Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị tăng cường xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp báo cáo thóc, gạo tồn kho, hợp đồng xuất khẩu trước ngày 3/8.
‘Cần chớp thời cơ xuất khẩu gạo’
Trong bối cảnh nhiều nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới như Ấn Độ, Nga, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)... chính thức dừng xuất khẩu gạo, giá gạo tại Việt Nam tăng đột biến.
Tại họp báo thường kỳ tháng 7/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt nêu quan điểm, các doanh nghiệp Việt Nam cần chớp lấy thời cơ hiện nay để tăng cường xuất khẩu gạo ra thế giới.
Lý giải thêm về các lo ngại liên quan vấn đề an ninh lương thực, Cục trưởng Nguyễn Như Cường khẳng định, với sản lượng ước đạt trên 43 triệu tấn lúa như hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo mà vẫn đảm bảo được nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Trước đó, Nga, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đều có động thái bất ngờ là áp đặt tạm thời các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo nhằm duy trì nguồn cung cũng như đảm bảo ổn định giá gạo cho thị trường trong nước. Trước đó, Ấn Độ cũng đã cấm xuất khẩu gạo.
Thực tế, cả Nga và UAE đều không nằm trong top 10 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, động thái thực hiện lệnh cấm xuất khẩu gạo đầy bất ngờ của nước cùng với việc Ấn Độ (quốc gia chiếm 40% sản lượng gạo xuất khẩu trên thế giới) thông báo cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, đã khiến thị trường gạo trên toàn cầu xuất hiện nhiều biến động.
Tuy nhiên, ở chiều hướng khác, việc Nga, UAE, Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo lại mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Cụ thể, trên thị trường, giá gạo Việt Nam và Thái Lan tăng lên mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.
“Đây là thời cơ cho chúng ta. Vì thế ngày hôm qua, Bộ NN&PTNT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay”, - đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định.
Việt Nam nâng diện tích trồng lúa khu vực ĐBSCL
Theo ông Cường, năm nay diện tích sản xuất lúa vụ Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng so với kế hoạch đầu năm 50.000 ha (lên 700.000 ha), góp phần tích cực vào việc vào nắm bắt thời cơ giá gạo tăng.
“Trong bối cảnh nhu cầu và giá gạo trên thế giới tăng cao, Cục Trồng trọt sẽ cơ cấu tăng 50.000 ha gieo trồng lúa vụ thu đông ở khu vực ĐBSCL”, - Cục trưởng Cường nói.
Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, thị trường lúa gạo hiện nay đang rất khởi sắc, qua đó đem lại lợi ích cho cả người nông dân lẫn các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo kế hoạch của năm 2023, Việt Nam gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha, tương đương sản lượng dự kiến trên 43 triệu tấn. Cho đến thời điểm này, qua quá trình kiểm tra, nắm tình hình tại các vùng trồng trên cả nước, lúa đang sinh trưởng phát triển tốt.
“Nếu không có thiên tai nghiêm trọng và dịch bệnh trên diện rộng thì chắc chắn 2023 sẽ là một năm được mùa lúa gạo, sản lượng đạt trên 43 triệu tấn”, - ông Cường thông tin.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt lưu ý, đơn vị đã phối hợp với các địa phương để giải quyết các vấn đề liên quan đến sản xuất từ nay đến cuối năm và sẵn sàng cho vụ đông xuân vào đầu năm 2024.
Trong bối cảnh hiện tượng Elnino sẽ ảnh hưởng nhiều đến các vụ sản xuất vào năm 2024 ở khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Trồng trọt bày tỏ, dựa trên những kinh nghiệm đối phó với El Nino vào các năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020, Cục sẽ có những phương án đối phó với hiện tượng này.
Ông Cường dẫn chứng ví dụ như đợt El Nino năm 2019-2020, không có diện tích nào bị mất trắng là do các giải pháp được đưa ra kinh nghiệm từ năm 2015-2016.
Ngoài những giải pháp mềm về thay đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, thực tế, Việt Nam còn hệ thống giải pháp cứng liên quan đến các công trình thủy lợi trên toàn quốc để giảm thiểu tác động của El Nino với ngành trồng trọt nói chung và lúa gạo nói riêng.
