Từ vụ dân tố SCB cấu kết Manulife lừa đảo: Việt Nam bắt đầu mạnh tay

Dân tố ngân hàng bắt tay bảo hiểm nhân thọ lừa đảo, cơ quan quản lý của Việt Nam bắt đầu mạnh tay hơn.
Sputnik
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Kiểm toán Nhà nước lập chuyên đề kiểm toán riêng về bảo hiểm nhân thọ để xác định có hay không việc ngân hàng bắt tay với công ty bảo hiểm.
Về phần cơ quan quản lý, Bộ Tài chính hiện đang giám sát chặt đại lý, ngăn "bẫy" trong hợp đồng bảo hiểm nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm gây mất niềm tin của người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị kiểm toán chuyên đề bảo hiểm nhân thọ

Tổng Thư ký Quốc hội và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, đã thông báo về Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo hoạt động năm 2023 và dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước.
Theo đó, trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu hoạt động kiểm toán phải tiếp tục đóng góp vào việc tăng cường kỷ luật, quản lý tài chính, ngân sách, tiền tệ, và cuộc chiến chống tham nhũng và tiêu cực.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cần tăng cường việc thực hiện quyết định kiểm soát quyền lực và đối phó với tham nhũng và tiêu cực trong quá trình kiểm toán. Trong đó, các cán bộ vi phạm cần phải bị xử lý nghiêm khắc.
Cùng với đó, Kiểm toán Nhà nước được yêu cầu tiếp tục tuân theo nguyên tắc của sự công khai, minh bạch, khách quan và trung thực trong hoạt động kiểm toán theo quy định.
Đối với kế hoạch năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất cho Kiểm toán Nhà nước xem xét lại mục tiêu kiểm toán tổng quan và điều chỉnh một số cuộc kiểm toán đặc biệt để tập trung vào các vấn đề quan trọng và cấp bách.
Vụ khách tố SCB cấu kết Manulife, bảo hiểm lừa đảo, phạt 100 triệu răn đe ai?
Mục tiêu tổng quan cho năm này sẽ tập trung vào đánh giá thị trường đất đai, tài chính, tiền tệ, chứng khoán và bất động sản, nhằm dự đoán các nguy cơ kinh tế lớn.
Mặt khác, Kiểm toán Nhà nước cần làm sáng tỏ lý do tại sao tín dụng ngân hàng tăng chậm, hệ thống tài chính ngân hàng gặp khó khăn, nợ xấu gia tăng, và tình trạng trả nợ vay trái phiếu đáo hạn chậm trễ, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.
Kiểm toán Nhà nước cũng cần giải quyết triệt để các khó khăn liên quan đến mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế, cũng như các vấn đề liên quan đến in, phát hành, chiết khấu và giá bán sách giáo khoa, đồng thời cải cách chương trình và sách giáo khoa.
Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán tình hình thị trường bảo hiểm nhân thọ hoặc kiểm toán các tổ chức tài chính và bảo hiểm để làm rõ những điểm mà Quốc hội đã đề ra trong nghị quyết.

Bộ Tài chính dần mạnh tay hơn

Liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, để tăng cường quản lý, như Sputnik đã thông tin, Bộ Tài chính thông báo tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan.
Trong đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, và Bộ Tài chính đã ban hành Nghị định số 46/2023/NĐ-CP vào ngày 01/7/2023 trong quá trình hoàn thiện các văn bản hướng dẫn liên quan đến Luật này.
Gần đây, Bộ Tài chính đã có trả lời phản ánh của cử tri Lào Cai liên quan các vấn đề của thị trường bảo hiểm. Trong đó nhấn mạnh quyết tâm giám sát chặt chẽ các đại lý, ngăn bẫy trong tư vấn gây hiểu nhầm cho người dân.
Cử tri tỉnh Lào Cai nêu bức xúc rằng, hiện nay, nhiều đại lý bảo hiểm nhân thọ tiếp thị, tư vấn người dân thực hiện các giao kết hợp đồng bảo hiểm nhưng trên hợp đồng có nhiều từ ngữ khó hiểu gây bất lợi cho người tham gia bảo hiểm.
Điều này dẫn đến nhiều trường hợp khi xảy ra sự vụ thì người mua bảo hiểm nhân thọ không được hưởng các chế độ bảo hiểm, gây thiệt hại kinh tế cho người tham gia bảo hiểm.
Manulife Việt Nam thay đổi nhân sự cấp cao giữa lùm xùm bảo hiểm
Trên khắp cả nước, thời gian qua cũng còn tồn tại tình trạng dân tố cáo ngân hàng bắt tay với bảo hiểm lừa đảo, hô biến tài khoản tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm. Chưa kể, mọi câu chữ trong hợp đồng bảo hiểm thường quá phức tạp với đa số người dân, lượng thông tin nhiều, hợp đồng quá dài lại "cài cắm" những điều khoản ràng buộc, hoặc khách hàng không đủ vốn kiến thức để hiểu rõ điểm bị loại trừ hay không được nhân viên tư vấn rõ ràng nên dễ bị gài vào cảnh "bút sa gà chết", đánh mất quyền lợi chính đáng khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, điều tra.
Do đó, cử tri tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu ban hành cơ chế quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động của các công ty bảo hiểm nhân thọ, xử lý nghiêm các sai phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm.
Đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định 46/2023/NĐ-CP cũng mở rộng trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc kiểm tra và giám sát chất lượng hoạt động đại lý của nhân viên tài chính, và họ cũng phối hợp với các tổ chức tài chính để xử lý vi phạm của nhân viên đại lý.
Đồng thời, Bộ Tài chính hiện đang tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi và bổ sung Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP và Nghị định số 80/2019 liên quan đến vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và kinh doanh xổ số.
Bộ Tài chính yêu cầu tổ chức tín dụng phải thiết lập quầy riêng để thực hiện hoạt động tư vấn sản phẩm bảo hiểm; phải có quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng việc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm của các nhân viên tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo nhân viên tuân thủ đúng các nguyên tắc hoạt động đại lý, các nội dung được ủy quyền tại hợp đồng đại lý và quy định của pháp luật có liên quan.
Về công tác thanh tra, như đã biết, từ tháng 9/2022, Bộ đã có cuộc thanh tra đặc biệt về việc bán bảo hiểm thông qua các ngân hàng và tổ chức tài chính đối với 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Bộ Tài chính đã công bố kết quả thanh tra cho 4 trong số đó (Prudential, MB Ageas, Sun Life, BIDV Metlife) và đã đưa thông tin này ra công chúng theo quy định pháp luật.
Các vi phạm liên quan đến việc bán sản phẩm bảo hiểm qua kênh bancassurance đã được phát hiện trong quá trình thanh tra. Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) hiện đang tiến hành xem xét các vi phạm của các doanh nghiệp này và sẽ xử lý chúng theo quy định pháp luật.
Bộ Tài chính đã đề xuất mức xử phạt tổng cộng là 15.488 tỷ đồng, với việc loại bỏ các chi phí trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2021 của 4 doanh nghiệp bảo hiểm nêu trên, tổng cộng là 1.520,99 tỷ đồng.

