Từ tên lửa phòng không Javelin và Stinger tới hệ thống pháo phản lực HIMARS, các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến, UAV, trực thăng, xe tăng M1 Abrams hay các tiêm kích thế hệ thứ 4, Mỹ đang dần mở rộng kho vũ khí hỗ trợ cho Ukraina.
Mới đây nhất, việc chính quyền Washington quyết định cung cấp đạn chứa Uranium nghèo cho Kiev đang gây tranh cãi từ cộng đồng quốc tế. Những tổn hại của chất độc da cam mà Mỹ gây ra cho Việt Nam 3-4 thế hệ sau vẫn chưa hết. Thì nay, Mỹ và các đồng minh tiếp tục biến Ukraina thành “bãi rác phóng xạ".
Trả lời phỏng vấn Sputnik, Đại tá Nguyễn Minh Tâm - Nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân đã đưa ra bình luận, phân tích xung quanh vấn đề này.
Sự bất lực của vũ khí Mỹ
Sputnik: Phía Ông đánh giá thế nào về việc Mỹ cung cấp loại đạn này cho vùng chiến sự ở Ukraina ? Mục tiêu của Chính phủ Mỹ với những hành động này là gì ? Liệu những loại đạn như vậy có khả năng thay đổi tình hình thực tế ở mặt trận không ?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm - Nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân:
Mỹ không phải là quốc gia đầu tiên cung cấp đạn pháo tăng có chứa uranium nghèo cho quân đội Ukraina. Ngày 25/4/2023, Quốc vụ khánh Bộ Quốc phòng Anh, ông James Heappey xác nhận đạn uranium nghèo dành cho xe tăng Challenger 2 do Anh sản xuất đã đươc chuyển đến Ukraina. Và bây giờ, Mỹ tiếp tục bàn giao loại vũ khí nguy hiểm này cho Lực lượng Vũ trang Ukraina (AFU).
Đây là bước đi phiêu lưu nguy hiểm mới của Nhà Trắng khi tiếp tục biến Ukraina thành một bãi thử vũ khí khổng lồ, bất chấp những hậu quả nguy hại về sau, miễn là đạt được mục đích làm suy yếu Nga. Một mặt, Mỹ muốn nâng đỡ tinh thần cho quân đội Ukraina đang lâm vào thế bế tắc trên chiến trường. Mặt khác, Mỹ muốn thử nghiệm loại đạn này khi đối đầu với các xe tăng thế hệ mới của quân đội Nga. Ngoài ra, loại đạn này còn có thể dùng để xuyên phá các mục tiêu cố định như các công sự bằng bê tông cốt thép. Và cuối cùng, Nhà Trắng muốn “nắn gân” người Nga bằng thứ vũ khí tuy không mới nhưng có uy lực công phá lớn.
Việc Mỹ cung cấp đạn chứa Uranium là một phần trong các thỏa thuận giữa Washington và Kiev nhằm tạo điều kiện cho quân đội Ukraina giành lợi thế trên mặt trận chống Nga. Tuy nhiên, cũng như các loại “hàng nóng” hiện đại khác mà Mỹ đã viện trợ cho Kiev như tên lủa đối đất và đối không có điều khiển, bom đạn chùm, bom đạn cháy.v.v… vũ khí không thể thay thế con người. Dù Mỹ có đổ vào Ukraina bao nhiêu vũ khí hiện đại chăng nữa, đối phương vẫn tìm ra cách khắc phục, chế áp nhanh chóng sau vài trận đối đầu với vũ khí mới đó. Thực tế, sự bất lực của nhiều loại vũ khí hiện đại của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam trước đây cũng như trên chiến trường Ukraina hiện nay chứng minh điều đó.
“Vùng đất chết” Ukraina
Sputnik: Đạn Uranium nghèo gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường. Không ai khác, chính Việt Nam cũng thấy rõ hậu quả của việc sử dụng những loại vũ khí “hiện đại hóa” như vậy. Điển hình, cho đến nay người dân Việt Nam vẫn đang phải gánh chịu hậu quả của việc Mỹ sử dụng chất độc màu da cam trong Chiến tranh Việt Nam. Theo ông, việc cung cấp vũ khí này sẽ gây ra hậu quả nào đối với dân số trên lãnh thổ Ukraina ngày nay và môi trường ?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm - Nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân:
Uranium nghèo (Depleted uranium – DU) vốn là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất nhiên liệu dành cho một số loại lò phản ứng hạt nhân và vật liệu dành cho vũ khí hạt nhân. Trong quá trình sản xuất bằng công nghệ ly tâm, uranium tự nhiên có hàm lượng chủ yếu là đồng vị U-238 (99,28%) sẽ được làm giàu, gia tăng hàm lượng đồng vị U-235. Đồng vị Uranium-235 có khả năng phân hạch hạt nhân mạnh gấp nhiều nhiều lần đồng vị Uranium-238 và giải phóng một nguồn năng lượng liên kết khổng lồ lên tới trên dưới 80 nghìn tỷ Jun/1kg. Vì vậy nó được dùng làm nguyên liệu chính cho quả bom nguyên tử đầu tiên (Atom bomb) mang tên “Little Boy” mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản ngày 6-8-1945.