Để tận dụng thời cơ giá cả và nhu cầu tiêu thụ đều tăng, theo ông Cường, Cục Trồng trọt đã nâng diện tích trồng lúa vụ thu đông ở khu vực ĐBSCL từ 650.000 ha lên 700.000 ha để đón thời cơ.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đã tham mưu cho Chính phủ để ra chỉ thị tăng cường xuất khẩu gạo trong giai đoạn này, theo đó, các bộ ngành và địa phương liên quan cùng phối hợp với Bộ NN&PTNT để tận dụng tốt cơ hội của ngành hàng lúa gạo.
Trong tờ trình ghi rõ:
“Tình hình xuất khẩu gạo trong thời gian gần đây trên thế giới biến đổi liên tục như việc Nga chính thức rút khỏi Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen; Ấn Độ và UAE tạm dừng xuất khẩu gạo cũng như các vấn đề phát sinh khác. Thêm vào đó hiện tượng El Nino, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán đang cũng có những diễn biến ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa gạo”.
Để khẳng định vai trò quan trọng, giữ vững vị thế và uy tín của ngành hàng gạo Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu và góp phần đảm bảo an ninh lương thực của thế giới theo các cam kết của Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Cùng với đó, Bộ Công Thương được đề xuất tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu gạo trên cơ sở theo dõi chặt chẽ và dự báo sát tình hình xuất nhập khẩu, nhu cầu tiêu thụ, giá cả lương thực trong khu vực và trên thị trường thế giới để có các biện pháp chủ động, linh hoạt điều tiết việc kinh doanh, xuất nhập khẩu gạo để đảm bảo nâng cao hiệu quả xuất khẩu.
Các địa phương cũng cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất lúa gạo đảm bảo việc sản xuất, lưu thông, xuất khẩu gạo được thông suốt.
“Đây là thời cơ để chúng ta xuất khẩu gạo, không tranh thủ sẽ bị lỡ cơ hội”, - Cục trưởng Cục Trồng trọt tái khẳng định.
Mừng nhưng cảnh giác
Cùng với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo các doanh nghiệp đánh giá tình trạng dự trữ hiện có, nguồn cung và nhu cầu thị trường khi thương thảo hợp đồng mới đạt mức giá cao nhất nhằm đảm bảo lợi nhuận cho cả doanh nghiệp cũng như nông dân trồng lúa.
Phát biểu tại họp báo, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, mấy ngày gần đây giá gạo tăng rất cao.
Theo đó, giá lúa IR50404 lên mức 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 lên mức 6.800 đồng/kg, lúa Đài thơm lên mức 6.950 đồng/kg.
Xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 4,84 triệu tấn, giá trị 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%.
“Đây là tín hiệu vui nhưng chúng ta vẫn phải cảnh giác”, - ông Việt bày tỏ.
Đại diện Bộ Nông nghiệp cũng cho hay, việc xuất khẩu gạo sẽ không ảnh hưởng gì đến nguồn cung trong nước, nhưng có vấn đề về tâm lý làm cho giá gạo có sự gia tăng nhất định.
“Hiện nay chỉ 90 ngày là có 1 vụ lúa rồi, nên chúng ta hoàn toàn yên tâm về an ninh lương thực, cũng như chớp thời cơ tốt nhất cho xuất khẩu”, - Cục trưởng Cường nêu rõ.
Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp báo cáo thóc, gạo tồn kho
Bộ Công Thương vừa có công văn gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trong bối cảnh nhiều nước cấm xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương lưu ý, tình hình thương mại lương thực toàn cầu cầu diễn biến phức tạp và khó lường. Nguyên nhân do, lệnh cấm xuất khẩu gạo từ các nước Ấn Độ, Nga và UAE (Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất); hiện tượng thời tiết EL Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực ở nhiều khu vực trên thế giới. Bên cạnh đó là việc Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.
Để góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa; đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần ổn định giá lúa gạo trong nước, đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện một số nội dung.
Cụ thể, thực hiện nghiêm túc nội dung duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định 107/2018NĐ-CP.
Báo cáo tình hình lượng lúa, gạo tồn kho; tình hình ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Các doanh nghiệp cũng được yêu cầu chủ động theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu và trao đổi với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhằm kịp thời báo cáo Bộ Công Thương và Bộ NN&PT-NT liên quan hoạt động xuất khẩu gạo, đồng thời đề xuất giải pháp phù hợp.
Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị nộp báo cáo các nội dung nêu trên về Cục Xuất nhập khẩu thuộc bộ này trước ngày 3/8/2023.