Những trang sử vàng

Cách đây trăm năm có bao nhiêu du học sinh Việt Nam ở Matxcơva?

Sputnik tiếp tục loạt bài mạn đàm dành riêng nói về tiến trình làm quen và hiểu biết lẫn nhau của người Nga và người Việt Nam, những mốc ngày tháng, sự kiện và giai đoạn đáng ghi nhớ trong lịch sử cảm thông và hợp tác giữa hai nước chúng ta.
Sputnik
Hàng chục nghìn công dân Việt Nam đã được nhận học vấn đại học và trung cấp chuyên nghiệp ở Nga sau khi nước Việt Nam tuyên ngôn độc lập, và quá trình này vẫn tiếp nối cho đến hôm nay. Tuy nhiên, các học viên người Việt Nam đã được đào tạo ở Nga sớm hơn, từ trước mốc đó, vào những năm 20 và 30 của thế kỷ trước, theo đề nghị của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh được BCH Quốc tế Cộng sản chấp thuận. Chuyện này đã nhắc đến trong bài mạn đàm kỳ trước thuộc chuyên mục «Những trang sử vàng» của Sputnik.

Nguyên tắc mật ngăn cản số liệu thống kê

Khi đó có bao nhiêu người Việt Nam đến Nga? Có lẽ sẽ không bao giờ nêu được con số chính xác tuyệt đối. Nguyên nhân chính của điều này là quy tắc nghiêm ngặt tồn tại vào thời điểm đó đối với đại diện các đảng Cộng sản nước ngoài học tập ở Matxcơva. Khi còn ở trong nước, họ không có quyền nói với bất kỳ ai rằng sẽ lên đường tới nước Nga xa xôi. Nhiều người đến đây không phải dưới họ tên Việt Nam, mà mang tên người Trung Quốc, và chỉ những nhà lãnh đạo cao nhất của Quốc tế Cộng sản mới có thể biết họ thực sự là ai. Hơn thế nữa, khi đến Matxcơva các học viên này đều phải giao nộp cho bộ phận bảo mật tất cả hộ chiếu, thư từ và giấy tờ tuỳ thân cá nhân khác. Trong suốt thời gian ở Nga, mọi người đều nhận tên họ mới, hộ chiếu mới và tiểu sử mới, có một thân phận mới.
Những trang sử vàng
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nòng cốt của cách mạng Việt Nam trên đất Nga

Học tập và sống dưới những cái tên giả

Theo quy định như vậy, Lê Hồng Phong ở Nga trở thành Litvinov, Nguyễn Văn Dân - Bulin, Hà Huy Tập - Sinichkin, Trần Văn Mai - Sidorov, Nguyễn Đình Tân - Blinov, Dương Bạch Mai - Burov, Nguyễn Khánh Toàn - Minin. Các học viên này thường mang họ của người Nga. Nhưng Trần Minh Đức, Nguyễn Hữu Dương, Trần Văn Kiệt thì mang tên họ Pháp - Barro, Lumiere và Remy. Còn Nguyễn Văn Tú thành Jackson người Anh, Lê Phan Thiên - Svelton người Thụy Điển.
Và mặc dù trên thế giới có rất nhiều dòng họ khác nhau, nhưng rõ ràng là trong hệ thống giáo dục của Quốc tế Cộng sản không ít học viên người nước ngoài. Dù sao chăng nữa có những trường hợp, cả sinh viên Việt Nam và Trung Quốc học ở Matxcơva đều mang họ Nga giống nhau là Litvinov và Gubin. Còn người Việt Nam Nguyễn Văn Tân và con trai của Tưởng Giới Thạch là Tưởng Kinh Quốc (Jiang Ching-kuo, sau này thành Tổng thống Đài Loan), đều là các bạn học mang họ Elizarov.
Nhưng ngay cả gốc gác những họ tên mới rất «chính thức» này cũng chỉ được Ban Giám hiệu Đại học Tổng hợp của người Lao động phương Đông (gọi tắt là KUTV) biết rõ. Còn trong giao lưu với bạn bè đồng môn, các học viên đã nhận danh xưng theo «tên trường». Những ai học tại Trường Quốc tế Lênin được cấp Thẻ công nhân của các nhà máy ở Matxcơva, còn có tên gọi khác. Họ tên mới được đặt cho các học viên cả khi họ rời Matxcơva để nghỉ dưỡng tại các thành phố khác của nước Nga, ví dụ như trại hè trên bờ Biển Đen. Các học viên của hệ thống Quốc tế Cộng sản không được phép chụp ảnh, nghiêm cấm gửi bất kỳ tài liệu viết tay nào về quê nhà. Tuy vậy, có thể đưa ra con số gần đúng về số lượng người Việt Nam đã theo học ở Matxcơva trong những năm 20 và 30, chủ yếu nhờ vào công trình nghiên cứu nhiều năm của chuyên gia Việt Nam học người Nga ở Matxcơva là TS Anatoly Sokolov.

Hôm nay chúng ta biết gì?

Trong cuốn sách «Quốc tế Cộng sản và Việt Nam», tác giả Sokolov đã liệt kê danh sách các nhân vật mà quá trình học tập trong hệ thống đào tạo của Quốc tế Cộng sản ở Matxcơva đã được kiểm chứng chính xác. Có 54 người trong danh sách này.
Những trang sử vàng
Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga
Một số nhà nghiên cứu cho rằng người Việt Nam đầu tiên theo học tại KUTV là Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vẫn chưa tìm thấy tài liệu xác nhận giả thiết này. Nhiều khả năng là trong chuyến đến Nga đầu tiên vào năm 1923-1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã dự thính các khóa học ở Matxcơva dành để nâng cao trình độ chính trị cho các nhà cách mạng nước ngoài. Vì vậy, hôm nay chúng tôi cho rằng những người Việt Nam đầu tiên nhập học ở KUTV là Nguyễn Thế Rục và Nguyễn Thế Vinh. Hai nhân vật này bắt đầu việc học tập ở trường vào tháng 12 năm 1925, dưới tên họ Fonshon và Tap Hee Hen.
Trong số 54 người Việt Nam trong danh sách, có hai nhân vật là Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh và em trai của Trần Phú là Trần Ngọc Danh, ngoài KUTV ra còn theo học tại Trường Quốc tế Lenin. Còn Lê Hồng Phong, trước khi nhập học tại KUTV, đã qua khoá đào tạo tại Trường Quân sự Leningrad và Trường phi công ở Borisoglebsk.
Ngoài 54 nhân vật này, còn có 3 người nữa đã sang tới Nga nhưng không được nhập học vì lý do sức khỏe. Danh tính và số phận tiếp theo của họ cũng chưa được rõ.
Trong Kho Lưu trữ của KUTV, có thêm 17 cái tên có thể là của người Việt Nam học tập trong hệ thống Quốc tế Cộng sản. Nhưng cũng có lẽ đây chỉ đơn thuần là tên gọi bổ sung (chúng tôi đã nói về số lượng lớn những tên gọi bổ sung như vậy) của những người trong danh sách 54 học viên đã xác minh rõ ràng. Hiện thời, đó là con số tối thiểu những người Việt Nam sang học tập tại Nga theo tuyến đào tạo của Quốc tế Cộng sản trong những năm 20-30 của thế kỷ trước. Rất hy vọng rằng theo thời gian chúng ta sẽ có thể xác định được danh sách đầy đủ hơn về các du học sinh Việt Nam này.
Thảo luận