Đó là chính sách đối ngoại và nền kinh tế, ngành du lịch, hoạt động bảo vệ động vật và nền văn hóa. Chúng tôi sẽ đề cập đến những chủ đề này trong bài tổng quan truyền thống "Việt Nam trên báo chí nước ngoài".
Những liên minh chống Trung Quốc
Tất nhiên, các phương tiện truyền thông nước ngoài tiếp tục bình luận về việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Tốc độ và quy mô thay đổi trong quan hệ Việt- Mỹ kể từ Chiến tranh Lạnh thật đáng kinh ngạc, tờ The Hindu của Ấn Độ lưu ý. Đầu tư của Mỹ vào việc xây dựng các nhà máy và tài trợ cho các phòng thí nghiệm cũng như các khóa học về lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn cũng như tích hợp trí tuệ nhân tạo vào hệ thống ô tô và chăm sóc sức khỏe sẽ khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các công ty Mỹ và phương Tây vốn không muốn để Trung Quốc là nơi duy nhất trên thế giới để tìm nguồn cung ứng. Khi Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong thị trường bán dẫn, điều này sẽ làm giảm thị phần cũng như lợi thế công nghệ của Trung Quốc trong khu vực.
Bằng cách ký kết các thỏa thuận tại G20 ở Ấn Độ và ở Việt Nam, Hoa Kỳ đã mở rộng vòng tròn đồng minh và đối tác của mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tờ The Conversation viết, đồng thời nhắc nhở về nhiều cuộc gặp và đàm phán của các quan chức cấp cao Mỹ với các nước ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Những hành động này nhằm mục đích hạn chế sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự của Trung Quốc, ngay cả khi các nhà lãnh đạo Mỹ không tuyên bố công khai điều này, tác giả bài báo nhấn mạnh. Tờ Stars and Stripes đưa tin, Cảnh sát biển Mỹ và Việt Nam sẽ mở rộng mối quan hệ hợp tác trên biển sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Biden. Còn tờ China Military lưu ý, gần đây các quan chức Mỹ đã tuyên bố rằng, Hoa Kỳ và các đối tác của họ có thể giúp Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc vào vũ khí do Nga sản xuất, nhưng điều này sẽ đòi hỏi chi phí rất lớn.
Các quân nhân Việt Nam có thể dễ dàng làm chủ các loại thiết bị của Nga. Nga sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc cung cấp các sản phẩm quân sự, ấn phẩm tự tin. Hoàng Thái tử Akishino và Công nương Nhật Bản đang thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Vietnam Briefing dành nhiều bài viết về quan hệ thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, Nhật Bản từ lâu là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, các công ty nổi tiếng của Nhật Bản đang tích cực đầu tư vào Việt Nam và cả hai nước tham gia một số hiệp định thương mại tự do (FTA) quy mô lớn.
Một trong những địa điểm kinh doanh tốt nhất
Tờ Bangkok Post viết về chuyến thăm Washington của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, nơi ông đang đàm phán để Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, cũng như đề nghị Mỹ mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam và không áp dụng các biện pháp bảo hộ mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế vì xuất khẩu hàng hóa - một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam - đang gặp khó khăn trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Việt Nam đang suy giảm.
Tạp chí Global Finance viết rằng, Việt Nam đang thực sự củng cố vị thế là một trong 3 địa điểm hàng đầu mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu muốn đầu tư. Một dấu hiệu cho sự phát triển thành công của Việt Nam là VinFast, gần đây VinFast trở thành nhà sản xuất ôtô có vốn hoá lớn thứ 3 thế giới sau Tesla và Toyota. Còn Vietnam Briefing dành một bài viết về chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn dệt may của EU, chiến lược này có thể có tác động đáng kể đến ngành dệt may ở Việt Nam. Tất cả các sản phẩm dệt may trên thị trường EU phải bền và có thể tái chế; làm bằng sợi tái chế càng nhiều càng tốt; không có chất độc hại; được sản xuất với sự quan tâm đến các quyền xã hội và môi trường. Bất chấp tất cả những thách thức mà các quy định mới này đặt ra, các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để giảm tác động đến môi trường.
