Từ vụ SCB móc nối với Manulife: Kiểm toán Nhà nước làm rõ ngân hàng có bắt tay bảo hiểm

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Kiểm toán Nhà nước có thể kiểm toán chuyên đề, hoặc thông qua kiểm toán các tổ chức tín dụng, bảo hiểm, để làm rõ việc có hay không bắt tay giữa ngân hàng với bảo hiểm.
Sputnik
Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/9 đã cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước.

Sẽ kiểm toán các dự án cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành

Phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ đã trình bày báo cáo tóm tắt dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước.
Ông Thơ cho biết, đến 31/8/2023, toàn ngành đã xét duyệt 127 kế hoạch kiểm toán, triển khai 114/166 đoàn kiểm toán, kết thúc kiểm toán 93 cuộc, đã xét duyệt 94 dự thảo báo cáo và phát hành 61 báo cáo kiểm toán.
"Kết quả kiểm toán cho thấy còn có đơn vị chưa chấp hành đầy đủ quy định trong quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; quản lý tài sản, đất đai; quản lý doanh thu, chi phí, đầu tư vào một số đơn vị không hiệu quả", - ông Doãn Anh Thơ cho hay.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 10.723 tỷ đồng. Kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 90 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý không phù hợp. Kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật nhiều tập thể, cá nhân đối với từng sai phạm.
Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 265 báo cáo kiểm toán và tài liệu cho các cơ quan có liên quan để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Về kế hoạch cho năm 2024, Kiểm toán Nhà nước sẽ lựa chọn kiểm toán các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ kiểm toán tại các dự án đầu tư xây dựng các đường vành đai; các tuyến đường ven biển kết nối liên vùng; các dự án hạ tầng các khu kinh tế ven biển, các dự án cải tạo môi trường...
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ
Kiểm toán Nhà nước cũng dự kiến sẽ lựa chọn một số tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và tổ chức tài chính – ngân hàng có quy mô lớn để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước kết hợp với việc đánh giá công tác thực hiện quyền trách nhiệm của đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, xử lý nợ xấu, việc thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, sẽ tập trung kiểm toán các doanh nghiệp liên quan đến vấn đề được dư luận xã hội quan tâm như xăng dầu, khoáng sản.

Đề nghị kiểm toán ngành điện, vấn đề xử lý nợ xấu

Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, số kiến nghị xử lý 8 tháng đầu năm 2023 chỉ bằng 20,6% cùng kỳ năm 2021 (52.095 tỷ đồng) và 48,7% cùng kỳ năm 2022 (22.036 tỷ đồng).
Cơ quan thẩm tra đề nghị Kiểm toán Nhà nước đánh giá làm rõ nguyên nhân kết quả khá thấp này, đồng thời, tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các kiến nghị kiểm toán để kịp thời thu hồi, xử lý các vi phạm được phát hiện qua kiểm toán.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho hay, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí với dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước. Trong đó sẽ kiểm toán 10 bộ, cơ quan trung ương và báo cáo quyết toán 34 bộ, cơ quan trung ương; kiểm toán tại 61 địa phương.
Một số ý kiến đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục rà soát tăng số lượng các địa phương được kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương, để sớm đạt tỷ lệ 100% như mục tiêu Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đã đề ra.
Trình bày ý kiến thảo luận, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm.
"Cần tăng công khai kết quả kiểm toán, khắc phục kiến nghị chung chung, chưa cụ thể và cần bảo đảm kiến nghị của kiểm toán đúng đối tượng, khả thi", - bà Thanh bày tỏ.
Với kế hoạch kiểm toán năm 2024, bà Thanh đề nghị cân nhắc tiến hành kiểm toán chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công; những tồn tại trong ngành điện, năng lượng; tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Nhiều tài sản của SCB bị phong toả và bài toán xử lý nợ xấu của Việt Nam