Có hay không sự cấu kết của ngân hàng với bảo hiểm?

Theo kết luận trước đó của Thanh tra Bộ Tài chính với 4 doanh nghiệp bảo hiểm, năm 2021, Prudential Việt Nam nhận được 1.799 khiếu nại của khách hàng liên quan đến hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng. Qua đó, phát hiện vi phạm của 10 đại lý bảo hiểm và 25 nhân viên ngân hàng trong hoạt động đại lý.
Sun Life Việt Nam nhận được 1.069 khiếu nại của khách hàng trong năm 2021 liên quan đến các hợp đồng bảo hiểm phân phối qua ngân hàng. Trong thời gian này, Sun Life Việt Nam bán bảo hiểm qua 2 ngân hàng là ACB và TPBank.
MB Ageas, năm 2021 tiếp nhận 595 khiếu nại về hợp đồng bảo hiểm phát hành qua kênh ngân hàng thông qua 2 nguồn chính là từ đường dây nóng 57,48%) và các phòng ban trong Công ty (29,4%). Thời điểm này, MB Ageas triển khai bán bảo hiểm với 2 tổ chức tín dụng là MBBank và Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit).
VớiBIDV Metlife, qua thanh tra chọn mẫu phát hiện 21 trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng nguyên tắc bán bảo hiểm.
Trong khi đó, câu chuyện làm nóng dư luận thời gian qua không thể không nhắc đến việc dân tố cáo ngân hàng SCB bắt tay với Manulife lừa đảo, hô biến tiền gửi tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm Tâm an đầu tư.
Từ vụ SCB móc nối với Manulife: Kiểm toán Nhà nước làm rõ ngân hàng có bắt tay bảo hiểm
Theo báo cáo của Uỷ ban Tư pháp, tính đến ngày 31/5/2023, Bộ Công an đã tiếp nhận 6.060 khiếu nại về hợp đồng bảo hiểm và tố cáo SCB đã móc nối với Manulife Việt Nam có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng.
Nội dung đơn thư của người dân cho rằng, có tình trạng đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo; buộc SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.
Báo cáo Uỷ ban Tư pháp cũng nhấn mạnh, hành vi tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên công ty bảo hiểm không đầy đủ các nội dung hợp đồng, hoặc sai lệch thông tin hợp đồng bảo hiểm….
“Hậu quả là có hàng ngàn đơn tố cáo, khiếu nại của người dân liên quan tới vấn đề này, ảnh hưởng đến niềm tin vào hệ thống ngân hàng - bảo hiểm”, - báo cáo lưu ý.
Trả lời báo chí trước đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (C03) Bộ Công an cho biết, C03 đã tiếp nhận nhiều đơn tố cáo của nhà đầu tư và cơ quan chức năng đang tích cực xác minh, làm rõ.
Theo tướng Thành, trong quá trình thụ lý, C03 nhận thấy các hợp đồng chuyển từ sổ tiết kiệm sang gói bảo hiểm của Manulife “đều rất minh bạch”. Trong các hợp đồng đều có chữ ký của nhà đầu tư.
Do đó, đại diện Bộ Công an lưu ý, cần xác minh nhiều vấn đề liên quan như có hay không việc lãnh đạo SCB chỉ đạo nhân viên ngân hàng tuyên truyền cho khách hàng chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang gói bảo hiểm, có hay không việc nhân viên ngân hàng sử dụng "nghiệp vụ" để khiến người dân chuyển hợp đồng…
Bảo hiểm Manulife và SCB bị tố lừa đảo: Phải ‘câm miệng’ mới có tiền?
Đại diện lãnh đạo C03 khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, xác minh vụ việc trong thời gian tới.
Bộ Công an cũng đã khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, không nên thấy lãi suất cao mà lao vào ký hợp đồng, trong khi chưa hiểu rõ những ràng buộc đằng sau dẫn đến đánh mất quyền lợi của mình.
Thảo luận