Bên cạnh đó, vùng đáy NIM của các ngân hàng có thể ở quanh mức hiện tại. Nửa cuối năm, bên cạnh dư địa tín dụng còn lại, VNDirect kỳ vọng những ngân hàng có tỷ lệ cao về cho vay bán lẻ như VIB, ACB có nhiều cơ hội để cải thiện tăng trưởng tín dụng khi Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn phục hồi ban đầu.
Nhu cầu tín dụng tiêu dùng được cải thiện
VNDirect vừa có báo cáo cập nhật ngành ngân hàng, trong đó nổi bật là nhu cầu tiêu dùng đã có dấu hiệu cải thiện.
Theo VNDirect, chốt thời điểm tại cuối quý II/2023, tín dụng toàn hệ thống tăng 4,7% so với đầu năm - thấp hơn mức tăng 9,4% tại cuối quý II/2022, nhưng đã tăng đáng kể từ mức 3,17% tại cuối tháng 5/2023.
Trong quý II/2023, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay cao với ngành bất động sản như Techcombank, HDBank cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại khi thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn khó khăn.
VNDirect cho biết, mức tăng trưởng tín dụng của Techcombank và HDBank chỉ đạt lần lượt 0,57% và 0,19% so với quý trước. Các ngân hàng có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao đạt mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng trong quý II/2023 như: ACB tăng 5,51%; VIB tăng 2,19% so với quý trước.
"Điều này cho thấy dấu hiệu hồi phục nhẹ từ nhu cầu tiêu dùng", - VNDirect cho hay.
Ngân hàng MB Bank với kế hoạch tham gia tái cấu trúc một tổ chức tín dụng yếu kém, cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng cao trong quý II/2023 là tăng 6,49% so với quý trước, cũng như giới hạn tín dụng tốt hơn so với ngành khoảng 24%.
Ngân hàng VPBank cũng tương tự với mức tăng trưởng tín dụng đạt 5,0% so với quý trước và khoảng 24% hạn mức cho năm 2023, chủ yếu nhờ thanh khoản dồi dào sau thương vụ bán 15% vốn cho SMBC.
Nửa cuối năm, bên cạnh dư địa tín dụng còn lại, VNDirect kỳ vọng những ngân hàng có tỷ lệ cao về cho vay bán lẻ như VIB, ACB có nhiều cơ hội để cải thiện tăng trưởng tín dụng khi Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn phục hồi ban đầu.
"Ngược lại, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay bất động sản cao có thể sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng tín dụng khi Thông tư 06/2023 có hiệu lực từ tháng 9/2023 sẽ giới hạn khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp", - Chứng khoán VNDirect lưu ý.
Vùng đáy NIM có thể ở quanh mức hiện tại
VNDirect cho biết, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) toàn ngành (từ 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất) giảm 32 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống 3,41% trong quý II/2023 với 19/25 ngân hàng ghi nhận mức sụt giảm ở NIM.
Trong nhóm các ngân hàng vừa và lớn, chỉ có SacomBank, VIB và VietinBank có thể duy trì mức NIM cao hơn so với cùng kỳ.
Trong đó, VIB và VietinBank đã thành công trong việc tận dụng nguồn vốn liên ngân hàng (có sự sụt giảm mạnh trong quý II/2023) khi tỷ lệ vốn liên ngân hàng/tổng nguồn vốn của VIB và VietinBank tăng lần lượt 4,3% và 4,9% so với cùng kỳ tại cuối quý II/2023.
NIM của SacomBank cải thiện mạnh trong 2023 khi không còn áp lực lãi dự thu. Trong khi đó, NIM của VPBank, Techcombank, LPBank và TPBank tiếp tục giảm mạnh nhất khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản vẫn gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản.
Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) toàn ngành cho thấy sự cải thiện từ mức 17,6% tại cuối quý I/2023 lên 18,2% tại cuối quý II/2023 khi lãi suất tiền gửi giảm liên tục theo 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành.
"Chúng tôi kỳ vọng chi phí vốn sẽ giảm mạnh hơn khi lần thứ 3 và 4 cắt giảm lãi suất diễn ra vào cuối quý II/2023 sẽ có hiệu lực toàn bộ từ nửa cuối 2023 trở đi. Tuy nhiên, chúng tôi không kỳ vọng sự cải thiện ở NIM ngay lập tức khi việc cắt giảm lãi suất vẫn là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy hoạt động kinh tế", - VNDirect nhấn mạnh.
"Cho nửa cuối năm, VNDirect kỳ vọng một số ngân hàng sở hữu tỷ lệ cho vay cá nhân cao, tỷ lệ LDR thấp và tỷ trọng vốn ngoại tệ trên tổng nguồn vốn thấp sẽ có nhiều cơ hội để cải thiện NIM tốt hơn so với toàn ngành như MB, VIB", - bà Nguyễn Thị Phương Thanh, chuyên viên phân tích VNDirect cho hay.
