Là cường quốc lương thực, vì sao Việt Nam vẫn mua kỷ lục gạo Ấn Độ?

© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Vũ Thành ĐạtTrong ảnh: Gạo tấm, nguyên liệu để nấu cơm tấm, nhỏ hơn hạt gạo bình thường.
Trong ảnh: Gạo tấm, nguyên liệu để nấu cơm tấm, nhỏ hơn hạt gạo bình thường. - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.07.2023
Đăng ký
Trong tháng 5/2023, Việt Nam nhập khẩu khối lượng gạo kỷ lục lên tới 101 nghìn tấn từ Ấn Độ. Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam xếp thứ 8 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ.
Trong một diễn biến liên quan thị trường lương thực toàn cầu, Ấn Độ vừa ban hành lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường. Quyết định có hiệu lực ngay lập tức.
Trước động thái mới của Ấn Độ, Bộ Công Thương Việt Nam đã đưa ra một số khuyến nghị cho các doanh nghiệp gạo trong nước.

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tẻ thường

Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Tổng cục Ngoại thương thuộc Bộ Công thương Ấn Độ hôm 20/7 đã có thông báo số 20/2023 về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường ((Phi Basmati). Quyết định có hiệu lực ngay lập tức.
Theo quyết định nói trên, một số trường hợp được tiếp tục xuất khẩu bao gồm: lô hàng bắt đầu đưa lên tàu trước thời điểm thông báo; lô hàng đã có hóa đơn vận tải đã được điền, tàu đã cập cảng Ấn Độ và thứ tự bốc hàng lên tàu đã được cấp; lô hàng đã được chuyển cho Hải quan trước khi có thông báo và đã được đăng ký trên hệ thống hải quan điện tử hoặc lô hàng đã đưa vào kho hải quan để xuất khẩu trước thời điểm Thông báo (thời điểm xuất khẩu các lô hàng này là đến 31/8/2023); lô hàng được xuất khẩu theo giấy phép của Chính phủ Ấn Độ tới các quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu An ninh lương thực và dựa trên đề nghị của Chính phủ nước đó.
Có nhiều nguyên nhân khiến Ấn Độ phải tái khởi động lệnh cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực. Theo báo Dân Việt, mưa gió mùa là "huyết mạch" của nền kinh tế Ấn Độ, cung cấp 70% lượng nước tưới tiêu cho các nông trại. Năm nay, đến ngày 14/7, nông dân nước này đã gieo trồng 12,3ha lúa vụ hè, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái do mưa gió mùa đến muộn nhất trong 4 năm qua.
Thực trạng trên đã dẫn đến những rủi ro mới với cây trồng. Một số bang ở miền Bắc và Tây Bắc Ấn Độ nhận được mưa quá lớn, trong khi khu vực phía Nam và miền Đông Ấn Độ hoàn toàn khô ráo.
Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) ghi nhận, tính đến nay, chỉ khoảng một phần ba diện tích đất nước nhận được lượng mưa ở mức bình thường. Trong khi đó, khoảng 34% diện tích có lượng mưa thiếu hụt và 32% nhận được lượng mưa quá mức. Ở một số bang, lượng mưa lớn làm hư hại cây trồng, buộc nhà nông phải gieo trồng lại.
Lo ngại về nguồn cung cộng với việc giá lương thực nội địa tăng cao đã làm cho Chính phủ Ấn Độ cân nhắc việc cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo. Lệnh dừng xuất khẩu gạo tẻ thường mới được ban hành sẽ nhằm thúc đẩy nguồn cung lương thực trong nước và giúp Ấn Độ kiểm soát lạm phát.
Là quốc gia dẫn đầu về thương mại gạo toàn cầu (chiếm tới 40%), quyết định của Ấn Độ được dự báo có thể khiến giá gạo tiếp tục tăng cao, đồng thời tạo ra khoảng trống thị trường tiềm năng cho Việt Nam và Thái Lan.
Về phần mình, triển vọng nguồn cung gạo của Việt Nam cũng không mấy tích cực. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam nhận định, 70-80% khả năng mô hình El Nino sẽ phát triển vào giữa năm 2023 và kéo dài sang năm 2024. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ước tính, khoảng 10 đến 15 nghìn ha diện tích vụ thu của Việt Nam có thể gặp phải nguy cơ khô hạn, khan hiếm nước, xâm nhập mặn.
Gạo - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.07.2023
Thủ tướng "cầm tay chỉ việc" mở rộng thị trường xuất khẩu gạo
Mới đây, báo cáo của chi nhánh Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tại Hà Nội dự báo sản lượng gạo thô niên vụ 2023/24 của Việt Nam sẽ giảm nhẹ xuống còn 43,04 triệu tấn (so với mức 43,15 triệu tấn trong niên vụ trước) do tác động của El Nino đối với cây trồng.
"Trong thời điểm hiện tại, nguồn cung vẫn là mối lo ngại hàng đầu của thị trường. Động lực tăng của giá gạo trong năm nay sẽ phụ thuộc vào quyết định của chính phủ Ấn Độ, và ảnh hưởng của mô hình thời tiết El Nino tới các nước sản xuất lớn. Bên cạnh đó, tình hình chính trị thế giới bất ổn cũng là yếu tố khó lường và có thể chuyển dịch cơ cấu thương mại toàn cầu", - ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Hàng hóa Việt Nam (Sở Giao dịch Hàng hóa-MXV), cho hay.
Theo ông Quang Anh, trong bối cảnh các nước ráo riết tích trữ gạo, cùng với tình hình xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen tiếp tục đóng băng sau khi kết thúc thỏa thuận, giá gạo nhiều khả năng sẽ còn tăng cao trong vài tháng tới.
"Các doanh nghiệp xuất khẩu cần đảm bảo nguồn cung để có thể phục vụ cho những đơn hàng đã ký kết và tận dụng các chương trình Xúc tiến thương mại để có thể mở rộng thị phần, củng cố vị thế hàng đầu của gạo Việt trong giai đoạn này", - ông Quang Anh khuyến nghị.

