Chuyên gia: Việt Nam thực sự cần một sàn giao dịch rộng của riêng đất nước

HÀ NỘI (Sputnik) – Việt Nam thực sự cần một sàn giao dịch rộng của riêng đất nước, một sàn mang thương hiệu Việt. Đảm bảo an toàn theo đúng quy định của các công ty và pháp luật của Chính phủ là điều cần thiết. Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khi trao đổi với Sputnik.
Sputnik

“Muộn còn hơn không”

Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam đang nhanh chóng bắt nhịp và vượt qua các nước ASEAN khác. Với mức tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2015 trở lại đây, có đến 68 triệu người dùng internet trên tổng số 97 triệu người Việt Nam.
Trong cuộc khảo sát về TMĐT năm 2020 của Liên Hợp Quốc trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam xếp thứ 86, tăng 2 bậc. Hiện Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia.
Thực tế, thị trường TMĐT của Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển khi tỷ lệ sử dụng internet tăng lên, điện thoại thông minh được sử dụng rộng rãi hơn và thói quen mua sắm trực tuyến cũng ngày càng tăng lên.
Tuy nhiên, các sàn TMĐT nông thôn hiện nay chưa phát triển đồng đều đủ để đẩy mạnh đưa sản phẩm đặc sản vùng miền lên trang TMĐT chính thống chủ yếu vẫn thông qua các sàn TMĐT tự do mà không có sự kiểm soát chất lượng, an toàn, uy tín, sự tin tưởng.
Để các sàn địa phương có thể phát triển tốt, vừa đảm bảo tính chất vùng miền, vừa tận dụng được các nền tảng TMĐT chiếm thị phần lớn; Chính phủ Việt Nam sẽ xây dựng sàn TMĐT hợp nhất 63 tỉnh thành. Đây sẽ là động cơ thúc đẩy mảng TMĐT nông thôn phát triển mạnh mẽ.
Bất ngờ với số người dùng internet ở Việt Nam, đã buộc TikTok thừa nhận sai phạm
Được biết, sàn TMĐT hợp nhất của Việt Nam sẽ cung cấp các công cụ tiếp thị, xúc tiến bán hàng trực tuyến giúp DN chỉ cần truy cập vào một địa chỉ tên miền là có thể thực hiện hầu hết mọi thao tác trên cùng 1 nền tảng. Qua đó giúp DN, cá nhân phát triển TMĐT, đồng thời tạo ra sự tập trung, thu hút được lượng lớn nhà cung cấp sản phẩm và khách hàng.
Nhờ đẩy mạnh thương mại điện tử, nhiều DN nông sản tỉnh Bắc Giang đã thành công đưa vải thiều - đặc sản của địa phương “phủ sóng” hầu hết tỉnh, thành trên cả nước, thậm chí tiếp thị tới các khách hàng quốc tế thông qua các sàn TMĐT trong và ngoài nước như: Alibaba, Amazon, Tiktok, Tiki, Sendo, Lazada hay Facebook…
Đáng chú ý, thông qua việc livestream trên các nền tảng mạng xã hội, chỉ trong vòng 4 tiếng livestream đầu tiên, các TikToker đã chốt đơn hàng được gần 50 tấn vải thiều, ước đạt sản lượng 180.000 tấn trong năm nay. Doanh thu vải và các dịch vụ phụ trợ của tỉnh này đạt mức kỷ lục hơn 6.800 tỷ đồng.
Chia sẻ với Sputnik, đại diện một hợp tác xã (HTX) vải tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết:
“Giống như một vài năm trước, mùa vụ năm nay, HTX chúng tôi bán được gần 200 tấn vải thiều qua các sàn TMĐT như TikTok, Shopee, Sendo, và san24h, tăng 10% so với năm ngoái. Nếu sắp tới, có sàn hợp nhất các tỉnh với nhau, tôi nghĩ sẽ mở thêm nhiều cơ hội cho DN chúng tôi kết nối, giao thương với các tỉnh khác. Nếu mức phí phù hợp cũng như lợi ích đối với các mặt hàng nông sản, sản phẩm địa phương được ưu đãi và hỗ trợ, bảo trợ từ phía Nhà nước, chúng tôi sẵn sàng tham gia”.
Không chỉ riêng Bắc Giang, nhu cầu xúc tiến thương mại trên các sàn TMĐT của các tỉnh, thành là rất lớn. Thực tế, kinh tế TMĐT nông thôn Việt Nam, cụ thể là các sản phẩm vùng miền còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Ngành thương mại điện tử Việt Nam nhìn từ câu chuyện Tiktok
Dù “sinh sau đẻ muộn”, nhưng chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khẳng định với Sputnik rằng, đi sau không có nghĩa đi chậm. Vẫn sẽ có những lợi thế nhất định khi học hỏi, rút ra được bài học của người đi trước. Bên cạnh các chương trình, triển lãm xúc tiến thương mại định kỳ, Nhà nước nên mạnh dạn triển khai sàn TMĐT hợp nhất này để tăng tính hiệu quả.
“Trước hết cần phải khẳng định muộn còn hơn không bao giờ. Thị trường luôn luôn có biến đổi. Quan trọng nhất, Việt Nam thực sự cần một sàn giao dịch rộng của riêng đất nước, một sàn mang thương hiệu Việt, đảm bảo an toàn theo đúng quy định của các công ty và pháp luật của Chính phủ là điều cần thiết. Nên nếu hợp nhất được các sàn nhỏ thành sàn lớn tầm quốc gia, hoạt động chuyên nghiệp bài bản. Đây là tín hiệu đáng mừng dù có hơi muộn một chút”, ông Phong bày tỏ quan điểm.
Vị chuyên gia cho biết, ngoài việc các sàn TMĐT kinh doanh theo tiêu chí của họ, khi đầu tư vào Việt Nam những đơn vị nước ngoài này sẽ thu phí của các DN rất đắt. Đây là điều thiệt thòi cho các DN Việt Nam. Bởi vậy, khi có sàn TMĐT thương hiệu Việt, dành cho người Việt, các DN sẽ được hưởng lợi hơn rất nhiều.
“Thứ nhất, giúp cho nền tảng cơ sở hạ tầng của Việt Nam hoàn thiện hơn, cơ cấu đồng bộ hơn. Thứ hai, sàn TMĐT này sẽ tạo sân chơi đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của các DN Việt, giúp DN có thể quảng bá với chi phí rẻ hơn, thiết kế nội dung sản phẩm có thể theo yêu cầu. Cuối cùng, tạo sự kết nối lưu thông trong nước với nước ngoài”, chuyên gia phân tích.
Không chỉ đưa sản phẩm đặc sản vùng miền đến tay người dân trong và ngoài nước, mà còn góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn Việt Nam. Rõ ràng, việc triển khai sàn TMĐT hợp nhất sẽ mở ra cơ hội cho cả ba bên: DN, người nông dân và người tiêu dùng.

