Dân Việt Nam vẫn ồ ạt đổ tiền vào ngân hàng

Dù mặt bằng lãi suất tiết kiệm tại Việt Nam đã giảm mạnh, tuy nhiên, lượng tiền nhàn rỗi trong dân vẫn chảy ồ ạt vào hệ thống ngân hàng.
Sputnik
Theo các chuyên gia, nguồn tiền nhàn rỗi vẫn sẽ đổ về ngân hàng do người dân đang thiếu các kênh đầu tư uy tín. Trong khi đó, thị trường bất động sản, chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu, vàng không còn hấp dẫn và tiềm ẩn rủi ro cao.

Tiền nhàn rỗi của dân ồ ạt chảy vào hệ thống ngân hàng

Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê vừa công bố về hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 2/9/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm ngoái. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8%, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,73%.
Lần đầu tiên sau 3 năm, hệ thống ngân hàng ghi nhận tình trạng tăng trưởng huy động cao hơn tăng trưởng tín dụng sau 9 tháng đầu năm dù lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đều đã giảm xuống mức thấp lịch sử giai đoạn dịch bệnh Covid-19.
Điển hình, trong 9 tháng năm ngoái, huy động vốn chỉ đạt 4,6% nhưng tăng trưởng tín dụng lên tới hơn 11,05%. Hay trước đó cùng kỳ (2021), huy động vốn đạt 5,2% nhưng tín dụng tăng 7,88%,
Ngân hàng Nhà nước ‘nới tay’, nhà băng đua nhau ồ ạt hạ lãi suất
Theo cơ quan chức năng, từ cuối năm ngoái, tiền nhàn rỗi của dân vẫn liên tục đổ vào các tổ chức tín dụng. Đến nay, dù lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm nhưng tiền vẫn đổ về ngân hàng bất chấp.
Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, tính đến cuối tháng 6 vừa qua, tổng huy động tiền gửi hệ thống tổ chức tín dụng tăng 4,6% so với đầu năm, đạt mức cao nhất từ trước đến nay với hơn 12,3 triệu tỷ đồng.
Theo NHNN, tiền gửi tiết kiệm của dân cư đến cuối tháng 6 đạt trên 6,38 triệu tỷ đồng, tăng 8,82% so với cuối năm 2022, tương đương tăng trên 429.000 tỷ đồng.
Bất chấp lãi suất tiết kiệm giảm từ đầu tháng 7, dòng tiền trong dân vẫn đang chảy rất mạnh vào hệ thống ngân hàng.
Số liệu từ công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, trong quý 4/2022, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã tăng mạnh (6,4% so với quý trước đó), đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất vào tháng 10/2022 và phần lớn tiền gửi trong giai đoạn này là tiền gửi có kỳ hạn từ 6-12 tháng. Do vậy, Yuanta Việt Nam ước tính khoản tiền gửi trị giá khoảng 496.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12 năm nay.
Theo thông tin từ Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tại cuộc họp báo chính phủ vừa qua, tính đến hết 30/9, huy động vốn tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022, tổng huy động vốn của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 12,9 triệu đồng.

Nguồn tiền tìm nơi trú ẩn

Dự báo từ nay đến cuối năm, kênh tiền gửi tiết kiệm vẫn sẽ được người dân lựa chọn.
Lý giải về nguyên nhân vì sao lãi suất huy động giảm mạnh nhưng dòng tiền nhàn rỗi vẫn đổ về ngân hàng, theo các chuyên gia, nhu cầu gửi tiết kiệm tiền của dân cũng như doanh nghiệp là “luôn có”, bất chấp các động thái điều chỉnh hạ lãi suất của nhà điều hành cũng như các ngân hàng thương mại.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần điều chỉnh hạ lãi suất điều hành liên tiếp kiến lãi suất tiết kiệm và cho vay bình quân của giao dịch phát sinh mới bằng đồng Việt Nam tại các ngân hàng thương mại hiện đã giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022.
Đáng nói, nhóm Big 4 – các ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV hiện chỉ còn quanh mốc 5,5%/năm, ngang với với giai đoạn Covid-19.
Lãi suất tiết kiệm phổ biến nhất hiện nay là khoảng 5,5% - 5,8%/năm đối với thời hạn gửi từ 6 tháng trở lên. Đồng thời cũng không còn ngân hàng nào duy trì lãi suất huy động trên 8%/năm. Tuy nhiên, tiền nhàn rỗi vẫn được người dân tin tưởng đem gửi nhà băng – nơi trú ẩn được đánh giá là an toàn.
Tỷ giá USD tăng dữ dội, Thống đốc bắt đầu mạnh tay
Giới quan sát cho rằng, dù lãi suất tiết kiệm đã lao dốc mạnh nhưng với mức gửi lỳ hạn 12 tháng trở lên, lãi suất hiện tại khoảng 5,5%-6,5%/năm, so với mức lạm phát 9 tháng khoảng 3,1% thì vẫn đang hưởng mức lãi suất thực dương.
Thêm vào đó, quan điểm về rủi ro, cân nhắc lợi ích tại mỗi thời điểm của mỗi chủ thể là không giống nhau, và vẫn có xu hướng dòng tiền nhàn rỗi chuyển từ tiết kiệm sang đầu tư sản xuất kinh doanh, chứng khoán, hay bất động sản, tuy vậy, yếu tố an toàn vẫn được đặt lên hàng đầu.
Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường ĐH Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm trên Đầu tư chứng khoán, dòng tiền nhàn rỗi vẫn chảy mạnh vào ngân hàng, nhất là khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm hiện đã giảm đến 3-4% so với thời điểm đỉnh cao quý III và quý IV năm ngoái.
Thực tế thị trường chứng khoán đã tăng trưởng trong thời gian qua nên không loại trừ tiền chảy qua chứng khoán.
Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, với dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán thì rất khó để có tăng trưởng bền vững, vì đây có thể là dòng tiền “đầu cơ” trong ngắn hạn, không phải nhà đầu tư nào cũng muốn mua cổ phiếu trong 4-5 năm để hưởng cổ tức mà chỉ chọn kênh đầu tư ngắn hạn.
Vấn đề tiếp theo, TS. Nguyễn Hữu Huân nhận định, trong thời gian thị trường chứng khoán tăng vừa qua, khối ngoại bán ròng, một phần là vì họ đã mua vào ở mức giá thấp trước đó và chênh lệch lãi suất giữa VND/USD không còn lớn như trước. Điều này tạo áp lực lên tỷ giá trong thời gian gần đây.
“Không chỉ chứng khoán mà ngay cả thị trường bất động sản cũng có dấu hiệu hồi phục nhẹ. Tuy nhiên, với thị trường bất động sản thì khi nào nhà đầu tư chốt lời từ thị trường chứng khoán mới chuyển vốn qua bất động sản”, chuyên gia lưu ý.
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Hữu Huân, lượng tiền chảy qua cả chứng khoán và bất động sản hiện chưa nhiều mà vẫn chủ yếu nằm trong các ngân hàng để đảm bảo tan toàn trước bối cảnh kinh tế khó khăn.
“Các kênh đầu tư chưa thực sự phục hồi”, TS. Nguyễn Hữu Huân nói và cho rằng đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thừa tiền tại các ngân hàng hiện nay.
Ngân hàng ồ ạt giảm lãi suất cho vay mua nhà, mua xe ô tô

