Lý do và cái cớ cho sự leo thang
Phát biểu từ Trại Aguinaldo, Tướng Romeo Brawner Jr. tuyên bố Mỹ, Australia và Nhật Bản, Đức, Pháp và Canada có ý định tham gia các hoạt động tuần tra ở Biển Tây Philippines (như người Philippines gọi phần Biển Đông bao quanh các đảo của họ).
Quân nhân các nước Mỹ, Australia và Nhật Bản ttham gia các cuộc tập trận chung với Philippines ở Biển Đông vào cuối tháng 8. Theo kịch bản, họ thực hành chiếm giữ các hòn đảo. Không ai giấu giếm sự thật việc những cuộc tập trận này là phản ứng trước hành động của tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc hồi đầu tháng 8 bắn vòi rồng vào các tàu quân sự Philippines đang vận chuyển thực phẩm và nhiên liệu đến một trong các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Philippines coi đây là của họ và có lực lượng đồn trú nhỏ ở đó, nhưng Bắc Kinh tuyên bố toàn bộ quần đảo Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc, mặc dù trên thực tế Trung Quốc chỉ kiểm soát một phần nhỏ hơn của quần đảo này.
Tuy nhiên, việc phun vòi rồng của Trung Quốc chỉ là cái cớ để tàu chiến Mỹ và đồng minh bắt đầu tuần tra ngoài khơi bờ biển Philippines. Đừng quên Quần đảo Philippine rất gần Đài Loan, mà tình hình tại đó hiện rất căng thẳng do cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, nơi những người ủng hộ nền độc lập hòn đảo đang nắm quyền. Các nhà lãnh đạo CHND Trung Hoa kiên trì theo đuổi việc thống nhất hòn đảo với đại lục và muốn thực hiện việc này một cách hòa bình (như trường hợp của Hồng Kông và Ma Cao), nhưng Washington thực sự ủng hộ tình cảm ly khai ở Đài Loan, mặc dù họ chính thức tuyên bố họ vẫn thừa nhận sự tồn tại của một nước Trung Quốc.
Hành vi của các chính trị gia Mỹ cho thấy họ quan tâm đến việc leo thang căng thẳng xung quanh Đài Loan và có thể không phản đối việc đẩy xung đột vào giai đoạn nóng, vì tất cả những điều này giúp ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc. Phương Tây tập thể, đại diện bởi các nước thành viên NATO như Đức, Pháp, Canada và các đối tác khối Bắc Đại Tây Dương là Nhật Bản và Úc, cũng quan tâm đến điều này.
Tại sao NATO thò chân vào Thái Bình Dương?
Bằng cách liên tục thực hiện sự hiện diện, và đây chính xác là ý nghĩa của việc tuần tra trên vùng biển Biển Đông, quân đội các nước NATO, Nhật Bản và Australia có cơ hội kiểm soát các huyết mạch vận tải đi từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương và xa hơn về phía bắc, đến biên giới trên biển của Liên bang Nga. Trước đây, các tàu quân sự Pháp, Đức và Anh liên tục ghé thăm các cảng Nhật Bản, cách không xa Vladivostok và Kamchatka của Nga. Trong những năm qua, NATO tích cực tiến gần hơn đến biên giới phía Tây của Nga, dẫn đến cái gọi là “cuộc khủng hoảng Ukraina”. Ngày nay, có mọi lý do để nói NATO từ Thái Bình Dương đang tiến gần tới biên giới quốc gia Nga nhờ các đối tác như Nhật Bản và Philippines.
Trong quá khứ, các tàu quân sự Mỹ nhiều lần vi phạm biên giới biển của Nga ở Thái Bình Dương. Tháng 10 năm 2021, tàu khu trục Chafee Hải quân Hoa Kỳ cố gắng vượt qua biên giới Nga ở Vịnh Peter Đại Đế. Một sự cố tương tự với tàu quân sự Mỹ cũng diễn ra tại Vịnh Peter Đại đế vào tháng 11 năm 2020.
Sự xuất hiện của các liên minh mới trong khu vực như QUAD và AUKUS cũng đặt ra mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ ra những xu hướng tiêu cực này trong chính trị khu vực:
“Chúng tôi cũng thấy phương Tây tập thể đang tìm cách mở rộng hệ thống liên minh của mình sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tương tự như NATO ở châu Âu. Vì mục đích này, các liên minh chính trị - quân sự tích cực đang được hình thành, chẳng hạn như AUKUS và các liên minh khác”, - ông nói cách đây một năm.
Với thái độ thù địch hiện nay của các nước NATO đối với Nga và Trung Quốc, sự xuất hiện của tàu chiến liên minh Châu Âu Đại Tây Dương ở Thái Bình Dương không phải là điềm báo tốt lành cho các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.