Biển Đông

Tàu Việt Nam tố bị tàu Hải cảnh Trung Quốc tấn công: Hà Nội có động thái cứng rắn

Việt Nam đang khẩn trương làm rõ việc tàu cá Quảng Ngãi tố bị tàu Hải cảnh Trung Quốc với dòng chữ China Coast Guard 4201 truy đuổi, tấn công, xịt vòi rồng trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Sputnik
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng, Việt Nam phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực đối với các tàu cá của Việt Nam hoạt động bình thường trên biển, đe doạ đến tính mạng và an toàn cũng như gây thiệt hại về tài sản và lợi ích của ngư dân.

Việt Nam làm rõ vụ tàu cá bị tấn công

Trong thông cáo phát đi chiều tối ngày 31/8, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra phản hồi cứng rắn về vấn đề chủ quyền cũng như bảo vệ tính mạng và tài sản của ngư dân Việt hoạt động khai thác trên vùng biển mà Hà Nội cũng có tuyên bố chủ quyền.
Phản ứng của Việt Nam liên quan đến vụ một tàu nghi là tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu China Coast Guard 4201 truy đuổi, tấn công và bắn vòi rồng vào tàu cá ngư dân Việt Nam QNg 90495TS khiến hai ngư dân bị thương.
Trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng trước thông tin một tàu cá Việt Nam bị tấn công khi đang hoạt động trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết hôm 31/8 rằng:
“Các cơ quan chức năng Việt Nam đang khẩn trương làm rõ vụ việc”.
Đại diện Bộ Ngoại giao nhắc lại, như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập phù hợp theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Bà Hằng cũng cho biết Hà Nội phản đối mọi hành vi dùng vũ lực đe doạ tính mạng và tài sản đối với công dân của mình.

“Việt Nam phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực đối với các tàu cá của Việt Nam hoạt động bình thường trên biển, đe doạ đến tính mạng và an toàn cũng như gây thiệt hại về tài sản và lợi ích của ngư dân, trái với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”, phát ngôn viên Phạm Thu Hằng tuyên bố.

KDL Tam Cốc-Bích Động tê liệt, dân phản đối chèo đò cho công ty của đại gia Xuân Trường

Ngư dân Việt Nam bị xịt vòi rồng

Như Sputnik đã đưa tin, tối ngày 29/8, Đồn Biên phòng Sa Kỳ và Đồn Biên phòng Bình Hải (BĐBP Quảng Ngãi) đã tiếp nhận sự việc tàu cá QNg 90459 Ts của ngư dân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam bị tàu nước ngoài mang dòng chữ China Coast Guard 4201 tấn công, phun vòi rồng làm cho 2 ngư dân đi trên tàu cá bị thương.
Ông Huỳnh Văn Hoanh, chủ tàu QNg 90459 Ts cho biết, khoảng 5 giờ ngày 28/8, phương tiện của ông đang di chuyển từ đảo Phú Lâm đến bãi Xà Cừ thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để hành nghề, đã bị tàu nước ngoài mang dòng chữ China Coast Guard 4201 truy đuổi, sử dụng vòi rồng công suất lớn phun làm cho ông bị gãy tay và thuyền trưởng bị chấn thương ở vùng đầu.
Ngư dân báo cáo lại sự việc rằng: “Lúc đó tôi đang nằm ở phía sau cabin tàu thì nghe anh em hô hoán có tàu lạ áp sát. Tôi còn chưa kịp đứng lên quan sát thì những người trên tàu mang số hiệu 4201 dùng vòi rồng xịt vào làm tôi tối mũi, ngã xuống sàn tàu gãy tay, chấn thương hết toàn thân thể”.
Theo nhóm ngư dân Việt Nam đi trên tàu cá QNg-90495 TS thuật lại, họ bị tàu Trung Quốc tấn công, truy đuổi, vây ráp, kéo dài từ khoảng 5 giờ đến 15 giờ ngày 28/8, tại vùng biển từ tọa độ 16°38'N - 112°05'E đến tọa độ 16°33'N-111°21'E.
Trong thời gian này, tàu số hiệu 4201 của Hải cảnh Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng phun nước từ nhiều phía phá hỏng nhiều trang thiết bị hàng hải, làm cho cabin tàu bung, gãy nhiều nơi, tàu cá QNg-90495 Ts có nguy cơ chết máy, bị chìm ngoài khơi.
Ông Huỳnh Văn Khanh, thuyền viên tàu cá QNg-90495 TS bức xúc kể lại rằng, tàu nước ngoài thả tam bang (ca nô) truy đuổi, nhưng các thuyền viên Việt Nam đã cố gắng không cho họ lên tàu.
“Họ không khống chế được chúng tôi, nên họ sử dụng tàu lớn phun nước vào ống bô cho chết máy, nhưng chúng tôi xử lý được. Rồi họ tấn công vào vị trí thuyền trưởng, xịt nước bể kính cabin, làm thuyền trưởng bị chấn thương ở đầu”, ông Khanh nói.
Ngư dân Trần Văn Khanh nhấn mạnh, tàu nước ngoài kẹp tàu ngư dân Việt Nam rất lâu, cố ý phun vòi rồng để tàu hư hỏng thiết bị, chết máy.
“Nước tràn vào tàu gần một nửa, rất may tàu có nhiều máy bơm nên kịp thời bơm nước ra ngoài, nếu không thì đã chìm. Khi tàu nước ngoài tấn công, anh em chúng tôi phải chui vào hầm tránh vì nhiều thiết bị bằng gỗ, kính trên tàu đã vỡ vụn”, ngư dân kể lại.
Việt Nam trăn trở về thẻ vàng IUU

