Nói về quyết định khôn ngoan của Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia đánh giá, phát hành tín phiếu là biện pháp đỡ tốn kém nhất so với các biện pháp can thiệp tiền tệ khác như bán ròng ngoại tệ hay tăng lãi suất.
Quyết định của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý
Như Sputnik thông tin, ngày 21/9, Ngân hàng Nhà nước thông báo về việc phát hành 9.995 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với lãi suất trúng thầu là 0,69%/năm. Phương thức thanh toán lãi của giấy tờ có giá là một lần đầu kỳ, ngày đến hạn vào 19/10.
Cần nhắc lại, đây là phiên đầu tiên NHNN sử dụng lại nghiệp vụ bán kỳ hạn sau hơn 6 tháng tạm ngưng (từ 10/3). Sau diễn biến này, rất nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm đồng tình với quyết định của Ngân hàng Nhà nước.
Theo số liệu mới công bố của NHNN, tín dụng vẫn đang tăng trưởng rất chậm, tính đến 15/9 mới chỉ đạt 5,56% (trong khi định hướng cả năm khoảng 14-15%) và chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức 5,33% đến cuối tháng 8.
Tín dụng yếu khiến lãi suất liên ngân hàng có thời điểm chạm đáy rồi đi ngang do dư thừa thanh khoản trong hệ thống. Theo cập nhật, lãi suất qua đêm liên ngân hàng chỉ ở mức 0,16%/năm vào ngày 20/9/2023.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT đánh giá, quyết định của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý trong bối cảnh thanh khoản trong hệ thống quá dư thừa (lãi suất liên ngân hàng đang về 0,15%/năm), đồng thời giúp giảm áp lực tỷ giá và hạn chế bớt đầu cơ tỷ giá.
"Việc hút thanh khoản giúp ổn định tỷ giá, tạo môi trường phục hồi ổn định hơn cho nền kinh tế và hỗ trợ xu hướng đi lên trung hạn của thị trường chứng khoán", - ông Tuấn cho biết.
Giới phân tích lưu ý, thực trạng dư thừa thanh khoản tạo ra áp lực tỷ giá tăng cao gần đây, điều này khiến nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn mạnh.
Trên thị trường chứng khoán, khối ngoại đã rút ròng hơn 4.900 tỷ đồng từ đầu tháng 9 đến nay, mức mạnh nhất kể từ đầu năm.
"Tin tức này sẽ có tác động ngắn hạn về mặt tâm lý và khiến thị trường dễ điều chỉnh nhưng không quá đáng ngại", - Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT cho rằng, nhà đầu tư có thể mua vào một khi thị trường đã phản ánh thông tin.
Chính sách tiền tệ của Việt Nam tương đối độc lập
Thực tế, động thái phát hành tín phiếu của NHNN diễn ra ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố quyết định giữ nguyên lãi suất.
Tuy nhiên, quan điểm điều hành có phần "diều hâu" hơn thị trường kỳ vọng, làm dấy lên lo ngại về việc xoay chiều chính sách của cơ quan quản lý trong bối cảnh tỷ giá dậy sóng thời gian gần đây.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu với Fili rằng, chính sách tiền tệ Việt Nam tương đối độc lập và điều hành theo thực tế của nền kinh tế Việt Nam, vì thế không thể biến động lớn dù Fed giữ nguyên lãi suất nhưng cũng không loại trừ khả năng tăng lãi suất thời gian tới.
Từ nay đến cuối năm, ông tin lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp và như vậy lãi suất cho vay còn có thể hạ thấp hơn nữa.
"Ngay cả phía NHNN cũng có thể xem xét giảm tiếp lãi suất, nhưng hiện tại mức lãi suất điều hành của Việt Nam cũng đã khá thấp, nếu cần thiết chỉ có thể giảm khoảng 0.25%", - chuyên gia nhận định.
Nói về động thái phát hành tín phiếu, chuyên gia nhận xét, điều này là NHNN đang hút dòng tiền trên thị trường về. Mục tiêu chủ yếu là hút tiền trên thị trường trong bối cảnh đang thừa tiền, không cho vay ra được.
"Việt Nam đang thực hiện việc hạ lãi suất, tăng đầu tư công, giảm thuế VAT…, những điều này làm cho chính sách tiền tệ mở rộng nhanh chóng, do đó lượng tiền trên thị trường rất nhiều. Ngoài việc bơm hút tiền bình thường ra, thì việc phát hành tín phiếu cũng là một trong những cách để NHNN rút bớt tiền trong xã hội", - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Ông Thịnh lý giải, tín phiếu là phát hành ra thị trường nói chung, có thể ngân hàng thương mại chỉ là nơi trung chuyển, ngân hàng thương mại cũng có thể mua tín phiếu từ NHNN để hút bớt tiền trong nền kinh tế, giảm áp lực tiền tệ giữa VND và USD cũng như áp lực về lạm phát. Lúc đó, không phải lo về tỷ giá VND/USD hay e ngại VND mất giá so với USD.
