Bóng ma tỷ giá ở Việt Nam sẽ không lặp lại, Ngân hàng Nhà nước sẽ ra tay
© Depositphotos.com / TKKurikawaNgân hàng Nhà nước Việt Nam.
© Depositphotos.com / TKKurikawa
Đăng ký
Nhiều ý kiến xung quanh biến động tỷ giá xoáy theo các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thay đổi chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm 2023.
Trong đó, nhiều phân tích cho rằng, áp lực mất giá của tiền đồng có thể tăng, thậm chí tỷ giá sẽ vượt ngưỡng 24.000 đồng/USD, tuy nhiên đà mất giá tiền Đồng chưa đến mức đáng ngại.
VND có thể suy yếu nhưng bóng ma tỷ giá ở Việt Nam sẽ không lặp lại
Nửa đầu năm 2023, tỷ giá diễn biến ổn định, không có bất cứ cú sốc nào. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 đến nay, VND bắt đầu lao dốc và tỷ giá USD/VND đột ngột tăng giảm, gây ra nhiều đồn đoán.
Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng ngày 31/8 chốt giao dịch ở mức 23.977 đồng/USD. Giá USD ở các ngân hàng thương mại cũng tăng mạnh vượt 24.300 đồng/USD vào cuối tháng 8 này.
Giới quan sát cho rằng, VND trượt giá và tỷ giá bật tăng do đồng USD trên thị trường thế giới tăng giá, ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng tăng để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm cũng có thể góp phần khiến tỷ giá tăng.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nêu tại báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ mới phát hành, áp lực mất giá của tiền đồng tăng cường trong tháng 8/2023.
Đơn vị này dẫn chứng, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng tại ngày 24/8 cao hơn 1,35% so với cuối tháng trước và cao hơn 1,59% so với đầu năm, vượt ngưỡng 24.000 đồng/USD.
Chỉ ra nguyên nhân khiến tiền đồng mất giá mạnh trong tháng vừa qua, VDSC cho hay, yếu tố bên ngoài có thể kể đến là sự phục hồi của đồng USD cùng với những yếu tố tiêu cực đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Rồng Việt nêu rõ: “Mặc dù dòng vốn FDI đang cải thiện và thặng dư thương mại tiếp tục mở rộng, chúng tôi bảo lưu quan điểm tỷ giá USD/VND có thể kiểm định lại ngưỡng 24.500 đồng/USD trong thời gian tới trước khi giảm về mức 24.200 đồng/USD vào cuối năm 2023".
Đồng quan điểm, Chứng khoán VNDirect cũng lo ngại các yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá VND trong nửa cuối năm 2023 như chênh lệch lãi suất giữa VND và USD tiếp tục thu hẹp do lãi suất điều hành của Fed có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi NHNN định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng và lạm phát trong nước có thể tăng từ cuối quý III/2023.
Lưu ý tỷ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023 nhưng VNDirect khẳng định, tỷ giá USD/VND sẽ dao động không quá 2% so với đầu năm 2023.
NHNN đã bắt đầu cuộc chạy đua để giảm lãi suất
Chia sẻ quan điểm trên kênh Tài chính và Kinh doanh, ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup đã có những đánh giá về những cơn gió ngược gần đây, nhất là việc tỷ giá bật tăng và khả năng lạm phát tăng trở lại có khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải đảo ngược chính sách tiền tệ hay khiing.
Theo Doanh nghiệp và Kinh doanh dẫn lời vị chuyên gia, tỷ giá ổn định đến giữa tháng 8, lạm phát thấp so với mục tiêu là hai yếu tố đã hỗ trợ khá tốt cho Việt Nam trong việc duy trì nới lỏng tiền tệ, đi ngược với chính sách của toàn cầu.
Tuy nhiên, thực tế, cũng đã xuất hiện một vài cơn gió ngược khi tỷ giá biến động và lạm phát có dấu hiệu tăng.
Liệu những cơn gió ngược này có đủ lớn để NHNN thay đổi chính sách tiền tệ vào cuối năm hay không?
Theo CEO WiGroup, chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam có thể gây ra vấn đề về tỷ giá. Các chuyên gia dự báo đến giữa quý II/2024 Fed mới thay đổi chính sách tiền tệ, bắt đầu giảm lãi suất.
