Trong một động thái mới nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các nhà băng không được ép nhân viên bán trái phiếu và gây áp lực để nhân viên bán được trái phiếu nhằm đánh giá hiệu quả công việc (KPI).
Xử lý vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm
Ngân hàng Nhà nước vừa trả lời kiến nghị cử tri TPHCM về các giải pháp bảo đảm quyền lợi khách hàng khi gửi tiền tiết kiệm, mua trái phiếu, mua bảo hiểm... gặp rủi ro.
Trả lời cử tri, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, liên quan đến tiền gửi tiết kiệm, ngày 31/12/2018, NHNN đã ban hành Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi tiết kiệm thay thế Quy chế tiền gửi tiết kiệm trước đây theo hướng đảm bảo an toàn tiền gửi cho người gửi tiền.
Trong đó, nhà điều hành đã yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) bổ sung quy định để người gửi tiền tra cứu tiền gửi tiết kiệm, thông báo cho người gửi tiền khi có thay đổi đối với khoản tiền gửi tiết kiệm; xây dựng quy định nội bộ quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của từng bộ phận, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm.
Quy định chi tiết các thủ tục nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch của TCTD; niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch của TCTD về thủ tục giao dịch tiền gửi tiết kiệm giữa TCTD và người gửi tiền và từng hình thức gửi tiền tiết kiệm.
Theo NHNN, thông qua các chương trình truyền hình như "Tiền khéo tiền khôn"; "Tay hòm chìa khóa"; chuyên mục "Đồng tiền thông thái"... NHNN đã tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật một cách đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, để người dân hiểu rõ hơn các quy trình thủ tục gửi tiền cũng như các thông tin có liên quan đến tiền gửi tiết kiệm để đảm bảo an toàn tài sản của người gửi tiền.
Ngoài ra, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền, tiền gửi tiết kiệm còn được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi.
Đối với vấn đề bảo hiểm, theo NHNN, thời gian qua, cơ quan này đã liên tục có các văn bản chỉ đạo, cảnh báo, chấn chỉnh các tổ chức tín dụng tuân thủ đúng quy định của pháp luật về hoạt động đại lý bảo hiểm, góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách hàng; đồng thời, tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành để quán triệt các TCTD về hoạt động đại lý bảo hiểm.
Cùng với việc chỉ đạo các TCTD tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm, đặc biệt là hành vi tư vấn, gắn việc mua sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, NHNN đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các TCTD và bổ sung nội dung thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, chỉ đạo của NHNN đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm trong Kế hoạch thanh tra hằng năm.
NHNN đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong quá trình thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm và các TCTD có nhiều phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Động thái siết chặt của NHNN
Về trái phiếu, Ngân hàng Nhà nước cho hay, thời gian qua, cơ quan này đã tăng cường giám sát tình hình cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo, chấn chỉnh tổ chức tín dụng về hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin phiếu doanh nghiệp.
Trước đó, như Sputnik đưa tin, NHNN vừa có văn bản 2845/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng về việc rà soát, chấn chỉnh hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ của tổ chức tín dụng (TCTD).
Trong đó, NHNN yêu cầu ngân hàng thương mại không được gây áp lực cho nhân viên trong chào bán TPDN cho khác hàng/nhà đầu tư và không ép nhân viên phải bán được trái phiếu để đạt chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc (KPI).
Trong động thái mới, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu tổ chức tín dụng chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định nội bộ, quy trình nghiệp vụ, mẫu hợp đồng… đối với các hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ.
Nhà điều hành yêu cầu, ngân hàng khi cung cấp dịch vụ phải bảo đảm khách hàng, nhà đầu tư hiểu rõ sự khác biệt giữa đầu tư phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ với việc gửi tiết kiệm tại ngân hàng, các rủi ro phát sinh, vấn đề cần lưu ý khi đầu tư, đặc biệt là rủi ro không trả được nợ lãi, gốc trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, quyền lợi, trách nhiệm của khách hàng, nhà đầu tư; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
"Các tổ chức tín dụng không được gây áp lực đối với nhân viên, đơn vị kinh doanh trong việc giới thiệu, cung cấp thông tin cho khách hàng, nhà đầu tư mua phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ để đạt chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc", - NHNN nêu rõ.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ tại các chi nhánh và trụ sở chính đối với các hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ của tổ chức tín dụng…
Tăng cường thanh tra việc tư vấn trái phiếu
Đặc biệt, năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã bổ sung nội dung thanh tra hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin phiếu doanh nghiệp đối với khách hàng vào kế hoạch thanh tra năm.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm cũng như hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin phiếu doanh nghiệp đối với khách hàng của tổ chức tín dụng.
"Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xem xét, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật", - NHNN nhấn mạnh.
Trước đó, NHNN cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với các hoạt động cung cấp dịch trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp như cung cấp thông tin không đầy đủ, không rõ ràng, thiếu chính xác dẫn đến việc khách hàng hiểu lầm về TPDN và giữa việc mua TPDN, chứng chỉ quỹ với gửi tiền tại TCTD, hay không thực hiện đúng quy định nội bộ, quy trình nghiệp vụ, chỉ đạo của NHNN và của pháp luật có liên quan; định hướng hoặc "ép" khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống rà soát, kịp thời có biện pháp giải quyết các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến hoạt động tư vấn giới thiệu, cung cấp thông tin trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ của TCTD cũng như trách nhiệm của TCTD đối với khách hàng, nhà đầu tư theo hợp đồng (nếu có).
Lưu ý vấn đề đạo đức
Vấn đề đạo đức kinh doanh được đặc biệt nhấn mạnh. NHNN yêu cầu lãnh đạo các nhà băng phải đẩy mạnh công tác phổ biến, truyền thông nội bộ để nhân viên, cán bộ hiểu rõ các quy định nội bộ, quy trình nghiệp vụ, chỉ đạo của NHNN và quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ nhằm tăng cường ý thức tuân thủ, giảm thiểu rủi ro đạo đức trong quá trình thực hiện.
Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng Việt Nam đang nhộn nhịp phát hành lại trái phiếu. Đây là động thái đáng mừng sau thời gian dài thị trường trái phiếu bị ngưng trệ và gặp nhiều khó khăn sau khi nhiều trái chủ của trái phiếu An Đông có đơn tố cáo bị nhân viên ngân hàng SCB tư vấn mập mờ, không rõ ràng về sản phẩm trái phiếu liên quan tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan.
Thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, chỉ riêng trong tháng 8 đã ghi nhận 10 đợt phát hành trái phiếu của các ngân hàng với giá trị phát hành lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Trong đó, ACB có 3 đợt phát hành với tổng giá trị 6.500 tỷ đồng, HDBank đã thông qua phương án phát hành ra công chúng tối đa 5.000 tỷ đồng trái phiếu, OCB phát hành trái phiếu với tổng trị giá 2.000 tỷ đồng, MSB hơn 1.000 tỷ đồng, BacABank 800 tỷ đồng, BIDV 700 tỷ đồng…