Campuchia hậu Hun Sen đã dẹp mối lo cho Việt Nam

Campuchia hậu Hun Sen tiếp tục kiên trì chính sách cứng rắn, trung lập, không chấp nhận bất cứ căn cứ quân sự của nước ngoài nào trên lãnh thổ Campuchia.
Sputnik
Chính quyền Thủ tướng Hun Manet một lần nữa khẳng định, không cho phép bất kỳ quốc gia nào hoặc thế lực nào sử dụng lãnh thổ Campuchia để chống lại nước khác. Điều này sẽ đem lại sự an tâm nhất định cho các nước láng giềng Việt Nam, Thái Lan và Lào.

Cần chấm dứt mọi cáo buộc về căn cứ Ream

Chính quyền Campuchia tuyên bố cứng rắn rằng, mọi cáo buộc sai sự thật liên quan đến căn cứ Ream phải chấm dứt ngay lập tức.
Quan chức cấp cao Chính phủ Thủ tướng Hun Manet một lần nữa kêu gọi chấm dứt hàng loạt cáo buộc vô căn cứ và nghi ngờ xung quanh việc xây dựng, phát triển căn cứ Hải quân Ream của Campuchia bất chấp đích thân con trai ông Hun Sen - Thủ tướng Hun Manet đã khẳng định rõ ràng về vấn đề này ngay trước toàn thể các nước dự phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 78 (UNGA 78) vừa qua.

"Phát biểu của Thủ tướng Hun Manet tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là minh chứng cho thế giới thấy rằng không có căn cứ quân sự nào được phép đặt trên lãnh thổ Campuchia", - ông Jean-Francois Tain, Đặc phái viên Thủ tướng Hun Manet kiêm Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia nhắc lại.

Phát biểu tại sân bay quốc tế Phnom Penh trong cuộc họp báo ngày 25/9/2023 ngay khi đoàn đại biểu cấp cao chính phủ Campuchia trở về sau cuộc họp tại Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, đại diện cấp cao Chính phủ Thủ tướng Hun Manet một lần nữa muốn tuyên bố với thế giới cùng các thế lực thù địch luôn tìm cách phá hoại quan hệ láng giềng của Campuchia với Việt Nam, Campuchia với Trung Quốc cũng như các công việc nội bộ của Chính phủ Hoàng gia rằng, hậu Hun Sen, Campuchia vẫn sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại độc lập, vì lợi ích quốc gia, dân tộc và không cho phép bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ.
Ông Jean-Francois Tain cho biết: "Bản thân Thủ tướng Hun Manet đã tuyên bố tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng, Campuchia sẽ không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình và Campuchia cũng không cho phép bất kỳ quốc gia nào hoặc nhóm nào sử dụng lãnh thổ Campuchia để chống lại nước khác. Điều này sẽ được cả thế giới làm chứng".

"Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Campuchia tận dụng chính phiên họp của Liên Hợp Quốc để giải quyết toàn bộ các cáo buộc rằng căn cứ Hải quân Ream đang được sử dụng nhằm tiếp đón sự hiện diện của Quân đội Trung Quốc và có thể gây phương hại cho nước khác", - người thân cận của Thủ tướng Hun Manet nhấn mạnh.

Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển với Vương quốc Campuchia

Campuchia không cho phép đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ

Theo tuyên bố ngày 25 tháng 9 của Bộ Ngoại giao Campuchia, Thủ tướng Manet đã đến New York, Mỹ dự Khóa họp lần thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) để truyền tải một thông điệp quan trọng tới thế giới về lập trường kiên quyết của Campuchia.
"Vương quốc Campuchia sẽ "không cho phép bất cứ căn cứ quân sự nước ngoài nào hiện diện trên lãnh thổ của mình, như Hiến pháp quy định", - Bộ Ngoại giao Campuchia khẳng định.
Liên quan đến căn cứ hải quân Ream, ông Tain cho rằng bây giờ chính là thời điểm thích hợp xoá bỏ mọi nghi ngờ liên quan chủ đề này.
"Các ồn ào xung quanh quanh căn cứ Hải quân Ream được tranh luận suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Campuchia, thông qua chính Thủ tướng Hun Manet, đưa ra tuyên bố công khai lập trường của mình với cả thế giới. Sẽ không thể có bất kỳ một căn cứ quân sự nước ngoài tồn tại ở Campuchia", - ông Tain nêu rõ.
Đại diện chính quyền Phnom Penh cho rằng, nếu Campuchia – bỗng một lúc nào đó trong tương lai lại cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình thì lập trường trung lập của quốc gia sẽ tan biến, giống như muối tan trong nước. Đây cũng chính là cách mà Thủ tướng Manet sử dụng để khẳng định về quan điểm trung lập của Campuchia tại Khoá họp lần thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc 78 vừa qua.
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia nhắc lại rằng, thông điệp chính trị chính mà Thủ tướng Hun Manet gửi tới cộng đồng quốc tế lần này sẽ làm cho cả thế giới hiểu rõ hơn về lập trường "trung lập và độc lập" của Campuchia trên trường quốc tế.
Đầu tiên, theo ông Jean-Francois Tain, Campuchia cũng như các nước khác trên thế giới, thúc đẩy và bảo vệ lợi ích của Campuchia nói chung.
Tiếp đó, Campuchia luôn nỗ lực củng cố tình hữu nghị hiện có (với các nước láng giềng như Việt Nam, Lào, Thái Lan, khu vực ASEAN) đồng thời mở rộng vòng tay, mở rộng trái tim đón nhận những tình bạn mới, đối tác mới.
Thêm nữa, Campuchia không cho phép bất kỳ cơ sở quân sự nước ngoài nào hiện diện trên lãnh thổ Campuchia, điều này đã được quy định trong Hiến pháp.