Kiểm toán Nhà nước làm rõ có hay không việc ngân hàng bắt tay bảo hiểm

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, số kiến nghị xử lý 10.723 tỷ đồng là vấn đề được cử tri quan tâm, nên phải làm rõ trong số đó "đâu là sai phạm, đâu là thất thoát, đâu chỉ là điều chỉnh số liệu".
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phương châm làm ít nhưng chất kiểm toán phải có trọng tâm, trọng điểm. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, công khai minh bạch là vũ khí quan trọng nhất của hoạt động kiểm toán.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước chủ yếu mới đăng tải trên cổng thông tin của Kiểm toán Nhà nước nên ít có người đọc, điều quan trọng phải tổ chức họp báo.
Ông Huệ chỉ rõ, việc công khai kết luận kiểm toán có tính hai mặt: Một mặt là tăng cường sức mạnh của hoạt động kiểm toán. Mặt khác cũng để dư luận xã hội giám sát kiểm toán, như vậy sẽ rất tốt.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý kế hoạch kiểm toán cần hướng vào các vấn đề trọng điểm được Quốc hội nêu tại Nghị quyết Kỳ họp vào tháng 6, như đánh giá thị trường đất đai, tài chính, tiền tệ, bất động sản.
Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước cũng cần hướng vào các vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm như năng lượng, thiếu điện.
"Với tình trạng thiếu điện vừa qua, Kiểm toán Nhà nước phải trả lời về năng lực ngành, giá điện thế nào. Kiểm toán riêng hay chung thì đều cần đi vào những câu hỏi đang rất thời sự như thế. Đề nghị cơ quan kiểm toán rà soát, xác định mục tiêu và điều chỉnh lại một số lĩnh vực sẽ kiểm toán chuyên đề2, - Chủ tịch Quốc hội nghiêm túc nói.
Nhắc lại yêu cầu của Quốc hội về thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm tại Kỳ họp hồi tháng 6, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần có chuyên đề riêng vấn đề này hoặc thông qua kiểm toán các tổ chức tín dụng, bảo hiểm để xác định "có hay không bắt tay giữa ngân hàng, bảo hiểm".
Dù bảo hiểm ngân hàng bị tố lừa đảo, nhiều nhà băng Việt Nam vẫn kiếm bộn tiền

Đã nhận trên 6.000 tố cáo SCB móc nối với Manulife

Vấn đề bán bảo hiểm qua ngân hàng cũng được nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đề cập nêu ý kiến về báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 tại phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Tư pháp, sáng 6/9.
Theo nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, đến ngày 31/5/2023, Bộ Công an đã tiếp nhận 6.060 khiếu nại về hợp đồng bảo hiểm và tố cáo ngân hàng SCB móc nối với công ty bảo hiểm Manulife có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng.
Trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, bà Mai Thị Phương Hoa lưu ý, hiện dư luận và cử tri vẫn băn khoăn với vấn đề nổi lên thời gian qua như việc có hay không sự bắt tay giữa một số ngân hàng và các công ty bảo hiểm để các nhân viên ngân hàng tư vấn sai sự thật, mời gọi khách hàng chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm đầu tư.
"Hậu quả, đến nay với hàng nghìn đơn tố cáo, khiếu nại của người dân làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân với hệ thống ngân hàng và bảo hiểm", - đại diện Uỷ ban Tư pháp lo ngại.
Do đó, theo bà Hoa, cần làm rõ các hành vi tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên công ty bảo hiểm không đầy đủ các nội dung hợp đồng hoặc sai lệch thông tin hợp đồng bảo hiểm.
Manulife Việt Nam thay đổi nhân sự cấp cao giữa lùm xùm bảo hiểm
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, làm rõ những bất cập trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán.
Hôm 10/6, Bộ Tài chính đã kết luận thanh tra 4 công ty bảo hiểm có bán bảo hiểm qua ngân hàng và phát hiện nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới. Hiện đang tiếp tục thanh tra tiếp 10 doanh nghiệp bảo hiểm và chưa có kết luận.
Thảo luận