Theo chuyên gia, thực tế hiện nay vẫn tồn tại hiện tượng ngân hàng đứng "chiếu trên", có vị thế cao hơn so với người đi vay, từ đó làm phát sinh việc ép mua bảo hiểm mới chịu giải ngân.
Vì vậy, cần có biện pháp kiểm soát hoạt động cho vay tại tất cả ngân hàng. Chỉ khi nào người đủ điều kiện dễ dàng được vay vốn, thì tình trạng ép mua bảo hiểm nhân thọ để được giải ngân mới có thể được hạn chế.
Doanh thu bảo hiểm qua kênh ngân hàng sụt giảm mạnh
Theo thống kê của Vnbusiness tại báo cáo tài chính quý 2/2023, trong số 8 ngân hàng thuyết minh chi tiết doanh thu từ bảo hiểm, có đến 7 ngân hàng ghi nhận hoạt động này giảm sau 6 tháng đầu năm.
Tổng thu nhập từ dịch vụ bảo hiểm của 8 ngân hàng này đạt khoảng 6.443 tỷ đồng, giảm 32,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngân hàng MB, đơn vị dẫn đầu về hoạt động bảo hiểm dù chưa có thỏa thuận độc quyền cũng ghi nhận mức giảm 17% so với cùng kỳ, thu về hơn 4.194 tỷ đồng. Tính cả khoản chi phí cho hoạt động này là 2.600 tỷ đồng, MB lãi được hơn 1.500 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2023, giảm 23%.
Bancassurance (phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng) là động lực tăng trưởng chính trong mảng dịch vụ của MB. Việc trực tiếp sở hữu 2 công ty bảo hiểm là MIC (MB sở hữu 68,37%) và MB Ageas Life (MB sở hữu 61%) trong cả 2 phân khúc nhân thọ và phi nhân thọ đã đóng góp số lượng lớn vào lợi nhuận ngân hàng này mỗi năm. Doanh thu từ bảo hiểm của ngân hàng này tăng rất nhanh trong giai đoạn 2019-2022, nhưng đã giảm tốc trong 6 tháng đầu năm 2023.
Xếp ngay sau MB về doanh thu bảo hiểm là VPBank. Trong nửa đầu năm nay, VPBank thu về 1.385 tỷ đồng từ dịch vụ bảo hiểm, giảm 8% so với cùng kỳ. Dù vậy, những khoản này vẫn chiếm đến 24% doanh thu từ mảng dịch vụ ngân hàng.
Ngoài 2 ngân hàng nói trên, những nhà băng có doanh thu bảo hiểm cao trong hệ thống còn có Techcombank, VIB và TPBank. Trong nửa đầu năm, doanh thu mảng này tại Techcombank và TPBank lần lượt là 290 tỷ đồng và 223 tỷ đồng, giảm 53% và 55% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số thu từ hoa hồng bảo hiểm của VIB cũng giảm 46%, xuống còn 315 tỷ đồng.
Được biết, Techcombank hiện đang hợp tác với Công ty Bảo hiểm Manulife, TPBank phân phối bảo hiểm của Manulife, Sun Life. Trong khi đó, VIB ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược lâu dài với Prudential Việt Nam.
Còn lại, những ngân hàng có doanh thu bảo hiểm khiêm tốn cũng ghi nhận sụt giảm mạnh từ mảng này. Chẳng hạn, SeABank thu về 46 tỷ đồng từ hoạt động bảo hiểm, giảm đến 81% so với cùng kỳ. Hay như ngân hàng KienlongBank chỉ thu về 11 tỷ đồng, giảm 63%.
Làm sao chấm dứt việc "ép" mua bảo hiểm mới giải ngân?
Trong những năm gần đây, bancassurance được xem là "con gà đẻ trứng vàng" cho các ngân hàng tại Việt Nam. Thuật ngữ này là sự kết hợp của hai từ ngân hàng (bank) và bảo hiểm (assurance).
Việc "bán chéo" này giúp nhà kinh doanh bảo hiểm khai thác tệp khách hàng lớn từ ngân hàng, giảm thiểu chi phí mở rộng. Trong khi đó, các ngân hàng gia tăng nguồn thu, tận dụng khách hàng mua bảo hiểm để đẩy mạnh dịch vụ khác.
Thế nhưng, kể từ đầu năm 2023, "mỏ vàng" của các ngân hàng đã cho thấy nhiều vấn đề, đặc biệt là khủng hoảng niềm tin, khiến doanh thu từ mảng này sụt giảm. Kết luận thanh tra của Bộ Tài chính nêu rõ, 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng (Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sun Life) đều có sai phạm khi bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng, đặc biệt là trong khâu tư vấn của giao dịch viên, nhân viên môi giới.
Theo ghi nhận của Bộ Tài chính, MB Ageas phát hành mới 66.757 hợp đồng bảo hiểm qua ngân hàng trong năm 2021. Đáng chú ý, tình hình hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau năm thứ nhất của các hợp đồng bảo hiểm phát hành qua ngân hàng lên đến 32,4%.
Năm 2021, Sun Life phát hành mới 80.117 hợp đồng bảo hiểm qua 2 ngân hàng. Trong đó, tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau năm thứ nhất của hợp đồng bán qua TPBank lên đến 73%.
Trong khi đó, tỷ lệ duy trì hợp đồng sau năm thứ nhất đối với các hợp đồng bảo hiểm Prudential bán qua ngân hàng (tính theo phí bảo hiểm) là 59%. Như vậy, tỉ lệ hủy, mất hiệu lực hợp đồng bảo hiểm sau năm thứ nhất là 41%.
Đề cập đến bancassurance, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cấp cao Học viện Tài chính, khẳng định điều quan trọng nhất là phải giải quyết tận gốc vấn đề. Thực tế hiện nay vẫn tồn tại tình trạng ngân hàng đứng "chiếu trên", có vị thế cao hơn nhiều so với người đi vay, từ đó làm phát sinh việc ép mua bảo hiểm mới chịu giải ngân.
Do đó, chuyên gia cho rằng, cần có biện pháp kiểm soát hoạt động cho vay tại tất cả ngân hàng. Đối với những hồ sơ đáp ứng đủ các điều kiện ràng buộc về mặt tín dụng, phải cho người dân, doanh nghiệp vay một cách đơn giản, thuận tiện. Chỉ khi nào cửa vay vốn rộng mở cho người đáp ứng đủ điều kiện, thì tình trạng "ép" mua bảo hiểm nhân thọ để được giải ngân mới có thể được hạn chế.