“Như vậy trong 8 tháng tới lãi suất của Mỹ chưa giảm, duy trì mặt bằng 5,5%. Trong khi đó Việt Nam vẫn duy trì nền lãi suất thấp. Do nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng về xuất khẩu, nếu giữ mặt bằng lãi suất cao thì nền kinh tế sẽ đuối sức”, chuyên gia nêu ý kiến.
Trong khi đó, với Mỹ, lạm phát của họ vẫn dai dẳng, kinh tế chưa bước vào suy thoái, vì thế Fed chưa có động lực để thay đổi chính sách tiền tệ.
“Ngân hàng Nhà nước phải bắt đầu vào cuộc chạy đua với thời gian từ đầu năm, duy trì một chính sách tiền tệ có phần nới lỏng để hỗ trợ cho nền kinh tế trước khi gặp biến động về tỷ giá”, ông Báu nhấn mạnh về các nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước.
Sau giai đoạn tăng mạnh lãi suất vào tháng 5, tháng 6/2022, hiện lãi suất tất cả các kỳ hạn ở thị trường 1 và thị trường 2 đều tiệm cận vùng trước khi tăng suất. Do vậy, dư địa giảm lãi suất không còn nhiều, chuyên gia nhận xét. Tuy nhiên, ông Báu giữ quan điểm, NHNN vẫn đi theo hướng nới lỏng do nền kinh tế có phục hồi nhưng tốc độ chậm, dự báo mục tiêu GDP quý III khó đạt được, sẽ cách xa mục tiêu đề ra là 9-10%
Ông Trần Ngọc Báu lưu ý, mục tiêu của giảm lãi suất là giúp doanh nghiệp, cá nhân giảm gánh nặng nợ vay nhưng tăng trưởng tín dụng thấp kỷ lục, tiền không ra được nên kinh tế, doanh nghệp không tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ.
Dự báo NHNN sẽ có 1-2 lần giảm lãi suất nữa
Nói thêm về “cú giật” tỷ giá thời gian gần đây, lãnh đạo WiGroup cho rằng, xu thế này là do nhu cầu doanh nghiệp cần USD để xử lý một vài hợp đồng, không phải tình trạng rút vốn khỏi Việt Nam.
Thêm nữa, yếu tố tâm lý cũng góp phần khiến tỷ giá biến động do lo ngại kịch bản tháng 9, tháng 10 của năm 2022 sẽ lặp lại. Tuy nhiên, ông Báu nhấn mạnh, bối cảnh năm 2022 và năm nay khác nhau.
“Bối cảnh hiện tại hoàn toàn khác với cuối năm 2022, khi đó USD rút ra thực sự do lo sợ sự đổ vỡ mang tính dây chuyền. Hiện tại hệ thống ngân hàng ổn định hơn rất nhiều, không có tình trạng rút vốn”, ông Báu tin tưởng.
Chuyên gia cũng chỉ ra rằng, cán cân vãng lai hiện tương đối mạnh. Dự báo cán cân tổng thể năm nay sẽ thặng dư nhẹ. Trong khi đó hồi cuối năm 2022, cán cân vãng lai tương đối yếu do xuất khẩu dịch vụ chưa phục hồi được, xuất khẩu hàng hóa thặng dư yếu.
Trong khi đó, đối với vấn đề chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ, bối cảnh cũng khác nhau hoàn toàn khi năm ngoái Fed đang tăng lãi suất mạnh, còn giai đoạn hiện tại Fed đang đi đến chặng cuối cùng của chu kỳ tăng lãi suất.
Lạm phát cũng đã có dấu hiệu tăng thời gian qua nhưng theo ông Báu, không có cơ sở để vượt 3,5% cả năm nay.
“Yếu tố này sẽ hỗ trợ khá tốt cho nhà điều hành tiếp tục chính sách hỗ trợ nền kinh tế”, chuyên gia nhận định.
Với những phân tích về diễn biến tỷ giá và lạm phát, CEO WiGroup Trần Ngọc Báu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ chưa tăng lãi suất thời gian tới, tuy nhiên mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm đi ngang hoặc giảm nhẹ chứ không giảm mạnh thời gian qua vì thực tế dư địa giảm lãi suất không còn nhiều.
“Nhà điều hành có thể chỉ sử dụng công cụ giảm lãi suất 1-2 lần nữa. Thay vào đó, sẽ tập trung khơi thông cung tiền và tín dụng, có nhiều chính sách hỗ trợ ngành ngân hàng, mềm mỏng trong điều tiết nhằm mở rộng cung tiền và tín dụng thay vì sử dụng công cụ lãi suất”, ông Trần Ngọc Báu dự đoán.