Nguyên nhân ban đầu được cho là do các cơ quan chức năng của Anh và Scotland phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu trong sản phẩm trái thanh long Việt Nam được bán ra thị trường.
Ở Anh nêu bằng chứng thanh long Việt Nam có dư lượng thuốc trừ sâu
Cụ thể, Thương vụ Việt Nam tại Anh dẫn thông báo của Cục Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh (FSA) và Cục Tiêu chuẩn Thực phẩm Scotland (FSS) cho biết, các cơ quan này đã có bằng chứng thực tế về việc trái thanh long Việt Nam có dư lượng thuốc trừ sâu, tiềm ẩn rủi ro cao cho sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện FSA và FSS đang tham vấn công khai trong vòng 6 tuần trước khi có báo cáo kèm theo đề xuất sửa đổi quy định pháp lý liên quan đến việc kiểm định trái thanh long Việt Nam.
Theo đó, nhà chức trách Anh dự kiến đề xuất đưa trái thanh long Việt Nam từ Phụ lục II (sản phẩm phải được xét nghiệm và được cấp giấy chứng nhận an toàn tại Việt Nam trước khi xuất khẩu) sang Phụ lục I (sản phẩm phải được xác minh và tái kiểm thực tế 50% tại cảng đến trước khi được phép lưu thông trên thị trường).
Nếu đề nghị của FSA và FSS chấp nhận, một quy định pháp lý sửa đổi như vậy sẽ được ban hành và có thể đi vào thực thi từ đầu năm 2024 tại England, Wales và Scotland. Riêng Bắc Ireland vẫn sẽ áp dụng Quy định nhất quán liên quan của Liên minh châu Âu (EU).
Hiện nay, một số siêu thị như Waitrose, Whole Food đã dừng bán thanh long Việt Nam và chuyển sang bán thanh long xuất xứ từ Tây Ban Nha hoặc Campuchia.
Sẽ còn nhiều khó khăn
Thương vụ Việt Nam tại Anh nhận định, trong tương lai, thanh long có thể sẽ gặp nhiều thách thức khi xuất khẩu sang Anh. Ngoài ra, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này cũng đang gặp nhiều trở ngại.
Cụ thể, nhu cầu thị trường giảm sút do nguyên nhân lạm phát cao và người dân thắt chặt chi tiêu. Biến động tỷ giá USD/GBP còn làm tăng thêm rủi ro tài chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Chưa hết, các doanh nghiệp Việt còn phải đối mặt với yêu cầu chất lượng cao, giá cả cạnh tranh; qui định sử dụng nhãn UKCA thay cho CE đối với sản phẩm công nghiệp; dự luật về chống mất rừng và suy thoái rừng được cho sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm gỗ, cà phê, cao su, dầu thực vật, đậu tương.
Ngoài ra, xu hướng sản phẩm cho người ăn kiêng ngày càng phổ biến hơn như ăn chay thuần (vegan), kiêng gluten (người dị ứng gluten), kiêng đường (người tiểu đường) đã khiến cho việc sản xuất và cung ứng thực phẩm nông sản trở nên phức tạp hơn.
Hải quan Việt Nam ghi nhận, trong 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt – Anh đạt hơn 3,95 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Việt Nam thặng dư thương mại hơn 3,03 tỷ USD.
Cũng trong 7 tháng qua, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt hơn 3,49 tỷ USD, giảm nhẹ 0,1% so cùng kỳ năm 2022. Mức sụt giảm này rất thấp so với mức sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trung bình (giảm 6,9%) của Việt Nam sang các nước châu Âu trong 7 tháng 2023 và mức giảm 10,1% ra toàn thế giới.
Thương vụ Việt Nam tại Anh dự kiến sẽ triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá sang Anh trong thời gian tới. Trong số đó có việc tăng cường mạng lưới với cộng đồng doanh nghiệp Anh và doanh nghiệp Việt Nam tại Anh để kết nối, giới thiệu đối tác cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đồng thời, Thương vụ sẽ cung cấp thông tin cập nhật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các qui định nhập khẩu vào Vương quốc Anh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cơ quan đại diện của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế - thương mại cũng sẽ tích cực làm việc với các hệ thống siêu thị Anh, với mục tiêu đưa hàng hóa Việt Nam vào các siêu thị nước sở tại.