Campuchia nói thẳng về quan hệ với Mỹ

Liên quan đến quan hệ song phương với Mỹ, ông Tain khẳng định, Campuchia vẫn lạc quan và tin rằng mối quan hệ sẽ song phương sẽ được cải thiện khi cả hai nước tìm thấy điểm chung về lợi ích nhất quán.
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia đánh giá quan hệ Campuchia - Mỹ hiện nay ở mức "khá tốt".
Ông Tain đã mô tả cuộc gặp giữa Thủ tướng Hun Manet và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland bên lề UNGA 78 diễn ra trong bầu không khí "gần gũi, thân thiện và vui vẻ".
Tại cuộc gặp, cả hai bên đã thảo luận các biện pháp để tăng cường quan hệ song phương, trong đó Mỹ sẽ nối lại việc cung cấp khoản viện trợ 18 triệu USD thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Đại diện chính quyền Thủ tướng Hun Manet nêu rõ, quan hệ giữa Campuchia và Mỹ sẽ chỉ được cải thiện khi cả hai nước đều hướng về lợi ích chung lớn lao hơn; bất kể đó là về phương diện thương mại, chính trị hay địa chính trị.
"Campuchia là quốc gia nhỏ hơn và yếu thế hơn, trong khi Mỹ là siêu cường hàng đầu của thế giới. Hiện tại, chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến hợp tác thương mại", - ông Tain nói và cho biết, năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia đạt 13,5 tỷ USD và đó là tín hiệu đáng mừng.
Hun Sen tiết lộ quan hệ Việt Nam - Campuchia khi Hun Manet làm Thủ tướng

Việt Nam – Campuchia duy trì biên giới hoà bình, ổn định

Với tuyên bố mới nhất này, các nước láng giềng của Campuchia như Việt Nam, Thái Lan sẽ có thể an tâm hơn và giảm bớt nhiều nguy cơ đe doạ liên quan căn cứ quân sự Ream, thời gian qua vốn đã trở thành chủ đề nóng trong khu vực trước mọi lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc xuống phía nam.
Trên thực tế, trong các tuyên bố chính thức từ hai nước, Việt Nam và Campuchia luôn khẳng định quan hệ song phương luôn tốt đẹp, ổn định, ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực theo phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài".
​Hai bên nêu rõ quyết tâm và nỗ lực tìm giải pháp công bằng, hợp lý mà hai bên cùng chấp nhận được để phân giới cắm mốc đối với 16% đường biên giới còn lại.
Đồng thời, nhất trí về sự cần thiết xây dựng Hiệp định về quy chế biên giới mới để thay thế cho Hiệp định về quy chế biên giới ký năm 1983 nhằm tạo thuận lợi cho công tác phối hợp quản lý biên giới chung.
Cả Hà Nội và Phnom Penh đều nỗ lực bảo đảm sự ổn định của đường biên, mốc giới nhằm góp phần củng cố và xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển giữa hai nước.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 25/9, tại cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã hội đàm với Đoàn đại biểu ba lực lượng bảo vệ biên giới của tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia.
Theo tuyên bố được đưa ra sau đó, hai bên cho biết, với tinh thần đoàn kết, hữu nghị, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ 2 nước, các lực lượng đã thông tin, trao đổi một số tình hình liên quan đến an ninh biên giới và đánh giá kết quả công tác phối hợp trong quản lý, bảo vệ biên giới; phòng-chống dịch bệnh; đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm và vi phạm pháp luật trên khu vực biên giới thời gian qua.
Hai bên cũng đề ra phương hướng và biện pháp cùng nhau phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới thời gian tới nhằm góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển giữa hai nước.
Thái độ của Hun Sen cho thấy bản chất thật sự của quan hệ Việt Nam – Campuchia
Phát biểu tại đây, Đại tá Trần Tiến Hải, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp cùng các lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia, tăng tần suất trong việc tổ chức tuần tra song phương trên các đoạn biên giới đã được hoạch định phân giới cắm mốc trên thực địa.

"Qua đó, góp phần duy trì an ninh và ổn định biên giới; ngăn ngừa các xung đột, tranh chấp, tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa hai nước", - Đại tá Hải bày tỏ.

Qua cuộc hội đàm, hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện tốt nội dung bản ghi nhớ giữa các lực lượng như: Tiếp tục phối hợp, quản lý bảo vệ biên giới theo Hiệp định, Hiệp ước, Thông cáo báo chí của Chính phủ hai nước và các thỏa thuận liên quan.
Phía Việt Nam và Campuchia cũng nỗ lực tăng cường trao đổi thông tin tình hình có liên quan đến nhiệm vụ quản lý bảo vệ biên giới, ngăn chặn hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, mua bán người, hoạt động vi phạm quy chế biên giới, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, vượt biên giới trái phép…
Cũng nhân dịp này, theo TTXVN, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã trao tặng 50.000 USD do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai hỗ trợ cho ba lực lượng Campuchia để xây dựng nhà chỉ huy, nhà làm việc và mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác cho các lực lượng này.
Thay mặt 3 lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Ratanakiri, Trung tướng Khăm Suk-Chỉ huy trưởng Tiểu khu Quân sự tỉnh Ratanakiri bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến lãnh đạo tỉnh Gia Lai và Đoàn đại biểu Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã quan tâm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với các lực lượng bảo vệ biên giới bằng những phần quà hết sức ý nghĩa, thiết thực.
Hành động đẹp này, theo Trung tướng Khăm Suk giúp thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa hai địa phương và lực lượng bảo vệ biên giới để cùng nhau bảo vệ biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Thảo luận