Dân ồ ạt gửi tiền ngân hàng

Tại Việt Nam, tiền gửi tiết kiệm ngân hàng tăng mạnh bất chấp lãi suất giảm sâu.Chỉ tính riêng ngày 30/6 tổng tiền gửi của khách hàng dân cư và doanh nghiệp đạt hơn 12 triệu tỷ đồng, tăng hơn 270.000 tỷ so với tháng 5, mức tăng theo tháng kỷ lục được ghi nhận kể từ tháng 1/2021 đến nay.
Sputnik
Sau 4 lần hạ lãi suất điều hành liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hiện lãi suất cho vay đã giảm đáng kể so với trước, phổ biến ở mức 7,5 - 8%/năm với các khoản vay trung hạn và 8 - 10%/năm với các khoản vay ngắn hạn.

Tiền gửi tiết kiệm ngân hàng tăng mạnh bất chấp lãi suất giảm

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thống kê mới nhất về tổng lượng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 6/2023.
Theo đó, tổng tiền gửi đã đạt mức cao nhất kể từ trước đến nay với hơn 12,3 triệu tỷ đồng.
Đáng chú ý, dữ liệu tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 6 Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho thấy, lượng tiền lớn tiếp tục chảy vào ngân hàng bất chấp lãi suất huy động ngày càng xuống thấp và thực tế, dù lãi suất có bị giảm sâu, thị trường chứng khoán sôi động hơn, bất động sản luôn là kênh đầu tư hấp dẫn nhưng người dân vẫn ồ ạt đem tiền gửi an toàn như một hình thức đầu tư đem lại sự an tâm.
Theo NHNN, tiền gửi tiết kiệm của dân cư đến cuối tháng 6 đạt 6,38 triệu tỷ đồng, tăng 8,82% so với cuối năm 2022. Như vậy, tiền gửi của dân cư tăng liên tiếp kể từ tháng 10 năm ngoái.
So với tháng 5, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng thêm 35.341 tỷ đồng. Còn so với cuối năm 2022, số tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng đã tăng thêm hơn 429.000 tỷ đồng.
Lãi suất ở Việt Nam diễn biến lạ, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu mạnh tay
Trong tháng 6/2023, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng tăng trở lại với 235.438 tỷ đồng được gửi thêm vào hệ thống ngân hàng. Trước đó, tiền gửi các tổ chức tín dụng đã giảm 5 tháng liên tiếp.
Lũy kế đến tháng 6 vừa qua, lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt hơn 5,98 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 0,51% so với cuối năm ngoái. Trong khi trước đó, đến hết tháng 5 tiền gửi các tổ chức kinh tế thậm chí đã giảm 3,45% so với cuối 2022.
Đáng chú ý, riêng ngày 30/6, tổng tiền gửi của khách hàng dân cư và doanh nghiệp đã đạt hơn 12 triệu tỷ đồng, tăng hơn 270.000 tỷ so với tháng 5, mức tăng theo tháng kỷ lục được ghi nhận kể từ tháng 1/2021 đến nay. So với cùng kỳ các năm trước, đây cũng là tháng 6 tăng trưởng cao nhất.
Tuy nhiên, dù tiền gửi doanh nghiệp tăng trở lại nhưng tổng huy động vốn 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 3,3%, thấp hơn mức 4,73% tăng trưởng tín dụng.

Kênh đầu tư an toàn

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, người dân vẫn chọn gửi tiền vào ngân hàng do tính an toàn, đảm bảo và vẫn có khả năng sinh lời.
Thêm nữa, tiền gửi của dân cư tháng 6 tăng so với tháng 5 đã cho thấy tâm lý đầu tư xét tới hạn chế tối đa rủi ro của người dân dù trước đó nhiều người dự báo lượng tiền gửi vào ngân hàng sẽ giảm từ tháng 6. Bởi thị trường chứng khoán sôi động trở lại và lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm.
Chứng khoán BVSC đánh giá, với mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm từ mức đỉnh, thị trường chứng khoán có cơ hội thu hút được một phần khoản tiền gửi đáo hạn đi tìm cơ hội đầu tư.
Có 12 lãnh đạo cấp vụ Ngân hàng Nhà nước luân chuyển làm quản lý doanh nghiệp
Chuyên gia nhận định, sau điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động và cho vay bắt đầu giảm, thanh khoản của các ngân hàng đang được cải thiện ở mức tốt. Bên cạnh đó, lãi suất huy động giảm đã giúp thị trường chứng khoán dần trở nên hấp dẫn hơn so với thời điểm đầu năm 2023.
Hiện lãi suất tại 4 ngân hàng lớn có vốn nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, mức lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng trở lên hiện chỉ còn 5,8%/năm. Các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, người dân chỉ còn được hưởng lãi suất quanh mức 4 - 5%/năm.
Tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, mức lãi suất huy động 7%/năm ngày càng ít và thường phải yêu cầu số tiền gửi lớn, thời gian gửi dài. So với tháng 6, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm khoảng 0,5 – 1% tùy từng ngân hàng và kỳ hạn, còn so với hồi đầu năm đã giảm 3 - 4%/năm.