Hiện nay, Uranium-235 được sử dụng làm nhiên liệu chủ yếu cho các lò phản ứng hạt nhân tại các nhà máy điện nguyên tử, các phương tiện thủy cỡ lớn và làm “cái bật lửa” châm ngòi cho bom hạt nhân (Heli bomb). Một số lượng nhỏ uranium được sử dụng trong các máy chụp X-quang, các phương tiện xác định tuổi của khoáng vật, làm đồ gốm và thủy tinh màu cao cấp và các phòng thí nghiệm khoa học hạt nhân.
Tất cả các đồng vị uranium đều có tính phóng xạ nên đều thuộc chủng “kim loại độc hại” cùng với các hợp chất uranium không hòa tan khi đi vào cơ thể ở dạng bụi trong phổi sẽ gây những biến chứng nghiêm trọng. Sau khi vào máu, uranium đã được hấp thụ có khuynh hướng tích tụ sinh học và tồn tại nhiều năm trong các tế bào xương do liên kết hóa học của uranium với phosphat trong xương.
Chức năng thông thường của thận, não, gan và tim cũng như các hệ cơ quan khác trong cơ thể có thể bị ảnh hưởng xấu ở nhiều cấp độ khác nhau khi tiếp xúc với uranium. Các hợp chất uranium có hóa trị 6 có thể gây ra những dị tật bẩm sinh và phá hủy hệ miễn dịch. Ngoài ra, uranium còn có tính “tự bốc cháy” nên khi ở dạng hạt mịn nó có thể cháy trong không khí ở nhiệt độ phòng bình thường.v.v…
Với những tính chất đó, đạn uranium nghèo và các phế phẩm của nó sau khi sử dụng thường không gây ra những tác động trực tiếp ngay tức khắc lên con người, sinh vật và môi trường. Tuy nhiên, giống như chất độc da cam 2-4-D và 2-4-5T mà quân đội Mỹ đã rải hàng triệu lít xuống miền Nam Việt Nam, sự tích tụ hàm lượng uranium trong cơ thể con người và sinh vật phải tới hàng chục năm sau mới bộc lộ những tác hại của nó. Việc sử dụng các loại bom, đạn, phương tiện có chứa uranium nghèo có thể để lại cả một vùng lãnh thổ rộng lớn bị ô nhiễm thứ kim loại độc này cũng như gây ra các căn bệnh nan y như ung thư, quái thai, vô sinh, suy thoái chức năng của các cơ quan nội tạng.v.v…
Điều này đã từng xảy ra đối với lính Mỹ và đồng minh của Mỹ cũng như binh lính và người dân Iraq trong chiến dịch “Bão táp sa mạc” (1990-1991) khi quân đội Mỹ sử dụng đạn uranium nghèo để tiêu diệt lực lượng tăng-thiết giáp của quân đội Iraq. Sau cuộc chiến, có tới trên 350.000 lính Mỹ và đồng minh tham gia cuộc chiến này mắc “Hội chứng chiến tranh vùng Vịnh” với những hậu quả ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Một trong những nguyên nhân chính của hội chứng này đã được Ủy ban điều tra quốc hội Mỹ xác định là do sự phơi nhiễm uranium nghèo.
Không chỉ ở Iraq, nhiều cựu chiến binh Mỹ tham gia chiến dịch “Tự do bền vững” tại Afghanistan hay những binh lính NATO tham chiến tại Nam Tư năm 1999 cũng có những triệu chứng tương tự như “Hội chứng chiến tranh vùng Vịnh”. Tạp chí “Harvard International Review” thuộc Đại học Harvard của Mỹ cũng cho rằng đạn chứa uranium nghèo là tác nhân chủ yếu gây hại cho sức khỏe của cả các binh sĩ tham chiến cũng như cư dân địa phương.