Telecom cho biết, do điều kiện thị trường không ổn định, công ty startup Internet Việt Nam VNG Ltd đã hoãn đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 150 triệu USD tại Mỹ cho đến năm sau. Hoạt động kinh doanh của công ty bao gồm trò chơi trực tuyến, thanh toán, dịch vụ đám mây và Zalo, một ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Việt Nam.
Reuters đưa tin rằng, nhà sản xuất xe điện VinFast có kế hoạch xuất xưởng những chiếc xe điện đầu tiên sang châu Âu trong năm nay, sau khi nhận được sự chấp thuận theo quy định của Liên minh châu Âu. Điều này xảy ra khi EU đang xem xét áp thuế đối với các đối thủ Trung Quốc. Theo kế hoạch, hãng xe điện biểu tượng của Việt Nam sẽ giao khoảng 3.000 chiếc xe VF8 từ nhà máy VinFast ở miền Bắc Việt Nam đến Pháp, Đức, Hà Lan trong quý IV/2023.
Phát hiện các loài động vật mới ở Việt Nam
Mongabay có một bài viết chuyên sâu về các loài bò sát quý hiếm ở Việt Nam có nguy cơ bị tuyệt chủng. Việt Nam có đa dạng sinh học hàng đầu thế giới nhưng cũng là điểm nóng tiêu thụ, trung chuyển động vật hoang dã. Hàng năm có một số lượng lớn các loài bò sát mới được phát hiện ở đây, một phần ba trong số đó là loài đặc hữu của đất nước này và không tìm thấy ở nơi nào khác trên hành tinh. Nghiên cứu các bộ sưu tập động vật tại các vườn thú trên thế giới, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, 1/5 loài bò sát của Việt Nam hiện đang được nuôi nhốt, hầu hết tại các vườn thú ở Bắc Mỹ và Châu Âu, do đó có nguy cơ bị tuyệt chủng.
SciTechDaily đưa tin rằng, các nhà khoa học Nhật Bản và Việt Nam đã phát hiện 16 loài ong ký sinh mới ở Việt Nam, một nhóm ong ký sinh có hình dáng kỳ lạ. Đây là những loài côn trùng nhỏ bé đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa hệ sinh thái. Ong ký sinh sống ký sinh trên các loài côn trùng khác. Chúng đẻ trứng vào trong hoặc trên cơ thể - thậm chí là trong trứng - của vật chủ, cuối cùng giết chết vật chủ.
Cát Bà thay vì Hạ Long
Các ấn phẩm nước ngoài quảng cáo tour du Việt Nam thường lặp lại những điểm đến giống nhau. Nhưng, du khách giàu kinh nghiệm Joshua Zukas trên trang Insider gợi ý nên ghé thăm những địa điểm không có đông khách du lịch nhưng không hề thua kém những vẻ đẹp được quảng cáo. Thay vì Sapa, tác giả gợi ý du khách có thể tìm đến những công viên và ngôi làng ở vùng nông thôn phía bắc. Thay vì Hạ Long, Vịnh Lan Hạ và đảo Cát Bà có phong cảnh hữu tình nhưng thường ít tàu du lịch hơn. Thay vì Hội An, cố đô Huế. Thay vì Đà Nẵng, Quy Nhơn, một thành phố biển sạch sẽ và yên tĩnh. Và bãi biển Côn Đảo thay vì Phú Quốc. Còn cổng Ratanews phàn nàn rằng, do không có chuyến bay thẳng, kỳ nghỉ ở Việt Nam trở nên quá đắt đỏ và bất tiện đối với khách du lịch Nga và họ lựa chọn những khu nghỉ dưỡng khác.
Cổng Scandasia đưa tin: Liên hoan phim Tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 13 sẽ diễn ra từ ngày 22-28/9 tại Hà Nội và TPHCM. Sự kiện này do EUNIC (Hiệp hội Các Viện Văn hóa và Đại sứ quán các nước Châu Âu) phối hợp với Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương của Việt Nam tổ chức. Phần Lan, Anh, Áo, Đức, Tây Ban Nha, Ý và Việt Nam giới thiệu các tác phẩm điện ảnh tài liệu đặc sắc của họ.