Trước lo ngại về khả năng thiếu nguồn cung, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường khẳng định, tình hình sản xuất gạo tại Việt Nam hiện vẫn ổn định, nguồn cung hàng tốt và thuận lợi. Dù vậy, vẫn cần theo dõi sát tình hình trong thời gian tới.
Tình hình vẫn ổn
Nhà chức trách Việt Nam khẳng định đảm bảo an ninh lương thực trước lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
Nói với VTC News, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Nguyễn Như Cường cho biết, động thái của Ấn Độ khiến nhiều người lo ngại nguồn cung trong nước hạn chế, trong khi thu mua quá nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng lương thực.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, thông tin này ảnh hưởng thế nào đến thị trường lúa gạo Việt Nam cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể, ở mỗi thời điểm khác nhau.
“Cho đến lúc này, Bộ Công Thương chưa phát đi bất kỳ cảnh báo nào về xuất nhập khẩu gạo. Điều này chứng tỏ tình hình sản xuất hiện vẫn ổn định, nguồn cung hàng tốt và thuận lợi”, cục trưởng Cường bày tỏ.
Cục trưởng Nguyễn Như Cường cho biết, hiện Việt Nam đang có khoảng 7,3 triệu ha đất lúa. Đặc biệt, năng suất trồng lúa khá cao, giá gạo xuất khẩu cao hơn Ấn Độ, xấp xỉ Thái Lan.
“Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm 95% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, kế hoạch sản xuất lúa năm 2023 là xuống giống 3,798 triệu ha, năng suất bình quân 6,2 tấn/ha, với sản lượng ước đạt 23,921 triệu tấn lúa. Bên cạnh năng suất cao thì Việt Nam đã phát triển được các giống lúa chất lượng như ST24, ST25 cũng như tạo ra được rất nhiều sản phẩm chế biến sâu từ giống lúa này”, lãnh đạo Cục Trồng trọt thông tin.
Cục Trồng trọt ghi nhận, diện tích trồng lúa vụ Đông Xuân năm nay đã giảm 40.000 ha so với năm trước. Tuy nhiên, nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên sản lượng vẫn tăng 250.000 tấn.
Năm 2023, cả nước có kế hoạch gieo trồng 7,1 triệu ha lúa, sản lượng dự kiến đạt 43,11 triệu tấn, tăng 0,4 triệu tấn so với năm ngoái.
Theo ông Cường, Cục Trồng trọt đánh giá, về phía người trồng thì đến thời điểm này, tình hình sản xuất của Việt Nam vẫn rất tốt.
“Diện tích đã thu hoạch đến nay khoảng 3,3 triệu ha (đạt 46,8% kế hoạch), sản lượng đã thu hoạch được khoảng 21,8 triệu. Dự kiến, diện tích lúa còn lại 3,75 triệu ha (tương đương với sản lượng 21 triệu tấn) sẽ được thu hoạch từ nay đến cuối năm 2023 và tháng 1/2024", ông Cường chia sẻ.
Dù vậy, thời gian tới, không chỉ Việt Nam mà cả các nước châu Á cũng cần bám sát, phân tích, đánh giá cụ thể diễn biến tình hình. Thêm vào đó, cần định hướng với các doanh nghiệp trồng, chế biến, xuất khẩu ngoài việc mua, tiêu thụ về việc dự trữ… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Công Thương cập nhật cung cấp tình hình sản xuất nguồn hàng.
Thương nhân tuân thủ quy định về việc thu mua thóc, gạo
Liên quan đến động thái của Ấn Độ, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa qua đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tăng cường đôn đốc các hội viên, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam...tổ chức thu mua và tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.
“Yêu cầu các hội viên thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước”, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị.
Cơ quan này đề nghị các thương nhân thực hiện nghiêm túc quy định về việc thu mua thóc, gạo hàng hóa, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Đồng thời, các thương nhân duy trì dự trữ lưu thông theo quy định, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước và đảm bảo an ninh lương thực; chủ động theo dõi sát thị trường, có phương án sản xuất, xuất khẩu phù hợp, đảm bảo xuất khẩu có hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về lượng thóc, gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo gửi về Cục Xuất nhập khẩu và Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Cục Xuất nhập khẩu cũng yêu cầu thương nhân chủ động trao đổi với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các khó khăn, vướng mắc trong cung ứng, lưu thông thóc, gạo trên thị trường nội địa và quốc tế.
Giá gạo xuất khẩu liên tục tăng
Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá lúa gạo tại Việt Nam tăng mạnh. Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022, lên 558 USD/tấn, trong khi giá gạo bán lẻ trong nước tăng khoảng 1.000-2.000 đồng/kg.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng liên tục đã dẫn đến giá lúa trong nước tăng theo. Tại miền Tây, giá lúa trong nước đã tăng thêm 400 - 500 đồng/kg, lên 7.000 - 7.200 đồng/kg. Ở miền Bắc và Tây Nguyên, giá lúa lên 9.000 đồng/kg so với hồi đầu vụ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận, giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang hầu hết thị trường đều tăng mạnh so với cùng kỳ.
Philippines vẫn dẫn đầu thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, đạt 1,53 triệu tấn, trị giá 772,4 triệu USD, tăng 20,7% về lượng và tăng 31,1% về giá so với cùng kỳ năm ngoái, là thị phần chiếm đến 40,3% tổng khối lượng gạo xuất khẩu. Lần lượt xếp tiếp theo là Trung Quốc và Indonesia.
Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo sang một số thị trường cũng ghi nhận mức tăng rất mạnh trong 5 tháng đầu năm, chẳng hạn như Đài Loan tăng 142,3%, Senegal tăng 1,1%, Chile tăng 4,1%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 15,9%...
Xuất khẩu gạo sang một số thị trường ở EU cũng tăng trưởng 3 con số như Ba Lan tăng 117,4%, Bỉ tăng 164,9%, Tây Ban Nha tăng 307,6%...