Kinh nghiệm từ Trung Quốc

Nhiều năm trước, Trung Quốc đã triển khai “TMĐT hóa nông thôn”. Hướng tới mục tiêu xóa nghèo, Trung Quốc đã bỏ hàng tỷ Nhân dân tệ để xây dựng đường, mạng lưới logistics, hạ tầng băng thông rộng rãi tại các khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, hàng loạt chính sách cho vay lãi suất thấp ưu đãi thuế cũng được áp dụng. Nông dân ở một số khu vực còn được hỗ trợ tiền mua điện thoại thông minh có kết nối internet để bán nông sản do chính mình làm ra trên các trang TMĐT cho người dân thành phố.
“Tại Trung Quốc, mỗi sàn có tính chất đặc điểm, đối tượng phục vụ riêng. Trung Quốc họ có cơ sở hạ tầng tốt hơn, công nghệ tốt phục vụ ở nông thôn rất tốt. Nền nông nghiệp lớn với 800 triệu nông dân, đời sống nông dân đa dạng. Còn tại Việt Nam, logistics nông nghiệp vẫn chậm”, ông Nguyễn Minh Phong chỉ ra.
Bản thân đại diện HTX vải tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng chia sẻ với Sputnik rằng, khó khăn lớn nhất của DN trong quá trình đưa nông sản lên sàn là việc triển khai đào tạo, nâng cao kĩ năng số cho người nông dân bán hàng.
Siết chặt thu thuế các đơn vị bán hàng trên sàn thương mại điện tử
Thực tế, tại Việt Nam, dù có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng theo chuyên gia, quy mô giao dịch TMĐT Việt Nam còn rất thấp so với thế giới. Việt Nam có dân số hơn 97 triệu người, tuy nhiên, việc mua hàng trực tuyến hay thực hiện các giao dịch trên internet chủ yếu vẫn chỉ tập trung tại các thành phố lớn, ở một bộ phận giới trẻ tiếp cận sớm hơn với TMĐT. Về hạ tầng, dịch vụ trong thanh toán, vận chuyển chưa thực sự thuận tiện, bảo đảm tối đa khiến người tiêu dùng có tâm lý e ngại khi mua hàng online, ví dụ như việc sử dụng thẻ thanh toán.
Khi sàn thương mại hợp nhất hoạt động, Việt Nam cần cần đầu tư đồng bộ để đề án này không bị “đầu vọi đuôi chuột, bở dở giữa chừng. Điều đó đòi hỏi một quyết tâm cực kỳ lớn như là nguồn lực đầu tư từ Chính phủ.
“Theo tôi, sàn này nên tập trung, chuyên về ngành hàng, có những tiện ích kết nối, giúp người nông dân và người tiêu dùng kết nối trực tiếp với nhau. Để cạnh tranh với các sàn khác, trước hết cần điều tra thị trường thực sự, xem nhu cầu, nguồn cung ra sao. Thứ hai, học kinh nghiệm quốc tế về phát triển giai đoạn này cho từng nhóm đối tượng. Trên cơ sở hỗ trợ từ nhà nước, công với nguồn lực khác thiết kế một quy hoạch tổng thể dài hạn cho lộ trình. Trong đó, chú ý đến hai mảng lớn:, gồm mảng tiêu dùng trong nước gắn với nông dân, vùng sâu vùng xa và vùng đồng bằng chuyên ngành cây cỏ. Tiếp đến là mảng gắn với thị trường quốc tế, làm marketing du lịch trên mạng”, chuyên gia nêu giải pháp đảm bảo TMĐT phát triển bền vững.
Thảo luận