Sau lệnh cấm của Trung Quốc với Nhật, xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra sao?

HÀ NỘI (Sputnik) – Trả lời Sputnik, bà Lê Hằng – Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, xét từ góc độ toàn ngành, tác động sẽ không quá lớn.
Sputnik

Cơ hội vào thị trường Trung Quốc không quá lớn

Cuối tháng 8/2023, Chính phủ Trung Quốc đã có thông báo chính thức về việc cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm thuỷ sản từ Nhật Bản trong bối cảnh Nhật Bản bắt đầu xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima ra Thái Bình Dương. Hiện chưa rõ hiện lệnh cấm nhập khẩu này sẽ kéo dài đến thời gian nào.
Thực tế, xuất khẩu cá tươi từ Nhật Bản sang Trung Quốc đã giảm từ tháng 7 khi Trung Quốc thắt chặt các tiêu chuẩn kiểm tra. Nhưng lần này, các sản phẩm đông lạnh và sản phẩm chế biến cũng bị cắt khỏi thị trường rộng lớn Trung Quốc.
Mặc dù chưa thể khẳng định có hay không tác hại đến sức khỏe con người, song rõ ràng, việc Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản sẽ tác động về mặt tâm lý. Không riêng Trung Quốc, người dân các nước lân cận cũng e ngại tiêu thụ cá được đánh bắt ở một số vùng biển gần Nhật Bản và chuộng cá nước ngọt hơn.
Trao đổi với Sputnik, bà Lê Hằng – Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, lệnh cấm trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, xét từ góc độ toàn ngành, tác động sẽ không quá lớn, do cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và Nhật Bản vào thị trường Trung Quốc khá khác nhau. Ngoài ra, nguồn cung từ Nhật Bản vào Trung Quốc cũng chỉ chiếm khoảng 3%.
Nếu không phải là Việt Nam thì EC đã giơ “thẻ đỏ” từ lâu
“Trung Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản chủ yếu là hải sản nước lạnh. Trong khi, Việt Nam cung cấp sản phẩm cho Trung Quốc chủ yếu để tiêu thụ nội địa, còn lại phần lớn dùng để gia công và chế biến xuất khẩu, nên sẽ có thêm dư địa cho Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Cơ hội lớn đối với Việt Nam nằm ở chính thị trường Nhật Bản. Bởi một bộ phận người tiêu dùng Nhật cũng có tâm lý e ngại và chuyển sang dùng sản phẩm nhập khẩu nhiều hơn. Như vậy, tất nhiên Việt Nam cũng là một lựa chọn tiêu dùng cho nước họ”, bà Hằng cho hay.
Bên cạnh đó, ngoài Trung Quốc, đối với những nước hạn chế nhập khẩu từ Nhật Bản, đây cũng là một phần dư địa cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Đặc biệt là những mặt hàng hải sản, bởi Nhật họ cung cấp rất nhiều cá biển (cá hồi, cá thu,...)
Từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc và Hongkong luôn duy trì vị trí số 1 về nhập khẩu cá tra Việt Nam. So với các thị trường chính, Trung Quốc và Hongkong duy trì tăng trưởng cao nhất. Nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc sẽ tăng mạnh nhằm phục vụ dịp Trung Thu, Quốc Khánh, Giáng sinh và năm mới. Đặc biệt, các mặt hàng như tôm, cá tra, cá ngừ và một số loại hải sản khác sẽ được hưởng lợi.

Tín hiệu tích cực từ thị trường Nga

Hiện nay, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam như: cá Tra, tôm,…rất được ưa chuộng tại thị trường Nga. Đặc biệt, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA) có hiệu lực từ tháng 10/2016, tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga đã có bước tiến mạnh mẽ với mức tăng trung bình khoảng 30%/năm.
Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã tận dụng được cơ hội và mở rộng thị trường tăng giá trị xuất khẩu. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 23 của Nga, đứng đầu trong ASEAN và thứ 6 trong số các nước APEC.
"Dân Mỹ ăn ít hơn": Ngành tỷ đô của Việt Nam ngấm đòn lạm phát
“Từ phía ngành thủy sản nói chung và từ góc độ quản lý, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cũng đánh giá Nga cũng là thị trường có thể thay thế cho các thị trường sụt giảm khác. Nhìn chung, cũng nhìn thấy tín hiệu tích cực từ nhu cầu thị trường Nga đối với thủy sản nói chung. Cuối tháng 9 này sẽ có đoàn của Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) sang Nga dự Diễn đàn, hội chợ triển lãm ngành thủy sản nhằm kết nối và mở rộng cơ hội xuất khẩu”, bà Hằng nói với Sputnik.
Thảo luận