Lãi suất tiết kiệm giảm mạnh

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm lao dốc từ 13-14%/năm giai đoạn đỉnh cao xuống còn trung bình 5-6%/năm hiện nay.
Ở nhóm quốc doanh, lãi suất tiết kiệm được giữ ổn định với mức cao nhất chỉ là 5,5%. Hôm 3/10, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng xuống còn 5,3%/năm.
Vietcombank cũng là ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm thấp nhất trong nhóm các nhà băng có vốn nhà nước.
Ở kỳ hạn 1 tháng, nhà băng này chỉ duy trì biểu lãi suất rất thấp (3%/năm). Ở kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất là 3,3%/năm, giảm 0,2 điểm phần trăm so với đợt điều chỉnh trước đó.
Tại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiết kiệm của Vietcombank cũng bị kéo giảm thyêm 0,2 điểm phần trăm, từ 4,5% xuống 4,3%/năm. Kỳ hạn 12 tháng được niêm yết giảm từ 5,5% xuống 5,3%/năm. Kỳ hạn 24 và 36 tháng mức lãi suất cũng giảm 0,2%, chỉ đạt 5,3%/năm.
3 ngân hàng còn lại là BIDV, Agribank và Vietinbank hiện vẫn duy trì biểu lãi suất cao nhất là 5,5%.
Ở nhóm tư nhân, biên độ điều chỉnh cũng được kéo giảm từ 0,1 – 1,4%/năm, tùy ngân hàng.
So với cùng kỳ tháng 9 năm ngoái, biểu lãi suất của hầu hết các nhà băng đều bị kéo giảm mạnh.
Lãi suất niêm yết cao nhất là tại ngân hàng Đông Á với kỳ hạn trên 13 tháng (7%/năm với tiền gửi online) và từ 12 tháng trở xuống, lãi suất cao nhất chỉ còn là 6,75%/năm.
GPBank, Techcombank, SeABank công bố biểu lãi suất từ 5,35%/năm-5,45%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, thấp hơn cả nhóm quốc doanh.
Đối với tiền gửi online 12 tháng trở lên, một số ngân hàng duy trì mức lãi suất từ 6%-6,6%/năm như SCB, HDBank, Bắc Á, Bảo Việt, VietBank, Oceanbank, SHB, LBBank, NCB, PVCombank.
Các nhà băng quy mô nhỏ hơn niêm yết mốc 6,8%/năm như Vietbank, PVBank, LPBank, DongABank.
Một ngân hàng Việt Nam bị rút tiền hàng loạt nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng kỷ lục

Tăng trưởng tín dụng vọt tăng

Thông tin tại hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hôm nay, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cập nhật cho biết, tính đến 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%.
Dù vậy, mức tăng này vẫn còn thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm và còn khá xa với định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15% của NHNN.
Ông Hà lưu ý, tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung. Trong đó, tính đến 31/7, tín dụng với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt trên 335.000 tỷ đồng, tăng 13,47% so với cuối năm ngoái, tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khoảng 44.700 tỷ đồng, tăng 16,09%.
Phó Thống đốc lưu ý, trong khi các kênh huy động vốn khác chưa thực sự hiệu quả nhất là thị trường vốn như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, đang tồn tại một số vấn đề nút thắt, chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, đã khiến nhu cầu vốn phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tạo áp lực cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế thông qua ngân hàng.
Dù vậy, từ nay đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ tăng do nhu cầu tín dụng đối với các ngành nghề doanh nghiệp kinh doanh sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ phục hồi, tiêu dùng được cải thiện và nỗ lực gỡ khó cho thị trường trái phiếu và bất động sản của Chính phủ đạt hiệu quả thiết thực.
Thảo luận