Thừa tiền, ngân hàng đẩy mạnh tín dụng

Tiền gửi dân cư và doanh nghiệp (đầu vào) tăng mạnh, tuy nhiên, đầu ra lại đang “ế”, có hàng triệu tỷ đồng hiện vẫn nằm trong két không cho vay được khiến nhiều ngân hàng sốt ruột, đau đầu, lo tăng trưởng tín dụng thấp, lợi nhuận giảm.
Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn rất chậm. Theo số liệu mới nhất của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng vào cuối tháng 7/2023 được ghi nhận là 4,3% so với cuối năm, giảm nhẹ so với mức 4,73% được công bố vào cuối tháng 6.
Tăng trưởng tín dụng giảm so với tháng trước tiếp tục cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Đào Minh Tú cho hay, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế nửa đầu năm nay đạt 4,73%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 9,35%.
Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, những động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Tín dụng tăng thấp hơn so cùng kỳ năm trước phản ánh khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Dự báo tiền Đồng suy yếu, vốn bị rút khỏi Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp
“Việt Nam đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều trở ngại, thách thức, gây áp lực lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế”, - Phó Thống đốc bày tỏ.
Do đó, theo Phó Thống đốc, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, trong đó sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ.
Số lượng doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kể từ đầu năm đã giảm hơn 1.000 đơn vị. Có những doanh nghiệp hoạt động nhờ 90%-100% vốn vay ngân hàng và tỷ lệ vay vốn cao như vậy trong điều kiện hiện nay thì rõ ràng là rất khó khăn. Ông Tú bày tỏ, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như hiện nay.
Như Sputnik đã đề cập, để hỗ trợ nền kinh tế, NHNN đã chủ động giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tục với mức giảm 0,5-2%, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó giảm lãi suất cho vay.
Đến nay, mức lãi suất của ngân hàng thương mại giảm trung bình 1,5-3% và nhiều ngân hàng đã có những khoản vay ưu đãi. Đầu tháng 7/2023, NHNN cũng điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14% cho các ngân hàng thương mại.
Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, năm nay nhu cầu tín dụng thấp nên chính các ngân hàng cũng khá sốt ruột, muốn đẩy tín dụng ra. Một trong những cách đẩy tín dụng ra, kích thích, tạo nhu cầu cho khách hàng là phải giảm lãi suất, làm sao để chi phí tài chính dễ chấp nhận.
Thống đốc đã ra tay: Nước cờ bất ngờ của Ngân hàng Nhà nước
“Như vậy so với NHNN yêu cầu hạ từ 1,5 đến 2%, thì ngay chính chúng tôi cũng chủ động rồi, nên việc thực thi cũng không quá khó khăn”, - Tiền phong dẫn lời ông Hưng cho hay.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, việc liên tiếp hạ lãi suất điều hành, qua đó ép mặt bằng lãi suất cho vay hạ nhiệt hơn so với trước kết hợp với đẩy mạnh và kích thích cho vay mà các tổ chức tín dụng đang triển khai được xem là các công cụ quan trọng để tín dụng được tăng trưởng.
Nguồn vốn được đưa vào lưu thông, từ đó, sản xuất cũng được kích thích hơn, gia tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế hiện nay.

Đừng để doanh nghiệp phải lên tivi mà vay

Phát biểu tại hội thảo tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 22/8, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú lưu ý, bên cạnh một số lãi suất được NHNN quy định mức lãi suất trần, còn lại các ngân hàng thương mại được tự chủ về mặt lãi suất theo cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, ông nhắc nhở, dù không bị pháp luật hạn chế về lãi suất trần, nhưng các nhà băng vẫn phải lưu ý vấn đề đạo đức kinh doanh, trách nhiệm với cộng đồng.
Bên cạnh việc hạ lãi suất, NHNN yêu cầu các NHTM phải cắt giảm các loại phí. Phó Thống đốc cũng cho biết sắp tới NHNN sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về lãi suất và phí tại các ngân hàng, bởi đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giá đầu vào của doanh nghiệp và đây là lúc các ngân hàng phải chia sẻ, chia sẻ một cách thực chất, không thể để doanh nghiệp muốn lãi suất thấp thì chỉ có lên tivi mà vay.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triệu tập cuộc họp về giảm lãi suất cho vay
“Đêm qua tôi nhắn tin cho Chủ tịch của hai ngân hàng thương mại cổ phần lớn. Tôi nói nghe các ông nói trên tivi nhưng khi doanh nghiệp phản ánh cho vay từng này. Người ta cứ nói mãi rằng “muốn vay lãi suất thấp thì lên tivi mà vay”, - Phó Thống đốc thẳng thắn.
Sau khi nhận được tin nhắn trong đêm, hai vị chủ tịch của hai ngân hàng TMCP lớn này đều hứa “sẽ rà soát lại”.
Phó Thống đốc cũng chia sẻ với khó khăn của các nhà băng, bởi bản chất, họ cũng là doanh nghiệp. Thêm nữa, tiền cho vay không phải là của ngân hàng mà là tiền huy động của người dân, nên không thể cứ cho vay thoải mái dẫn đến mất thanh khoản, rồi trở thành gánh nặng của Nhà nước.
Thảo luận