Liệu Nam cực của Mặt trăng có lặp lại số phận quần đảo Trường Sa trên Biển Đông?

Ngày 11 tháng 8, Trạm liên hành tinh tự động «Luna-25» đã được phóng lên không gian từ sân bay vũ trụ Vostochny. Dự kiến là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại Trạm sẽ hạ cánh xuống Nam cực của Mặt trăng, quan sát viên Piotr Tsvetov của Sputnik thông báo trong bài viết.
Sputnik

Tại sao tất cả đổ xô đến cực Nam của Mặt trăng

Nếu mọi chuyện diễn ra bình thường, Trạm sẽ đến được vệ tinh tự nhiên của Trái đất vào ngày 21 tháng 8. Trong vòng một năm, thiết bị sẽ hoạt động trên bề mặt Mặt trăng, tìm kiếm băng và khoáng chất hữu ích trong khu vực Nam cực. Vài năm về trước, các nhà khoa học nêu giả thiết rằng chính ở các cực của Mặt trăng, ở những nơi mà tia nắng Mặt trời không chiếu xuống, có thể tồn tại các lớp băng. Từ băng đá có thể thu được nước, rồi từ nước có thể nhận được khí oxi. Cả nước và oxy đều là những điều kiện quan trọng nhất cho con người ở lại lâu dài trên Mặt trăng.
Các nhà khoa học cũng cho rằng bên trong Mặt trăng có chứa các nguyên tố đất hiếm, rất cần thiết cho ngành công nghiệp điện tử. Giờ đây, nhà cung cấp nguyên tố đất hiếm chính của thế giới là Trung Quốc. Nếu tổ chức khai thác các nguyên tố đất hiếm trên Mặt trăng, sau đó chuyển về Trái đất, thì độc quyền của Trung Quốc đối với thứ nguyên liệu thô này sẽ biến mất!
Multimedia
Tên lửa mang theo tàu vũ trụ Luna-25 đã phóng lên từ sân bay vũ trụ Vostochny
Đó là lý do tại sao Nam cực Mặt trăng trở thành mục tiêu trong các chương trình không gian của một số nước. Một tháng trước, Trạm liên hành tinh «Chandraayn-3» của Ấn Độ đã khởi hành tới Mặt trăng. Theo kế hoạch, Trạm này sẽ đáp xuống Mặt trăng trong khoảng thời gian từ ngày 21 đến 24 tháng 8, cũng là ở cực Nam. Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng dự định đưa các phi hành gia của họ lên Mặt trăng - người Mỹ tính đến năm 2025 còn người Trung Quốc - vào năm 2030.

Hoa Kỳ muốn chuyển xung đột với Trung Quốc từ Trái đất lên Mặt trăng

Mặc dù việc khám phá Mặt trăng của người Mỹ và người Trung Quốc có thể không bắt đầu được sớm như vậy, nhưng tại Hoa Kỳ có không ít nhân vật nóng nảy ngay từ bây giờ đã nhìn nhận mối quan hệ giữa các quốc gia trong không gian hoàn toàn từ góc độ cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mới đây ông Bill Nelson đứng đầu Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) đã tuyên bố về «cuộc chạy đua trong không gian» giữa các quốc gia này.
Và nêu ví von cho sự cạnh tranh này thêm kịch tính, ông nhắc về tình hình hiện tại ở Biển Đông: «Các vị thấy hành động của Chính phủ Trung Quốc trên Trái đất. Họ tiến ra và tuyên bố rằng một số hòn đảo quốc tế ở Biển Đông là của họ và họ ngang nhiên xây dựng đường băng quân sự trên đó…Đương nhiên, tôi không mong muốn Trung Quốc đưa cư dân đến Nam Cực trước thiên hạ rồi tuyên cáo: «Nơi đây thuộc sở hữu của chúng tôi, hãy tránh xa», như họ đã làm với Trường Sa».
NASA công bố hoàn thành thử nghiệm tên lửa cho chương trình Mặt trăng của Hoa Kỳ

Luật pháp quốc tế và vốn tư nhân của Mỹ

Không rõ lý do gì, dựa trên cơ sở nào, mà Nelson ngờ rằng Trung Quốc có ý định chiếm đoạt một phần của Mặt trăng. Trung Quốc và LB Nga cũng như 110 quốc gia khác trên thế giới, đã ký Hiệp ước về vũ trụ (Outer Space Treaty), trong đó quy định rằng không quốc gia nào có thể giữ quyền sở hữu đối với một thiên thể hoặc một phần của nó, nghiêm cấm sử dụng các thiên thể vào mục đích thử nghiệm bất kỳ loại vũ khí nào, nghiêm cấm tiến hành thao diễn quân sự hoặc tạo lập các căn cứ, công trình và cơ sở quân sự. Chính giới CHND Trung Hoa nhiều lần tuyên bố rằng họ sử dụng không gian phục vụ mục đích hòa bình và họ cho rằng khai thác các nguồn tài nguyên trên Mặt trăng phải là công việc chung của toàn nhân loại. (Nhân tiện xin nhắc, LB Nga cũng nêu lập trường tương tự).
Còn Washington thường viện dẫn những nguyên tắc nêu trong một tài liệu khác do chính người Mỹ biên soạn vào năm 2020, tức là 53 năm sau Hiệp ước về vũ trụ OuterSpace Treaty. Tài liệu này có tên gọi là Artemis, với chữ ký của hai chục nước lệ thuộc vào Hoa Kỳ trong lĩnh vực thám hiểm không gian. Tài liệu này cho phép các công ty Nhà nước và tư nhân khai thác khoáng sản có ích từ bề mặt của Mặt trăng và tạo lập ở đó những «khu vực an ninh tạm thời», nơi người khác sẽ không được phép vào.
Trung Quốc công bố kế hoạch đưa phi hành gia lên Mặt trăng trước năm 2030
Như vậy, chính người Mỹ chứ đâu phải người Trung Quốc hay người Nga sửa soạn thiết lập thuộc địa riêng trên Mặt trăng, phớt lờ lợi ích của toàn nhân loại?
Tuy nhiên, trong môi trường quốc tế ngày nay, khi các chuẩn mực pháp luật và nguyên tắc đạo đức được thừa nhận rộng rãi lại đang sụp đổ trước mắt chúng ta, thì cuộc chiến giành quyền sở hữu Mặt trăng dường như không còn là bất khả thi. Và cuộc xung đột tương tự như cuộc xung đột mà chúng ta chứng kiến ở Biển Đông rất có thể sẽ lặp lại trên Mặt trăng.
Thảo luận