Chất lượng tài sản và nợ xấu
Theo VNDirect, tỷ lệ nợ xấu của top 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất tăng lên 2,1% tại cuối quý II/2023 từ mức 1,9% tại cuối quý I/2023.
Theo đó, tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay (LLR) cũng suy giảm từ 106% cuối quý I/2023 xuống 98% cuối quý II/2023.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng giá trị nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023 đạt 62.500 tỷ đồng tại cuối tháng 6/2023, tương đương với 0,5% tổng tín dụng toàn hệ thống.
Trước tình hình thị trường bất động sản vẫn gặp khó khăn về vấn đề thanh khoản như hiện tại, VNDirect cho biết, ưa thích các ngân hàng thương mại với dự phòng vững chắc và danh mục tín dụng lành mạnh.
VNDirect công bố top 3 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất bao gồm: Vietcombank (386%), VietinBank (169%) và MB (156%).
Lợi nhuận ngân hàng Việt Nam nào cao nhất?
Như Sputnik đưa tin trước đó, đã có 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán đều đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2023.
Dẫn đầu lợi nhuận là bộ 3 ngân hàng vốn Nhà nước trong nhóm Big 4 gồm Vietcombank, BIDV và VietinBank chiếm 3 vị trí top đầu trên bảng xếp hạng lợi nhuận.
Lợi nhuận Vietcombank bỏ xa phần các ngân hàng còn lại khi nhà băng này thu lời lớn gần gấp rưỡi so với BIDV và VietinBank.
MB, Techcombank và ACB là các ngân hàng bám đuổi ở phía sau, với lợi nhuận trong khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, VPBank đứng đầu trong nhóm ngân hàng lợi nhuận trên 2.000 tỷ đồng. VPBank hiện là ngân hàng sở hữu vốn điều lệ lớn nhất.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietcombank vẫn độc chiếm vị trí đầu bảng với lợi nhuận trên 16.000 tỷ đồng.
BIDV tăng 4 bậc trên bảng xếp hạng khi đạt lợi nhuận trên 11.100 tỷ đồng. Hai ngân hàng MB và VietinBank cùng tăng 1 bậc khi lợi nhuận đạt trên 10.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, 2 ngân hàng tụt hạng trong top 10 lại là 2 ngân hàng tư nhân hàng đầu: Techcombank và VPBank.
Lợi nhuận Techcombank nửa đầu năm nay đạt 9.000 tỷ đồng, tụt 2 bậc và lợi nhuận VPBank là 4.100 tỷ đồng, tụt 8 bậc. Năm ngoái, VPBank báo lãi đột biến nhờ thương vụ bán vốn FE Credit.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng thấp, chi phí đầu vào tăng, nguồn thu phi tín dụng khó tăng và nguy cơ nợ xấu tạo áp lực lên dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng suy giảm trong nửa đầu năm 2023.
Thực tế cho thấy, không chỉ NIM thu hẹp, mà nguồn thu ngoài lãi của nhiều nhà băng sụt giảm trong nửa đầu năm 2023, nhất là đối với mảng bảo hiểm, vốn mang lại nguồn thu lớn cho ngân hàng ở các năm trước thì năm nay tình hình không khả quan.
Cụ thể, theo Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), thu nhập từ bán chéo bảo hiểm (bancassurance) vốn chiếm khoảng 30% thu nhập dịch vụ, bị ảnh hưởng do việc các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra và thu nhập của người dân giảm sút.
"Sau 4 tháng đầu năm, doanh thu khai thác mới qua kênh bancassurance toàn thị trường ghi nhận giảm 38% so với cùng kỳ, lãi từ phí bảo hiểm cả năm theo đó dự báo giảm 10%-15%", - VCBS lưu ý.
SSI Research có ước tính kết quả kinh doanh quý 2/2023 của 32 doanh nghiệp niêm yết trong đó có 17/32 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm. Các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, HDBank, MB, Sacombank, VIB. Ở chiều ngược lại, ACB, Techcombank, VPBank bị dự báo lợi nhuận giảm so với cùng kỳ.
Trong báo cáo mới cập nhật, VCBS kỳ vọng NIM toàn ngành được kỳ vọng sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2023, nhờ lãi suất huy động giảm. Đặc biệt, sau khi Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành, lãi suất huy động giảm nhanh, lãi suất cho vay ghi nhận giảm khoảng 1%/năm tại các khoản vay phát sinh mới, nhưng thời điểm giảm lãi suất của các khoản vay hiện hữu có độ trễ 3 - 6 tháng so với lãi suất huy động.