Công dân Campuchia đến Việt Nam sẽ có thể thoải mái sử dụng hệ thống thanh toán bằng mã KHQR để mua sắm hàng hoá dịch sau khi ngân hàng trung ương 2 nước tiến hành ký thỏa thuận chung trong năm nay nhằm tạo điều kiện phát triển thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới.
Trước đó, Campuchia đã triển khai một thỏa thuận tương tự với Thái Lan và Lào. NBC cũng đang có kế hoạch thiết lập hành lang thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới với các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Malaysia.
Campuchia sẽ ký thoả thuận thanh toán kỹ thuật số với Việt Nam
Người dân Campuchia có thể sớm thanh toán bằng KHQR tại Việt Nam.
Thông tin quan trọng này được lãnh đạo Ngân hàng Quốc gia Campuchia khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN-Campuchia, do Phòng Thương mại Châu Âu tại Campuchia (EuroCham) tổ chức mới đây.
Theo đó, ông Kimty Kormoly, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Campuchia (Ngân hàng Quốc gia Campuchia NBC), cho biết, Campuchia sẽ ký thoả thuận thanh toán kỹ thuật số với Việt Nam thông qua đẩy mạnh hợp tác với Ngân hàng Nhà nước (SBV).
“Quyết định áp dụng hệ thống thanh toán chung được đề xuất với Việt Nam diễn ra sau khi Campuchia triển khai thỏa thuận tương tự với Thái Lan vào tháng 6 và với Lào vào tháng 8 năm nay”, - Khmer Times dẫn lời Phó Thống đốc NBC cho hay.
Theo Kormoly, NBC cũng đang lên kế hoạch thiết lập hành lang thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới với nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Malaysia trong thời gian tới.
Nỗ lực phi đô la hoá
Lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Campuchia cho biết việc thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Campuchia và NBC.
Hệ thống thanh toán chung sẽ giúp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bên cạnh đó còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tiền về nước từ nước ngoài của người lao động Campuchia.
Cùng với đó, xu thế lựa chọn của Campuchia còn đang góp phần giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào đồng đô la, tiến tới việc phi đô la hoá và làm giảm vị thế của đồng USD tại quốc gia láng giềng của Việt Nam.
“Động thái này cũng có thể thúc đẩy việc sử dụng đồng riel và hỗ trợ nỗ lực phi đô la hóa của nước này”, - Khmer Times nêu rõ.
Với phương thức thanh toán mới, người dùng được yêu cầu quét mã QR ở các quốc gia (có ký kết thoả thuận) để thanh toán bằng đồng riel cho các sản phẩm/dịch vụ mà họ mua ở nước ngoài từ tài khoản họ đã tạo với ngân hàng hoặc tổ chức tài chính vi mô (MFI) bằng đồng riel ở Campuchia do không thể quét mã QR với đồng USD.
“Công nghệ đang thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số và khiến việc thanh toán này trở nên dễ dàng hơn. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng Campuchia cũng dẫn đến việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số nhanh hơn”, - lãnh đạo NBC cho hay.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Sáng kiến thanh toán kỹ thuật số cũng có thể giúp tăng cường khả năng tiếp cận tài chính ở Campuchia. Một bộ phận lớn người dân Campuchia vẫn chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng và cũng như các cơ sở ngân hàng.
Sau một năm kể từ khi triển khai chính thức vào năm 2022, KHQR, hệ thống mã phản hồi nhanh (QR) của phổ quát được tạo ra cho các khoản thanh toán bán lẻ trong nước, đã ghi nhận gần 400.000 giao dịch.
Báo cáo nửa đầu năm của ngân hàng trung ương tiết lộ, tính đến tháng 4 năm 2023, số lượng giao dịch sử dụng mã KHQR bằng đồng riel đạt 169.195 giao dịch với số tiền 97 tỷ riel, trong khi 216.069 giao dịch bằng đô la Mỹ chiếm 38 triệu USD.
Hệ thống KHQR được NBC ra mắt vào ngày 4 tháng 7 năm 2022 với mục tiêu mang đến một hệ thống thanh toán mã QR phổ cập an toàn, tiện lợi và chuẩn hóa cho tất cả các tổ chức tài chính tham gia.
Hệ thống thanh toán kỹ thuật số cũng được giới thiệu phù hợp với Khung chính sách xã hội và kinh tế số của Campuchia giai đoạn 2021-2035, nhằm mục đích tạo ra môi trường thuận lợi cho việc số hóa nền kinh tế.
Hệ thống tài chính Campuchia do NBC dẫn đầu hiện bao gồm 59 ngân hàng thương mại, 9 ngân hàng chuyên doanh, 82 tổ chức tài chính vi mô, 17 công ty cho thuê tài chính và 34 tổ chức dịch vụ thanh toán.
Xây dựng hệ thống thanh toán chung khu vực ASEAN
Trong khi đó, như Sputnik đưa tin, Việt Nam cũng là một bên tham gia sáng kiến Kết nối thanh toán khu vực (RPC) của ASEAN, nhằm mục đích tăng cường hệ thống thanh toán xuyên biên giới trong khu vực.
Sáng kiến RPC nhằm tăng cường thanh toán xuyên biên giới đã được nhất trí trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2022 tại Jakarta.
Quan hệ đối tác này nhằm mục đích hỗ trợ quá trình phục hồi sau đại dịch của các quốc gia trong khu vực với mục tiêu cụ thể là mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).
MSME là hình thức doanh nghiệp kinh doanh thống trị ở Đông Nam Á, chiếm từ 88 đến 99% tổng số doanh nghiệp cũng như khoảng 70% tổng số việc làm.
Một trong những lợi thế chính của hệ thống thanh toán khu vực này là khả năng bảo vệ các quốc gia thành viên ASEAN khỏi biến động tỷ giá hối đoái. Vì các giao dịch được thực hiện bằng nội tệ nên việc thanh toán không bị ảnh hưởng bởi sự biến động của tỷ giá hối đoái đồng đô la Mỹ.
Hiện tại, nền kinh tế kỹ thuật số ở ASEAN có trị giá ước tính đạt khoảng 300 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 1 nghìn tỷ USD năm 2030.