"Còn so với các đồng tiền khác, hiện tại VND đã tăng giá trị hơn. Năm ngoái VND chỉ mất giá gần 3% so với USD, trong khi CNY (Nhân dân tệ của Trung Quốc) mất giá 7-8% và JPY (Yên của Nhật) có khi mất giá 30%, như vậy VND đang lên giá so với các đồng tiền khác", - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.
Sau 8 tháng đầu năm, VND chỉ mất giá so với USD hơn 1.6%, như vậy có thể nói VND rất ổn định so với USD. Trong khi đó, lãi suất USD đã lên mức cao nhất trong vòng 22 năm mà lãi suất VND lại đang giảm mạnh.
Về mặt lý thuyết, VND đáng lẽ phải giảm giá nhiều, trong khi Việt Nam lại đang giảm lãi suất, đầu tư công cần giải ngân ra thị trường 711,000 tỷ đồng, rõ ràng lượng tiền trên thị trường rất nhiều. Như vậy muốn giữ ổn định tỷ giá hối đoái, cân bằng tiền tệ thì phải có cách hút bớt đi, ngoài việc bơm hút bình thường thì phát hành tín phiếu để hút bớt tiền trong thị trường về NHNN, giảm áp lực tiền tệ, đồng thời tạo ra nguồn dự trữ cho ngân hàng trong điều kiện lãi suất đang thấp.
"Phát hành tín phiếu là biện pháp đỡ tốn kém nhất so với các biện pháp can thiệp tiền tệ khác", - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lý giải do đang hút bớt VND ra khỏi lưu thông, như vậy tiền trên thị trường giảm bớt đi, làm giảm áp lực tỷ giá, VND và USD cân bằng nhau.
Ông Thịnh nêu quan điểm, NHNN vẫn kiên quyết giữ ổn định tỷ giá hối đoái bằng nhiều cách, nếu cần thiết thì can thiệp, bán ngoại tệ, nhưng tình hình hiện tại chưa đến mức phải can thiệp.
"Hiện nay ngoại tệ trên thị trường rất ổn định, xuất nhập khẩu đang hồi phục, đầu tư nước ngoài vẫn tăng, kiều hối về vẫn tăng, do đó ngoại tệ trên thị trường không thiếu để can thiệp. Chỉ có VND trên thị trường đang nhiều nên hút bớt về bằng cách phát hành tín phiếu có kỳ hạn", - theo chuyên gia.
"Chuyện bình thường"
Nói về việc NHNN phát hành gần 10,000 tỷ đồng tín phiếu, đại diện FiinGroup cũng bày tỏ, thời điểm hiện tại khi thanh khoản hệ thống đang dư thừa, động thái hút ròng của Ngân hàng Nhà nước nên được xem xét trong mối tương quan với diễn biến về tỷ giá.
"Động thái này cho thấy Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp để "hạ nhiệt" tỷ giá và theo đó, được kỳ vọng sẽ giữ chân dòng tiền ngoại đang "nhấp nhổm" rút ra hoặc tạo cú hích cho dòng tiền ngoại đang chờ đợi giải ngân", - phía Fiin giải thích.
TS. Cấn Văn Lực và TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá, đây là động thái bình thường của NHNN khi thanh khoản hệ thống dư thừa.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thanh khoản dồi dào, NHNN mua vào, qua đó hỗ trợ 1 phần lãi suất liên ngân hàng ở mức phù hợp hơn. Điều này cũng gián tiếp hỗ trợ tỷ giá (nhưng không quá lớn). Báo Đầu tư dẫn lời ông Lực khẳng định, đây là hoạt động bình thường của NHNN và liệu NHNN có tiếp tục phát hành tín phiếu hay không còn tuỳ thuộc vào thanh khoản của các ngân hàng.
Đồng tình, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, các ngân hàng thương mại hiện nay dư thừa vốn khả dụng, không cho vay được. Động thái hút tiền về của NHNN chủ yếu muốn tháo gỡ khó khăn cho một số ngân hàng dư thừa vốn khả dụng khi đã chót huy động với lãi suất tương đối cao.
TS. Lê Xuân Nghĩa bày tỏ: "10.000 tỷ không có nhiều ý nghĩa với toàn thị trường. Điều này cũng có thể làm giảm bớt áp lực với tỷ giá. Và đây cũng là hoạt động bình thường của các Ngân hàng Trung ương".
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh dự báo, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn sẽ ổn định. Điều này là do Ngân hàng Nhà nước cũng có thống nhất với Chính phủ, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định tiền tệ, giữ vững tỷ giá hối đoái, từ đó đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững.
"Trên cơ sở đó, VND sẽ ổn định so với USD, nếu VND có biến động về giá thì chỉ tăng/giảm 2-3% so với đầu năm. Do đó việc phát hành tín phiếu chỉ là để điều chỉnh thị trường", - chuyên gia lưu ý.