‘Ngư dân liên tục bị tàu Trung Quốc gây khó dễ’

Đáng chú ý, sau khi khống chế tàu cá không thành công, tàu mang số hiệu 4201 bỏ đi thì xuất hiện 1 tàu sắt khác có số hiệu 4104 tiến lại gần đề nghị lên tàu cá QNg-90495 TS để cứu chữa cho các thuyền viên. Tuy nhiên, do lo sợ nên thuyền trưởng đã từ chối và chạy về đất liền.
Đến khoảng 20 giờ ngày 29/8, tàu cá QNg- 90495 Ts đã về đến cảng Sa Kỳ, trình báo sự việc cho đồn biên phòng địa phương. Tiếp nhận thông tin, Đồn Biên phòng Sa Kỳ đã phối hợp cùng Đồn Biên phòng Bình Hải ghi nhận vụ việc, đồng thời trình báo lên cấp trên để xác minh làm rõ. Hai ngư dân bị thương được gia đình đưa đi bệnh viện điều trị.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, tình hình khai thác hải sản ở ngư trường Hoàng Sa của bà con ngư dân Bình Châu gặp rất nhiều khó khăn.
“Ngư dân liên tục bị tàu Trung Quốc gây khó dễ, thậm chí rượt đuổi, tấn công”, ông Hùng thông tin.
Ông Hùng bức xúc khi giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8 là khoảng thời gian Trung Quốc ngang nhiên tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trái phép trên Biển Đông, do đó, ngư dân địa phương liên tục bị tấn công.
Trung tá Trần Đình Sâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bình Hải thuộc BĐBP tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị đóng quân trên địa bàn có đội tàu đánh bắt xa bờ số lượng lớn.
Do đó, lực lượng biên phòng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con ngư dân cách ứng phó khi đang hoạt động đánh bắt trên biển.
“Chúng tôi thường xuyên vận động bà con ngư dân đánh bắt xa bờ nên đi theo tổ, nhóm. Khi có sự cố thì tổ nhóm này chủ động liên hệ, thông báo cho nhau. Nếu có vụ việc xảy ra, ngư dân lập tức gọi điện thông báo cho lực lượng chức năng nắm thông tin kịp thời để có biện pháp hỗ trợ”, Trung tá Trần Đình Sâm cho hay.
Thảo luận