Hôm nay chúng tôi sẽ nói về hai người trong số họ: Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai.
Phi công đầu tiên của Việt Nam
Chúng ta có quyền gọi Lê Hồng Phong là phi công đầu tiên của Việt Nam. Mùa hè 1925, ông được giới thiệu vào học Trường quân sự Hoàng Phố. Một năm sau, ông được cử sang học Trường Không quân Quảng Châu.
Mùa thu năm 1926, theo lời giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Lê Hồng Phong cùng nhóm thanh niên Việt Nam đang theo học tại Trường Không quân Quảng Châu sang học tiếp tại Trường Không quân Liên Xô. Một chi tiết thú vị: tất cả những người Việt Nam sang học ở Nga trong những năm đó đều được gửi thẳng đến Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông (gọi tắt là KUTV) ở Mátxcơva. Hóa ra, Lê Hồng Phong là người duy nhất không được gửi đến trường KUTV, mà đến một cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống Quốc tế Cộng sản - đến Trường Lý luận Quân sự của Không quân ở Leningrad. Ông học ở đó từ tháng 10 năm 1926 đến tháng 12 năm 1927, và sau khi hoàn thành chương trình học tập, ông được chuyển đến Trường đào tạo phi công ở Borisoglebsk, một thành phố ở phía nam nước Nga cách Voronezh không xa. Ông học ở đó từ tháng 12 năm 1927 đến tháng 11 năm 1928.
Ngày nay, bức chân dung của Lê Hồng Fong thời 25 tuổi vẫn có thể được nhìn thấy trên bảng danh dự của ngôi trường này. Chúng ta thấy Lê Hồng Phong thời đó trên trang bìa cuốn sách “Quốc tế cộng sản và Việt Nam” xuất bản ở Mátxcơva: trong bức ảnh, ông mặc áo khoác da phi công, đội mũ bảo hiểm với kính nâng lên trán. Đây là hình ảnh của người Việt Nam đầu tiên trong Hồng quân và phi công Việt Nam đầu tiên! 52 năm sau, khi Phạm Tuân trở về đất Nga sau chuyến bay vào vũ trụ, ông đã trả lời câu hỏi của các nhà báo - tình yêu bầu trời của ông đã lấy cảm hứng từ ai? Và nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam trả lời: sứ Thanh Giang và Lê Hồng Phong.
Đầu tháng 12 năm 1928, theo lời khuyên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong đã rút khỏi Trường đào tạo phi công Borisoglebsk và ngày 4 tháng 12 trở thành sinh viên của Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông (KUTV). Ông nhận thẻ sinh viên số 4650 với tên họ là Mikhail Litvinov, chính là tên mà ông đã dùng trước đây tại Leningrad và Borisoglebsk.
Sau khóa đào tạo cơ bản 2 năm, Lê Hồng Phong được ghi danh nghiên cứu sinh tại trường đại học KUTV. Hiện nay vẫn giữ được bản thảo khóa luận của ông "Tình hình kinh tế và chính trị ở Đông Dương" do ông viết năm 1931, đây là tư liệu quả thực khá phong phú với một loạt tính toán thống kê. Bài viết về chính sách nông nghiệp của chính quyền Pháp trong khu vực đã đưa ra phân tích sâu sắc về tình hình giai cấp công nhân trong cuộc khủng hoảng kinh tế, xác định nhiệm vụ thực tế của cuộc đấu tranh cách mạng. Một phần bài viết liên quan với lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương, đến nay rất đáng quan tâm đối với các nhà nghiên cứu.
Người Việt Nam đầu tiên được kết nạp vào Đảng cộng Liên Xô
Biết tiếng Nga đến mức tuyệt vời, Lê Hồng Phong thường dịch các tài liệu bắt buộc từ tiếng Nga sang tiếng Việt cho các đồng hương của mình, khi đó có đến vài chục người theo học ở Trường KUTV. Năm 1929, ông được kết nạp đảng và trở thành người Việt Nam đầu tiên tham gia Đảng Cộng sản Liên Xô.
Tuy nhiên, Lê Hồng Phong không kịp hoàn thành luận án của mình. Năm 1931, năm thứ năm Lê Hồng Phong ở Nga lần đầu tiên, Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản đã cử ông làm đại diện tại Việt Nam để khôi phục lại mối quan hệ giữa các tổ chức đảng. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này, năm 1934, Lê Hồng Phong lên đường sang Nga lần thứ hai. Lần lưu trú thứ hai của ông ở thủ đô Nga kéo dài khoảng hai năm.
