Ngày 13/9, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm tại sân bay vũ trụ Vostochny, tỉnh Amur thuộc vùng Viễn Đông của Nga. Ông Kim Jong Un đã bày tỏ ủng hộ mọi quyết định của Nga và tin tưởng, hai nước luôn gắn kết với nhau, nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của Triều Tiên hiện nay là củng cố quan hệ với Nga.
Chi tiết của nội dung đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo không được tiết lộ, nhưng giới chuyên gia và báo chí cho rằng, ngoài quan hệ song phương, hai bên đã thảo luận các vấn đề chống lại các mối đe dọa quân sự và "các hành động tùy tiện" của đế quốc.
Sau đàm phán tại Vostochny, ông Kim Jong Un thăm các thành phố Komsomolsk trên sông Amur và Vladivostok.
Trong trả lời phỏng vấn của Sputnik, nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công An đã đưa ra một số bình luận về sự kiện rất nóng nói trên.
Cuộc hội ngộ của hai người láng giềng cùng cảnh ngộ
Sputnik: Thưa nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, ông có đánh giá như thế nào về mục đích chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới Nga và nội dung đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm:
Đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của ông Kim Jong Un sau Đại dịch COVID-19.
Nửa cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, Triều Tiên bị Mỹ và phương Tây bao vây, cấm vận, cô lập và trừng phạt giống như Cuba và Iran. Và bây giờ, Liên bang Nga cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Vì vậy, đây là cuộc hội ngộ của hai người láng giềng cùng cảnh ngộ khi cả Nga và Triều Tiên là hai trong số ít quốc gia trên thế giới bị Mỹ và phương Tây áp đặt hàng chục nghìn lệnh trừng phạt trên nhiều lĩnh vực. Mặc dù vị thế của họ trên trường quốc tế có khoảng cách khá xa nhưng cả hai đều có chung mục đích, đó là phá vỡ những tảng băng bao vây, cấm vận và trừng phạt đến từ Mỹ và phương Tây.
Bên cạnh mục đích chủ yếu này, hai bên còn có nhiều mục đích hợp tác khác, đặc biệt là hợp tác về hàng hải quân sự và dân sự do hai bên có đường ranh giới chung ở biển Okhskoe.Chuyến thăm Nga lần này của Chủ tịch Triều Tiên cũng là câu trả lời của Triều Tiên đối với các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc với Mỹ cả trên không, trên biển và trên bộ.
Mặc dù Nga và Triều Tiên chỉ có đường biên giới chung trên bộ dài trên dưới 70 km những chừng đó cũng là đủ để hai bên phát triển các hành lang giao thông đường sắt và đường bộ. Ngoài ra, các vấn đề hợp tác về kinh tế và công nghiệp, nhất là công nghiệp quốc phòng chắc chắn là các mục tiêu chung của cả hai bên.
Tình hữu nghị hai nước có "nguồn gốc sâu xa"
Sputnik: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại đàm phán đã nhấn mạnh vai trò của Liên Xô trong quá trình hình thành và xây dựng nền độc lập của Triều Tiên, tình hữu nghị hai nước có “nguồn gốc sâu xa”. Còn Tổng thống Putin cũng nhắc tới việc Liên Xô là nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên vào ngày 12/10/1948 và Triều Tiên chính thức công nhận Liên bang Nga là nước kế thừa hợp pháp của Liên Xô… Ông Kim Jong Un cũng nhấn mạnh ông sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Nga Vladimir Putin về "kế hoạch 100 năm" nhằm xây dựng mối quan hệ ổn định giữa hai nước. Có thể nói, quan hệ hai nước đã đang “ấm” lên?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm:
Quan hệ hai nước thực chất đã “ấm” trở lại từ đầu thế kỷ XXI sau nửa cuối thế kỷ XX “đóng băng” vì mâu thuẫn Xô – Trung và một số nguyên nhân khác.
Trong lịch sử, Đảng Cộng sản Triều Tiên đã nhiều lần “dựng lên đổ xuống” do sự đàn áp khốc liệt của đế quốc Nhật Bản cũng như những mâu thuẫn trầm trọng trong nội bộ đảng này. Chỉ đến khi Đảng Lao động Triều Tiên được thành lập ở Viễn Đông, Liên Xô do lãnh tụ Kim Nhật Thành đứng đầu thì Triều Tiên mới có được một lực lượng lãnh đạo đất nước đủ mạnh để phát động phong trào giải phóng dân tộc vào giai đoạn cuối Chiến tranh thế giới thứ hai.
Lãnh thổ Triều Tiên từ sông Áp Lục đến vĩ tuyến 38 do Tập đoàn quân 5 của Hồng quân Liên Xô giải phóng. Bản thân lãnh tụ Kim Nhật Thành cũng là sĩ quan chỉ huy một trung đoàn quân người Triều tiên trong biên chế của tập đoàn quân này với quân hàm thiếu tá. Trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1954, tuy không phái lục quân sang chiến đấu ở Triều Tiên nhưng Liên Xô đã điều động ba sư đoàn không quân được trang bị máy bay phản lực MiG-15 hiện đại thời bấy giờ để giúp Quân đội Nhân dân Triều Tiên có được ưu thế tương đối trên không phận. Do đó, việc lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên sang thăm Nga cũng là điều hợp lý để chắp nối lại và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai bên.
Một liên minh không mới đã được gây dựng lại ở địa bàn chiến lược
Sputnik: Theo ông, kết quả của đàm phán sẽ tác động như thế nào đến tình hình khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tính đến cả việc Hoa Kỳ đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn điện với Việt Nam?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm:
Ở Mỹ và phương Tây đang nói đến một cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á. Nhưng đó là cách nói của Mỹ và phương Tây. Còn trên thực tế, chuyến thăm Nga của lãnh đạo Triều Tiên cho thấy một liên minh không mới đã được gây dựng lại ở địa bàn chiến lược này để đối phó với các hành động bao vây, leo thang căng thẳng mà Mỹ cùng các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản tạo ra ở đây. Chúng ta dễ dàng nhận thấy có hai tam giác chiến lược đối chọi nhau đã hình thành. Một bên là Nga-Trung Quốc-Triêu Tiên. Bên kia là Mỹ-Nhật-Hàn.
Đối với Việt Nam thì chuyến đi thăm Nga của Chủ tịch Kim hầu như không có tác động liên quan. Bởi ngay trong tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Mỹ, vấn đề hợp tác quân sự và quốc phòng hầu như không được đề cập đến một cách chi tiết. Mặt khác, tinh thần chung của mối quan hệ này là vì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khi cuộc đối đầu cạnh tranh chạy đua chiến lược giữa các thế lực ở Đông bắc Á mang tính chất đối đầu về quân sự vũ trang khá rõ rệt. Do đó, với chính sách không chọn phe mà chọn hòa bình, ổn định, công lý và lẽ phải thì dù có thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Việt Nam cũng không bao giờ đứng về bất cứ bên nào trong cuộc cạnh tranh, xung đột ở Đông bắc Á.
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông vì cuộc phỏng vấn.