Việt Nam nhập gạo Ấn Độ nhiều kỷ lục

Bộ Công Thương Ấn Độ ghi nhận, trong tháng 5/2023, Việt Nam đã nhập khẩu khối lượng gạo kỷ lục lên tới 101 nghìn tấn từ Ấn Độ.
Con số này tăng 56,64% so với tháng 5/2022, đưa Việt Nam lên hàng thứ 4 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ xét theo khối lượng.
Trúng mùa nhờ chọn giống phù hợp, Phú Yên từng bước tái cơ cấu ngành lúa gạo - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.07.2023
El Nino xuất hiện bất ngờ khiến các nước ồ ạt mua gạo Việt Nam
Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 367,5 nghìn tấn gạo Ấn Độ, tăng 31,76% so với cùng kỳ, xếp thứ 8 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ.
Theo phía Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, các doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu gạo từ Ấn Độ cần lập tức liên hệ với đối tác xuất khẩu để kiểm tra tình trạng hàng hóa, cũng như đề nghị doanh nghiệp Ấn Độ liên hệ ngay với văn phòng Tổng cục Ngoại thương các khu vực để được hướng dẫn.
Mấy năm qua, lượng gạo nhập khẩu gạo từ Ấn Độ vào Việt Nam tăng vọt, đặc biệt là gạo tấm. Gạo nhập khẩu có giá rẻ nhờ hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% từ Ấn Độ theo Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN - Ấn Độ (AIFTA).
Các doanh nghiệp cho hay, gạo nhập từ Ấn Độ chủ yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nước để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu.

Xuất hiện lo ngại khi nhập khẩu ồ ạt, thiếu kiểm soát

Mặc dù vậy nhiều doanh nghiệp buôn bán gạo trong nước đã bày tỏ lo ngại về việc quản lý gạo nhập khẩu không chặt, khiến cho một bộ phận doanh nghiệp nhập gạo về, trà trộn xuất xứ gạo Việt Nam để xuất đi.
Vừa qua, như thông tin trên báo Đầu tư, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre đã tạm giữ 1.040 bao gạo trắng (tổng khối lượng 52 tấn) nhập khẩu từ Ấn Độ nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định. Tổng trị giá số hàng hóa là trên 600 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ số lượng gạo vi phạm này để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đại diện Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Bến Tre), trong bối cảnh gạo ngoại nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn, ảnh hưởng đến thị trường gạo trong nước, đơn vị tiếp tục tăng cường quản lý, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng gạo trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, từ trước đến nay, nguyên tắc quan trọng nhất trong điều hành xuất khẩu gạo là phải bám sát theo diễn biến cụ thể của tình hình thực tế để bảo đảm an ninh lương thực trong nước ở mọi tình huống.
Năm ngoái, Bộ Công Thương có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số đơn vị, bộ ngành về việc lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Trong đó, đáng chú ý có một số nội dung liên quan đến việc kiểm soát tình trạng nhập khẩu gạo về Việt Nam.
Dự thảo sửa đổi nghị định 107 đề xuất, khi xuất hiện lượng gạo nhập khẩu tăng có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng áp dụng biện pháp quản lý nhập khẩu.
Theo Bộ Công Thương, hiện sản lượng lúa gạo hằng năm của Việt Nam tương đối dồi dào, đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia và dành một lượng nhất định cho xuất khẩu.
Cùng với đó, hàng năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6-6,5 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng gạo nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh giá lương thực thế giới tăng cao, Việt Nam chuyển sang xuất khẩu gạo có chất lượng.
Theo Bộ Công Thương, việc nhập khẩu gạo tăng mạnh cùng với việc chưa được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời sẽ có khả năng ảnh hưởng hoạt động sản xuất - kinh doanh lúa gạo.
Kéo theo việc sản xuất thức ăn chăn nuôi, bia, rượu và các sản phẩm từ gạo như bún, bánh… cũng tạo cạnh tranh với sản phẩm trong nước, tác động đến đời sống của người sản xuất trong nước và có thể gián tiếp ảnh hưởng an ninh lương thực, an ninh kinh tế - xã hội.
Vì thế, theo Bộ Công Thương, cần có quy định về quản lý nhập khẩu gạo để giúp cơ quan quản lý nhà nước chủ động, kịp thời điều tiết, điều hành hoạt động nhập khẩu gạo phù hợp với mục tiêu quản lý trong từng thời kỳ.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала