"Dân Mỹ ăn ít hơn": Ngành tỷ đô của Việt Nam ngấm đòn lạm phát
© TTXVN - Hoàng Thị NhịKinh tế tập thể ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Bà Rịa-Vũng Tàu
© TTXVN - Hoàng Thị Nhị
Đăng ký
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hoa Kỳ ngày càng lún sâu vào tình trạng giá thực phẩm tăng, tiêu thụ giảm.
Thậm chí, nhiều người Mỹ còn mua và ăn ít hơn khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ giảm sâu.
Xuất khẩu thủy sản tháng 4/2023 tiếp tục giảm 28%
Tại báo cáo mới cập nhật ngày 5/5, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, doanh nghiệp thuỷ sản đang gặp rất nhiều khó khăn và áp lực do các thị trường tiêu thụ chính của ngành hàng tỷ đô Việt Nam này đều rơi vào tình trạng suy thoái.
"Xuất khẩu thủy sản tháng 4/2023 tiếp tục sụt giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 810 triệu USD", - VASEP cho biết.
Theo Hiệp hội, các doanh nghiệp thủy sản vẫn bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, nhất là thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác.
Báo cáo cho thấy, tính đến hết tháng 4/2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 2,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngành tỷ đô của Việt Nam ngấm đòn lạm phát Mỹ
Riêng về thị trường Mỹ, tình hình không mấy lạc quan. Theo VASEP, thị trường Hoa Kỳ ngày càng lún sâu vào tình trạng giá thực phẩm tăng, tiêu thụ giảm. Các gia đình Mỹ đã quá "ngao ngán" với thực trạng giá thực phẩm lên quá cao.
"Giờ đây, người dân Mỹ đã tính tới việc cắt giảm chi tiêu cả những mặt hàng giá trị thấp, họ mua ít hàng tạp hóa không thiết yếu hơn, mua số lượng lớn và các sản phẩm không có thương hiệu và tập trung vào các mặt hàng chủ lực", - VASEP lưu ý.
Cần nhớ lại rằng, trong bức tranh nông, lâm, ngư nghiệp năm 2022 của Việt Nam, thủy sản là ngành hàng "sáng" nhất, với tăng trưởng 23,6% so với năm 2021. Đặc biệt, xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên đã vượt mốc 10 tỷ USD.
Riêng thị trường Mỹ, lần đầu tiên Việt Nam đạt kim ngạch thủy sản trên 2 tỷ USD (cụ thể là 2,1 tỷ USD), tăng trưởng gần 10% so với năm 2021. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, tình hình trở nên khó khăn hơn nhiều.
"Một số người thậm chí còn mua và ăn ít hơn. Người tiêu dùng đang tìm cách chỉ chi tiêu cho những hàng hóa mà họ thực sự cần", - VASEP lưu ý.
Tình trạng lạm phát nghiêm trọng và thắt chặt chi tiêu của thị trường Hoa Kỳ khiến cho xuất thủy sản của Việt Nam sang Mỹ duy trì mức giảm sâu 51% trong tháng 4, đưa Mỹ rớt xuống vị trí thứ 3 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản, sau Nhật Bản và Trung Quốc.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ ước đạt 418 triệu USD, giảm trên 57% so với cùng kỳ.
Thị phần cá ngừ Việt Nam tại Mỹ bị thu hẹp
VASEP lưu ý, xuất khẩu tôm cũng bị tác động mạnh bởi sụt giảm sang thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ. Tính đến hết tháng 4, giá trị xuất khẩu tôm đạt trên 891 triệu USD, giảm 44%.
Với cá ngừ, sau khi sụt giảm liên tục trong quý 4/2022, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ trong 3 tháng đầu năm 2023 vẫn tiếp tục giảm sâu.
Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Hoa Kỳ trong quý 1/2023 giảm tới 53%, đạt 64 triệu USD.
Hiện xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ đều giảm so với cùng kỳ, giá trung bình xuất khẩu nhóm mặt hàng này giảm 20%.