Do đó, nếu quân đội Ukraina sử dụng thứ vũ khí nguy hiểm này trên chiến trường, họ sẽ biến chính đất nước mình thành một vùng ô nhiễm phóng xạ nghiêm trọng và rộng lớn mà hàng mấy trăm năm sau cũng không thể trở lại trạng thái bình thường. Đất đai sẽ không thể sử dụng được để canh tác do nhiễm xạ. Sông, suối, hồ ao và các nguồn nước cũng sẽ bị ô nhiễm phóng xạ. Và cuối cùng, con người và vật nuôi cũng sẽ trở thành nạn nhân bị nhiễm xạ mà chết dần chết mòn. Những nơi ấy sẽ thực sự là những “vùng đất chết”. Bài học của Chernobyl vẫn còn nguyên đó. Và những “cái đầu nóng” ở Kiev cần phải học lại thật kỹ bài học đắt giá đó.
Mỹ không có thói quen nhận trách nhiệm
Sputnik: Theo ông, ai phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng loại vũ khí này?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm - Nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân:
Có một điều kỳ lạ là với những hệ quả gây độc hại cho con người, sinh vật và môi trường như vậy nhưng vũ khí chứa uranium nghèo lại không được Liên Hợp Quốc liệt vào loại vũ khí bị cấm sử dụng như vũ khí hóa học, vũ khí sinh học.v.v… Sở dĩ có điều kỳ lạ này là vì Mỹ, quốc gia đầu tiên sử dụng vũ khí uranium nghèo trên thế giới đã che giấu nhiều tài liệu quan trọng liên quan đến những hệ lụy của loại vũ khí này dưới vỏ bọc “bí mật quân sự”. Do không có đủ tài liệu, Tổ chức Y tế thế giới WHO và các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc đã không thể có đủ cơ sở để đệ trình một nghị quyết chuyên đề khả dĩ có thể cấm sử dụng loại vũ khí nguy hiểm này.
Tuy nhiên, một báo cáo của “Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc năm 2022” đã cảnh báo uranium nghèo là mối nguy môi trường lớn với Ukraina. Báo cáo có đoạn viết: “Uranium nghèo và các loại chất có hại trong chất nổ thông thường có thể dẫn đến kích ứng da, suy thận và tăng khả năng ung thư. Các chất độc hóa học trong uranium nghèo có thể được xem là vấn đề nghiêm trọng hơn cả những tác động tiềm tàng gây ra bởi bức xạ từ chúng”. Còn cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IEAE) vẫn nhấn mạnh tác hại của đạn uranium nghèo là từ những hóa chất độc hại có trên chúng, chứ không do bức xạ hạt nhân mặc dù họ vẫn nhấn mạnh sự cần thiết phải sử dụng các bộ đồ bảo hộ khi tiếp xúc với loại vũ khí này.
Người Mỹ không có thói quen thú nhận trách nhiệm của họ một khi họ đã làm điều sai trái. Một mặt, họ đưa ra những báo cáo sai sự thật về “Hội chứng chiến tranh vùng Vịnh” bịt miệng các nhà khoa học với lý do vì an ninh của nước Mỹ. Mặt khác, họ vu khống đối phương là bóp méo thông tin hay dàn dựng sự kiện mặc dù chính họ là tác giả của “lọ bột giặt” mà ngoại trưởng Mỹ Colin Powell trưng ra trước Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhằm tạo cớ tấn công Iraq.
Tại Việt Nam, chính quyền Mỹ cũng không chịu bồi thường cho các nạn nhân của chất độc da cam do quân đội rải xuống miền Nam Việt Nam, Lào và Đông Bắc Campuchia trong suốt 12 năm (1961-1972). Họ đổ lỗi cho hãng Monsanto là hãng công nghiệp hóa chất đã sản xuất các loại thuốc diệt cỏ 2-4-D và 2-4-5T mà không hướng dẫn sử dụng đúng cách. Họ biện bạch rằng chính những người dân Việt Nam còn bị nhiễm độc nhiều loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ khác chứ không chỉ với chất độc da cam. Gần đây, quân đội Mỹ có hợp tác với Việt Nam để khử độc các khu vực bị nhiễm chất độc da cam như sân bay Biên Hòa, Sân bay Đà Nẵng.v.v… nhưng những nạn nhân của chất độc da cam gồm 3 đến 4 thế hệ thì họ không hề đoái hoài tới.
Và ngay cả khi hậu quả nghiêm trọng do đạn chứa uranium nghèo xảy ra ở Ukraina thì Mỹ và Anh sẽ sẵn sàng “đổ tội” cho Kiev với lý do họ chỉ là bên cùng cấp, còn quyết định sử dụng vũ khí có chứa uranium nghèo thuộc về chính quyền Ukraina. Bản chất của các thế lực đế quốc Mỹ và phương Tây là như vậy. Thắng thế thì nhận công lao về mình. Còn thất bại và hệ lụy thì đổ lỗi cho chư hầu, thậm chí là bịa đặt để đổ lỗi cho đối phương.
Sputnik: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!