Những trang sử vàng

Những thiếu niên cộng sản đầu tiên của Việt Nam đã lớn lên ở Matxcơva

Trong bài mạn đàm tiếp theo của loạt bài "Những trang sử vàng", Sputnik tiếp tục chủ đề về các thiếu niên Việt Nam đầu tiên được Bác Hồ huấn luyện tại Quảng Châu đi học ở Matxcơva theo thỏa thuận đạt được năm 1926 giữa Hồ Chí Minh và Ủy ban Trung ương Đội Thiếu niên Tiền phong Liên Xô.
Sputnik
Các chuyên gia Nga về Việt Nam bắt đầu tìm kiếm thông tin về nhóm này từ đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước đã phải đối mặt với những bí ẩn. Ví du: có bao nhiêu người Việt rời Quảng Châu và bao nhiêu người đến Matxcơva?
Trong những bức thư gửi đến Matxcơva, Hồ Chí Minh đã đưa ra những đề xuất khác nhau về số người trong nhóm đầu tiên: ba, bốn hoặc bảy người. Như các bạn có thể thấy, trong những bức thư này vẫn chưa xác định được chính xác số thiếu niên cộng sản Việt Nam sẽ sang Liên Xô. Chúng tôi không tìm được bức thư hồi đáp từ Matxcơva trả lời câu hỏi cụ thể của Hồ Chí Minh về việc họ có thể tiếp nhận bao nhiêu người. Vậy ông đã cử bao nhiêu thiếu niên đến Matxcơva? Để được hỗ trợ, chúng tôi đã hướng tới thính giả Việt Nam của Đài phát thanh Matxcơva, tiền thân của Đài Tiếng nói Nga và Sputnik hiện nay.
Những trang sử vàng
Giải mã bí ẩn của những thiếu nhi cộng sản đầu tiên của nước Việt Nam

Thông tin phong phú nhưng chứa đựng những mâu thuẫn

Theo thông tin nhận được từ ông Hoàng Đức Lạc, Bí thư Chi hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Nghệ Tĩnh, trong nhóm này đã có 8 người được Hồ Chí Minh chuẩn bị cho chuyến đi. Nhưng không phải ai cũng đến được Matxcơva. Tham gia đấu tranh cách mạng ở Trung Quốc, Lý Tư Xung cùng hai cô gái Lý Phương Đức và Lý Phương Thuần đều hy sinh. Tuy nhiên, theo ông Tứ Cường, một người nghỉ hưu ở TP.HCM, con trai của anh Lý Nam Thanh, một trong những thành viên trong nhóm do Hồ Chí Minh thành lập, nhóm đó không phải tám mà là mười người. Còn nhà báo Tuyết Mai đã nêu một con số thậm chí còn cao hơn trong bài viết của mình - mười một người! Ngoài ra còn có những thông tin khác. Vì vậy, chúng tôi vẫn chưa biết chính xác số người trong nhóm do Hồ Chí Minh thành lập ở Quảng Châu đã lên đường đến Matxcơva. Chưa biết có bao nhiêu người trong số họ đã đến Matxcơva.

Họ không phải là những người Việt duy nhất ở Matxcơva

Cho dù có bao nhiêu người Việt đến Matxcơva thì điều đầu tiên họ phải làm là học tiếng Nga. Rất có thể, các chàng trai đã được đưa vào một trong những ký túc xá sinh viên ở thủ đô. Cũng rõ ràng là họ đã tiếp xúc với Hồ Chí Minh, Người đã đến Matxcơva lần thứ ba vào tháng 2 năm 1934 và đã ở lại Liên Xô cho đến tháng 10 năm 1938. Bác Hồ rất quan tâm đến số phận của các thanh niên mà ông biết từ khi họ còn nhỏ ở Quảng Châu, tất cả họ đều có bí danh và mang họ Lý. Những nhà cách mạng Việt Nam học trong hệ thống Quốc tế Cộng sản vào những năm 1930 - có hơn hai mươi người – cũng không thể bỏ qua họ. Như vậy, ngoài các đồng chí Nga, còn có những người Việt có thể giúp họ học tiếng Nga, làm quen với điều kiện sống ở Matxcơva với khí hậu lạnh hơn và những món ăn lạ miệng. Cũng không có nghi ngờ gì rằng, các tổ chức giúp Hồ Chí Minh đưa các thiếu niên từ Quảng Châu đến Matxcơva vào năm 1926, đã tìm việc làm cho họ.

Mỗi người đều có việc làm

Ví dụ, các công nhân lão thành của nhà máy ô tô Matxcơva vào những năm khác nhau mang tên Stalin, Likhachev và AMO-ZIL, nổi tiếng với các sản phẩm tại Việt Nam, hồi tưởng lại, vào những năm 1930, trong tập thể lao động đã có một người Việt Nam. Cũng trong những năm đó, đã có một người công nhân Việt Nam tại nhà máy "Vô sản đỏ", mà sau một phần tư thế kỷ, nhà máy này đã trở thành "cha đỡ đầu" của nhà máy cơ khí Hà Nội.
Những trang sử vàng
Ai đã hiện diện ở đầu nguồn của ngành Việt Nam học ở Nga

Ông Nikolai Ermolov, cựu nhân viên Ủy ban Quốc tế Cộng sản, người đã làm việc trong ủy ban trung ương của Tổ chức Quốc tế Hỗ trợ các chiến sĩ Cách mạng vào cuối những năm 1930, hồi tưởng lại: “Cùng với các công dân Liên Xô, nhiều người nước ngoài di cư vì lý do chính trị đã làm việc trong tổ chức này. Chúng tôi không hỏi họ đến từ nước nào, tên thật của họ là gì bởi vì họ phải duy trì bí mật, cảnh sát đang truy tìm họ ở quê nhà, họ hàng của họ vẫn ở đó. Có một lần, ngồi gần tôi tại cuộc họp có một thanh niên tóc đen ngắn. Chủ tọa nói, tiếp theo xin nhường lời cho đồng chí Ly - và người thanh niên này đã lên bục giảng. Anh đã phát biểu rất hay khiến mọi người cảm thấy hứng thú lắng nghe về tình hình ở Đông Dương, về những gì cần phải làm để giúp đỡ các chiến sĩ cách mạng, giúp đỡ gia đình của các đồng chí bị bắt giữ và bị xử tử... Khi anh nói xong, tôi hỏi làm sao anh biết tình hình ở Đông Dương tốt đến vậy. Đây là quê hương tôi, anh Ly trả lời”.

Tất cả những người trẻ mang họ Lý đã tiếp tục sống và làm việc tại Matxcơva cả sau khi hầu hết đồng bào của họ rời khỏi Nga vì các cơ sở giáo dục của Quốc tế Cộng sản đóng cửa. Họ đã hiện diện tại đây vào ngày 22 tháng 6 năm 1941, khi Đức Quốc xã tấn công Liên Xô.
Thảo luận