Thời kỳ thứ hai ở Nga
Lần này Lê Hồng Phong (với bí danh Hải An) đã đến Liên Xô với tư cách là người dẫn đầu phái đoàn Đảng Cộng sản Đông Dương dự Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản. Đại hội đã khai mạc tại Mátxcơva vào tháng 7 năm 1935 với sự tham gia của 513 đại biểu từ 65 đảng cộng sản. Đại hội kêu gọi những người cộng sản trên toàn thế giới bắt tay thành lập một mặt trận thống nhất chống phát xít để ngăn chặn cuộc chiến tranh xâm lược mà chúng đang chuẩn bị.
Trong phiên họp thứ chín, đồng chí Lê Hồng Phong (với bí danh Hải An) thay mặt đoàn đại biểu Đông Dương trình bày báo cáo: “Phong trào chung của Đảng Cộng sản Đông Dương và đặc biệt là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh”.
Ông đã tường thuật chi tiết về sự phát triển của phong trào cách mạng ở khu vực này trong 5 năm kể từ ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Đó là một bài phát biểu sâu sắc và tự phê bình.
Ông nói:
“Nhiều đồng chí ở Việt Nam quả quyết rằng Đảng đã diệt vong và tình hình thật bi đát”. - Lê Hồng Phong nhấn mạnh. - “Nhưng đây là lý luận của những người cộng sản do dự, không kiên định. Mặc dù số đảng viên đã giảm từ con số 3.500 người cách đây vài năm, nhưng cư dân của nhiều khu vực, ngay cả những vùng xa xôi nhất của Việt Nam, Lào và Campuchia, đang ồ ạt tham gia cách mạng. Vì vậy, hiện nay có nhiều cơ hội hơn bao giờ hết để thành lập một mặt trận thống nhất của các dân tộc Đông Dương đấu tranh chống kẻ thù chung, đẩy mạnh đấu tranh cách mạng. Đối với những người cách mạng Việt Nam, Đại hội VII của QTCS là một trường học lớn giúp chúng tôi học hỏi kinh nghiệm của các đảng anh em”.
Kết thúc bài phát biểu của mình Lê Hồng Phong tuyên bố:
“Đất nước và thành phố nơi chúng tôi tập trung rất xa quê hương tôi. Nhưng tất cả những người lao động Đông Dương đều biết rõ về Liên Xô. Và nhân dân lao động đang gửi gắm niềm tin và kỳ vọng vào Mátxcơva”.
Đại hội VII QTCS đánh giá cao báo cáo này và ghi nhận sự trưởng thành của phong trào cách mạng Đông Dương. Đại hội đã nhất trí ra quyết nghị công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là chi bộ chính thức thuộc QTCS. Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành QTCS. Sau Đại hội, Lê Hồng Phong ở lại Mátxcơva để tiếp tục học tập tại Trường KUTV, nơi ông đã theo học trong chuyến thăm đầu tiên tới Nga, và sau đó tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Cùng với Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Khánh Toàn, ông được giao nhiệm vụ dịch sang tiếng Việt các tài liệu của Đại hội VII QTCS.
Cùng với Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong dự lễ tiễn đưa thi hài của nhà văn Henri Barbusse về Paris, ông qua đời tại Matxcơva vào ngày 30 tháng 8 năm 1935. Vào tháng 5 năm 1936, Lê Hồng Phong đã yêu cầu Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản cho phép ông sang làm việc ở Đông Dương. Lời đề nghị này đã được chấp nhận. Vào cuối tháng 8, Lê Hồng Phong lần thứ hai nói lời tạm biệt với Matxcơva. Đây cũng là lời tạm biệt cuối cùng, chỉ còn sáu năm trước khi đồng chí Lê Hồng Phong trút hơi thở cuối cùng tại xà lim số 05, ở nhà tù Côn Đảo.
Làm quen với nhau ở Việt Nam, lấy nhau ở Mátxcơva
Tại Nga, Lê Hồng Phong không chỉ được huấn luyện cách mạng mà còn lập gia đình. Chính tại Mátxcơva, vào năm 1935, ông kết hôn với Nguyễn Thị Minh Khai, mà đây là lễ đám cưới đầu tiên của người Việt tại Matxcơva.
Nguyễn Thị Minh Khai đã đến Nga vào tháng 12 năm 1934 trong thành phần phái đoàn của Đảng Cộng sản Đông Dương dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Ngoài bà, trong đoàn còn có Lê Hồng Phong - đây là lần thứ hai ông đến Nga - và bí thư tỉnh ủy Cao Bằng Hoàng Tú Hưu.
Trên đường từ Việt Nam đến Matxcơva, phái đoàn đã đến Thượng Hải, nơi họ lên tàu biển của Nga đến Vladivostok, và từ đó bắt đầu chuyến tàu theo đường sắt xuyên Siberia đến Matxcơva. Thật không may, tàu hỏa mà họ đi bị chậm chuyến, đến rất muộn và đại diện của Ủy ban điều hành Quốc tế Cộng sản không gặp họ tại nhà ga Yaroslavsky ở thủ đô. Do đó, họ phải tìm cách đến Trường đại học Phương Đông KUTV. Thật là may mắn, Lê Hồng Phong biết rõ địa chỉ này vì ông đã học ở đó trong chuyến thăm Mátxcơva đầu tiên của mình.
