputnik
Hoàng Phủ Ngọc Tường là tác giả của tập bút ký nổi tiếng “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. Tác phẩm được giảng dạy trong chương trình Ngữ văn ở cấp THPT, được đưa vào đề thi tốt nghiệp năm 2019.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, tác giả của bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, vừa qua đời ngày 24/7/2023, hưởng thọ 87 tuổi.
“Ba ra đi thanh thản nhẹ nhàng. Cả nhà mừng cho ba, đó là sự giải thoát cho ông vì tháng 3/2023 ba tôi bị tai biến lần 2 nên mất ý thức”, - báo Tuổi trẻ dẫn lời chị Hoàng Dạ Thư, con gái lớn của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, chia sẻ.
Gia đình nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cho biết, lễ tưởng nhớ ông sẽ được tổ chức lúc 14 giờ ngày 30/7 đến hết ngày 31/7 tại Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế.
Khoảng 12 năm trước, ông cùng vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chuyển từ Huế vào TP.HCM sống cùng con gái. Sau cơn tai biến năm 1989, nhà văn liệt nửa người nên phải ngồi xe lăn. Dù sinh hoạt bất tiện, ông vẫn giữ tinh thần tốt, viết nhiều bút ký, các bài nghiên cứu trên các tạp chí. Đến ngày 6/7 vừa qua, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từ trần.
Nhà vật lý nổi tiếng Việt Nam - GS.VS Nguyễn Văn Hiệu qua đời
Theo thông tin từ nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, hài cốt nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và vợ sẽ được đưa về Huế vào ngày 30/7.
Ngày trong tối 30/7, đồng nghiệp tổ chức đêm thơ để tưởng nhớ vợ chồng ông. Hoàng Phủ Ngọc Tường và vợ sau đó được chôn cất tại Nghĩa trang phía Bắc thuộc phường Hương Hồ, TP. Huế. Khu vực này nằm cách sông Hương khoảng 2km, gần đồi Vọng Cảnh.

Nghiệp cầm bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 9/9/1937, quê gốc ở làng Bích Khê, xã Triệu Long (huyện Triệu Phong, Quảng Trị). Ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng trải qua thời gian sinh sống và học tập tại Huế. Sau khi học hết bậc trung học tại đây năm 1960, ông chuyển vào TP.HCM, nhập học tại Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm 1960, ông tốt nghiệp khóa I ban Việt Hán - Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn.
Sau đó, ông quay trở lại Huế và tiếp tục việc học tại Trường Đại học Văn khoa Huế. Năm 1964, ông tốt nghiệp cử nhân Triết học tại trường này.
Trong thời gian từ năm 1960 - 1966, ông giảng dạy tại Trường Quốc Học Huế và tích cực tham gia vào các phong trào học sinh, sinh viên và giáo chức chống chế độ Mỹ - ngụy, đòi độc lập, thống nhất đất nước.
Năm 1966 - 1975, Hoàng Phủ Ngọc Tường thoát ly gia đình, di chuyển lên các chiến khu để góp sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông tham gia cách mạng trên mặt trận văn nghệ.
Nhà văn viết tiểu thuyết 'Búp sen xanh' về Bác Hồ qua đời
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết văn và báo từ khi còn rất trẻ. Ông từng nắm giữ nhiều chức vụ: Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình - Trị - Thiên, Tổng thư ký liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình TP.Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình - Trị - Thiên, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương. Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Trị, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt.
Báo Thanh niên dẫn lời nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, chia sẻ về nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường:
"Nếu ký của ông đây đó ngoài 'những ánh lửa' vẫn còn nhiều chất độn, xơ, xốp do tính biến động bề mặt và sự đòi hỏi phản ánh nhanh, thúc hối về mặt thời gian như một đặc thù của báo chí thì thơ ông lại tĩnh tại hơn, nó như một tấm gương soi lại chính nội tâm ông. Ông đã có những bài thơ hay chịu được độ lãng quên của thời gian... Có một mâu thuẫn nhưng lại hợp lý đầy trớ trêu, các thi sĩ lớn phía sau bài thơ thường ẩn một bi kịch lớn. Khi đọc lại thơ Việt Nam hậu chiến, tôi phát hiện ra tình cờ Hoàng Phủ Ngọc Tường lại nhận lãnh cho số phận một bi kịch lớn nhất, như cơn hôn mê của thời đại. Dù ông có dùng thuốc lãng quên như Người hái phù dung thì thực tế vẫn ám ảnh: "Nhà tôi ở phố Đạm Tiên/ Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu/ Cây sầu đông, cây sầu đau/ Thương tôi cây cũng nở màu hoa râm" (Địa chỉ buồn).
Hoàng Phủ Ngọc Tường là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng với nhiều thể loại khác nhau. Đặc biệt phải kể đến các bài bút ký, chẳng hạn như: Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (1971); Rất nhiều ánh lửa (1979, Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam, 1980 - 1981); Ai đã đặt tên cho dòng sông (NXB Thuận Hoá, Huế, 1984); Bản di chúc của cỏ lau (truyện ký, 1984); Hoa trái quanh tôi (1995); Huế - di tích và con người (1995); Ngọn núi ảo ảnh (2000); Trong mắt tôi (bút ký phê bình, 2001); Rượu hồng đào chưa uống đã say (truyện ký, 2001); Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé (bút ký văn hoá, 2005); Miền cỏ thơm (2007); Ai đã đặt tên cho dòng sông; Tinh tuyển bút ký hay nhất (NXB Hội Nhà văn, 2010).
Cần nói thêm về tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, tập bút ký nổi tiếng nhất của Hoàng Phủ Ngọc Tường, được nhà văn chấp bút đúng vào lúc Huế đang tiết cốc vũ, tháng 1/1981.
Bài bút ký đã cho thấy phong cách tài hoa, lối viết giàu chất thơ của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tác phẩm được giảng dạy trong môn Ngữ văn chương trình THPT ở Việt Nam, được đưa vào đề thi tốt nghiệp năm 2019.
Về thơ, các tác phẩm nổi bật của Hoàng Phủ Ngọc Tường có thể kể đến gồm: Những dấu chân qua thành phố (1976); Người hái phù dung (1992).
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời ở tuổi 71
Tác phẩm nhàn đàm của Hoàng Phủ Ngọc Tường bao gồm: Nhàn đàm (NXB Trẻ, 1997); Người ham chơi (NXB Thuận Hoá, 1998); Miền gái đẹp (NXB Thuận Hoá, 2001, tặng thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2001)
Ngoài ra, còn có Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường (4 tập), do NXB Trẻ ấn hành năm 2002.
Trong sự nghiệp cầm bút của mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đoạt nhiều giải thưởng: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980; Tặng thưởng Văn học Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1999 và 2008; Giải A giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô (1998-2003); Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Thảo luận