"Tồn kho nhiều, lạm phát cao tại Mỹ đã ảnh hưởng tới sức tiêu thụ của người tiêu dùng trong giai đoạn đầu năm 2023", - VASEP nhấn mạnh.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), nhập khẩu cá ngừ của Mỹ trong 2 tháng đầu năm 2023 cũng đang giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng lưu ý, Mỹ có xu hướng giảm nhập khẩu cá ngừ từ các nước châu Á như Thái Lan, Việt Nam hay Indonesia, tăng nhập khẩu cá ngừ từ các nước trong cùng khu vực như Mexico hay Ecuador.
Việt Nam hiện vẫn đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 2 cho thị trường Mỹ sau Thái Lan, Indonesia. Tuy nhiên, thị phần của Việt Nam tại thị trường cá ngừ Mỹ trong 2 tháng đầu năm 2023 đã bị thu hẹp từ 21% xuống còn 11%.
Do đó, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mỹ trong quý 1 năm nay cũng giảm chỉ còn 36 doanh nghiệp.
Thị trường Trung Quốc vẫn trầm lắng
Theo VASEP, xuất khẩu sang Trung Quốc dù có tín hiệu tốt hơn, nhưng vẫn chưa ghi nhận được tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022.
Nguyên nhân chính được chỉ ra rằng, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc chưa hồi phục vì giá trung bình xuất khẩu giảm. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ của thị trường này hồi phục chậm hơn so với dự đoán.
Tính đến hết tháng 4, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 435 triệu USD, giảm 37%.
Đã tiến hành mở cửa sau Covid-19, nhưng thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn trầm lắng và lợi nhuận công nghiệp sụt giảm sâu, khiến nền kinh tế phải đối mặt với những cơn gió ngược liên tục, làm chậm khả năng phục hồi và không có dấu hiệu bền vững. Chính sản xuất nội địa của Trung Quốc cũng đang khó khăn vì chi tiêu của khách hàng yếu hơn dự kiến.
Hai thị trường lớn đều sụt giảm nên xuất khẩu cá tra bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến doanh số chỉ đạt chưa đầy 600 triệu USD trong 4 tháng đầu năm nay, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2022.
Sức mua kém từ các đối tác chủ lực
Thực tế, không chỉ riêng xuất khẩu thủy Việt Nam ngấm đòn lạm phát Mỹ, giảm mạnh tại thị trường quan trọng hàng đầu này, mà theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa với các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều giảm.
Theo Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương, các khó khăn trong sản xuất và sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu trong quý I/2023 tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa trong tháng 4/2023. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 17,1%).
Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản trong 4 tháng đầu năm 2023, ước đạt 9,68 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi gạo tăng 54,5%, rau quả tăng 19,4%; sắn tăng 26,3% thì thủy sản giảm 29%.
"Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều giảm", - Bộ Công Thương cho biết.
Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 28,45 tỷ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 21% so với cùng kỳ; tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,4 tỷ USD, giảm 7,9%; thị trường EU đạt 13,66 tỷ USD, giảm 14,1%; thị trường ASEAN đạt 11,1 tỷ USD, giảm 1,3%; Hàn Quốc đạt 7,8 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 7,3 tỷ USD, giảm 0,9%.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, mặc dù rất nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại, tận dụng cơ hội mở rộng thị trường, tận dụng ưu đãi từ các FTA (hiệp định thương mại) nhưng tình trạng kinh tế thế giới phục hồi chậm, suy giảm tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như: Mỹ, châu Âu... giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da-giày, điện tử... chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.
Tìm thị trường mới cho hàng hoá Việt Nam
Để hoạt động xuất khẩu được phát triển bền vững thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latin, Đông Âu... và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).
Bộ cũng chọn giải pháp đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia; thị trường Halal gồm Trung Đông, Malaysia, Brunei).
Đồng thời, sẽ đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Các cơ quan chuyên trách của nhà nước tiếp tục tích cực hỗ trợ người nông dân xuất khẩu hàng nông sản đang vào vụ, đặc biệt là các thị trường gần nhất hoặc có truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…