Khi đến ký túc xá của trường KUTV, Lê Hồng Phong yêu cầu người canh gác mời nghiên cứu sinh người Việt Nam Minin – mà đây là bí danh của Nguyễn Khánh Toàn - và bà Vera Vasilyeva, cán sự của Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản, chuyên về Đông Dương. Họ đã có mặt tại chỗ, và phái đoàn đã được cung cấp chỗ ở. Tuy nhiên, sau đó bà Vasilyeva đã phải giải thích cho ban lãnh đạo tại sao các thành viên của phái đoàn Việt Nam trực tiếp từ nhà ga đến Trường, vì điều đó được coi là hành vi vi phạm chế độ bí mật.
Vì còn mấy tháng nữa trước lễ khai mạc Đại hội, nên Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khi đó đang ở Mátxcơva, đã cử Nguyễn Thị Minh Khai với bí danh Phan Lan và Hoàng Tú Hưu với bí danh Văn Tấn - đi học các khóa đặc biệt tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa ở Mátxcơva. Còn Lê Hồng Phong nối lại quá trình học tập tại Viện này đã bắt đầu trong chuyến thăm đầu tiên tới Nga.
Đại hội đại biểu lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản được tổ chức từ ngày 25-7 đến ngày 21-8-1935 tại Mátxcơva. Nguyễn Thị Minh Khai với giấy ửy nhiệm số 169 là đại biểu có quyền biểu quyết. Cô cũng là đại biểu trẻ nhất - khi đó cô 25 tuổi - được trao cơ hội đọc tham luận về vai trò của phụ nữ ở Đông Dương trong cuộc đấu tranh cách mạng. Khi Nguyễn Thị Minh Khai từ bục trở lại vị trí của mình trong hội trường, cô được chào đón thân mật bởi bà Nadezhda Krupskaya - người bạn đời, người đồng chí của Lênin. Và cho đến khi kết thúc phiên họp, họ ngồi cạnh nhau - chúng ta thấy điều này trong bộ phim tài liệu về sự kiện này.
Tháng 10 cùng năm 1935, Nguyễn Thị Minh Khai tham gia Đại hội VI Quốc tế Thanh niên Cộng sản. Cùng với Lê Hồng Phong và Hoàng Tú Hưu, cô tiếp tục học tập trong hệ thống QTCS. Lễ đám cưới của cô với Lê Hồng Phong cũng được tổ chức tại Matxcơva. Nhưng nhiệm vụ hoạt động cách mạng không cho phép họ được hưởng hạnh phúc gia đình lâu dài. Cuối tháng 8 năm 1936, Lê Hồng Phong được cử sang Việt Nam. Tháng 2 năm sau, Nguyễn Thị Minh Khai cũng lên đường trở về quê hương. Cùng với cô, Hoàng Tú Hưu, cũng trở về nước. Với mục đích giữ bí mật, họ được cấp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân. Tại Matxcơva, họ nhận được vé tàu hạng nhất đến Paris và 500 USD mỗi người cho các chi phí đi lại tiếp theo: từ Pháp đến Hồng Kông và từ đó đến Việt Nam. Với mức giá lúc bấy giờ, 500 USD là quá đủ cho một chuyến đi như vậy trong điều kiện tuyệt vời. Hai khách du lịch được cung cấp những chiếc vali đắt tiền, quần áo châu Âu - với mục đích giữ bí mật, không có đồ dùng nào được sản xuất tại Nga.
Chuyến đi thành công tốt đẹp, chẳng bao lâu Nguyễn Thị Minh Khai đã gặp được người chồng thực sự của mình tại Việt Nam. Cô còn ba năm để hoạt động tự do, và trong một năm nữa, cô đã lãnh đạo phong trào cách mạng ở Sài Gòn từ trong tù. Đầu năm 1940, Nguyễn Thị Minh Khai sinh con gái đầu lòng Lê Nguyễn Hồng Minh. Tác giả của bài này - nhà báo Nga Alexey Syunnerberg - đã may mắn có dịp gặp bà Hồng Minh ở Việt Nam vào những năm 80 của thế kỷ trước. Bà coi các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và tổ chức đảng ở Sài Gòn là cha mẹ. Và bà yêu cầu nhà báo Nga kể về Matxcơva, mà cha mẹ trẻ của bà đã từng đi dạo dọc theo những con phố của thành phố này vào giữa những năm 30.