Tại Việt Nam, xuất khẩu phân bón đang có xu hướng giảm nhưng giá lại tăng. Đặc biệt, Campuchia vẫn là thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất của Việt Nam khi nhập khẩu tới 36% lượng phân bón xuất khẩu.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu urê, sự kiện Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc biển Đen có thể khiến giá phân bón tại Việt Nam diễn biến cùng pha tăng với thế giới.
Động thái từ Nga và Trung Quốc đẩy giá phân bón tăng
Số liệu mới từ Tổng cục Hải quan cho biết, Việt Nam xuất khẩu 91.756 tấn phân bón với trị giá 41,3 triệu USD trong tháng 9/2023, giảm 42% về lượng và 29,9% về trị giá so với tháng 8/2023.
So với cùng kỳ năm trước, lượng và trị giá xuất khẩu phân bón của Việt Nam giảm lần lượt 42% và 58%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 1,19 triệu tấn phân bón với kim ngạch 491 triệu USD, giảm 14% về lượng và 44% về trị giá so với cùng kỳ năm trước (YoY).
Về giá cả, nhà chức trách thống kê, giá phân bón xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 9 đạt 450 USD/tấn, tăng 21% so với tháng trước.
Giá phân bón tăng là do Trung Quốc hạn chế bán urê cho thế giới, Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc biển Đen.
Hồi đầu tháng 9, Trung Quốc yêu cầu một số doanh nghiệp tạm dừng xuất khẩu urê sau khi giá trong nước tăng vọt.
Trước đó, theo Bloomberg, một số nhà sản xuất phân bón lớn của Trung Quốc đã ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới từ đầu tháng này theo yêu cầu của Chính phủ và hạn chế này chỉ áp dụng đối với phân urê.
Lệnh hạn chế đã tác động lớn đến thị trường phân bón toàn cầu, do Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ urê hàng đầu thế giới, do đó, việc đưa hạn chế xuất khẩu phân urê có thể tạo ra nguy cơ thắt chặt nguồn cung và đẩy giá phân bón tăng cao. Các thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất của Trung Quốc hiện nay là Ấn Độ, Hàn Quốc, Myanmar, Australia.
“Cùng với việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu urê, sự kiện Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc biển Đen có thể khiến giá phân bón tại Việt Nam diễn biến cùng pha tăng với thế giới”, - ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) nhắc lại.
Ngoài Trung Quốc, Nga, một quốc gia thuộc top đầu về xuất khẩu phân bón là Morocco cũng vừa ghi nhận trận động đất mạnh nhất thế kỷ hôm 8/9. Sự kiện này được cho là sẽ tác động đến nguồn cung phân bón thế giới trong ngắn hạn.
Hiện Morocco sở hữu 70% sản lượng đá phốt pho của thế giới, có lợi thế về sản xuất phân bón, phân lân.
Dù vậy, theo chuyên gia, giá phân bón nói chung và urê nói riêng sẽ không thể cao như năm 2022, trừ khi xảy ra những tình huống bất ngờ như xung đột chính trị.
Campuchia mua nhiều phân bón từ Việt Nam
Về thị trường, Tổng cục Hải quan cho biết, Campuchia là thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất của Việt Nam với 438.704 tấn, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đó là Malaysia với 74.131 tấn, giảm 35% YoY; Hàn Quốc với 50.520 tấn, giảm 40% YoY.
Trong khu vực, Việt Nam còn đẩy mạnh xuất khẩu phân bón sang Myanmar với 32.601 tấn phân bón, giảm 39% YoY.
Việt Nam xuất sang Philippines với 48.101 tấn, giảm 32%; Thái Lan với 16.151 tấn, giảm 36%; Lào với 38.906 tấn, giảm 11%.
Ở chiều ngược lại, trong tháng 8, Việt Nam nhập khẩu hơn 472.283 tấn phân bón, tương đương 159 triệu USD, tăng 54% về lượng và tăng 85% về giá trị so với tháng 7.
Lũy kế 8 tháng, nhập khẩu phân bón đạt gần 2,5 triệu tấn, tương đương 833 triệu USD, tăng 13% về lượng nhưng giảm 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá phân bón nhập khẩu trong tháng 8 ở mức 338 USD/tấn, tăng 19% so với tháng 7 nhưng giảm 26% so với tháng 8/2022.
Nhiều biến động
Bình quân 9 tháng năm 2023, giá xuất khẩu phân bón đã giảm 35% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 416 USD/tấn.
Dữ liệu thống kê cho thấy xuất khẩu phân bón trong tháng 9 đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá urê thế giới có thể tăng trong những tháng cuối năm 2023 và thị trường nội địa của Việt Nam cũng diễn biến cùng pha.
“Ngoài ra tại Việt Nam, sản lượng sản xuất urê trong 6 tháng cuối năm thường cao hơn nửa đầu năm 5-12%, chủ yếu phục vụ cho vụ mùa Đông-Xuân”, - VDSC lưu ý cuộc đấu thầu phân bón tại Ấn Độ trong tháng 8 có thể tạo tâm lý tích cực trong ngắn hạn lên giá urê.
Bên cạnh đó, việc Brazil và Mỹ đang bước vào mùa gieo trồng có thể hỗ trợ giá phân bón.
Nhận định về tình hình hiện nay, Doanh nghiệp và Kinh doanh dẫn quan điểm của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, lượng phân bón xuất khẩu trong nửa cuối năm sẽ phục hồi nhờ Ai Cập – quốc gia xuất khẩu phân bón lớn đã cắt giảm lượng khí dành cho sản xuất urê.
Ngoài ra, việc Ấn Độ, thị trường tiêu thụ phân bón lớn đang có động thái tăng nhập khẩu urê cho mùa vụ cuối năm, tình hình sẽ được cải thiện.
Tại thị trường Việt Nam, BSC dự báo nhu cầu tiêu thụ 6 tháng cuối năm cải thiện hơn nhờ nhu cầu chăm bón trong mùa vụ Hè Thu tại khu vực miền Trung và Đông Xuân tại khu vực phía Bắc.
Ngoài ra, mặt bằng giá phân bón đã giảm về mức thấp so với các năm ngoái sẽ kích thích nhu cầu sản xuất của người dân, đặc biệt trong bối cảnh giá gạo neo ở mức cao như hiện nay.
Phát biểu mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho hay, mặc dù giá phân bón thời gian gần đây tăng nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cán cân cung-cầu phân bón trong nước vẫn đang ổn định.
Theo vị lãnh đạo, từ năm 2021, giá phân bón biến động nhiều lần và nếu so sánh với các mốc thời gian trước đây thì giá đã giảm rất sâu.
Đến nay, giá phân urê tháng 9/2023 giảm 32-45% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu so sánh với mức kỷ lục thiết lập hồi 4/2023, mức giá này thấp hơn hơn khoảng 50-60%, giá phân urê khoảng 9.900-11.200 đồng/kg. Giá phân DAP và kali cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoài mặc dù có ảnh hưởng bởi biến động từ các nước.
“Việt Nam vẫn đang chủ động được nguồn cung phân bón”, - đại diện Bộ Nông nghiệp lưu ý nhưng cũng nhấn mạnh quan điểm không thể chủ quan, lơ là.
Hiện tổng công suất thiết kế sản xuất phân bón của cả nước đạt khoảng 20,7 triệu tấn, trong đó phân bón vô cơ là 16,1 triệu tấn, hữu cơ là 4,6 triệu tấn và nhập khẩu khoảng 3-4 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ phân bón hàng năm là 10,4 triệu tấn/năm, trong đó, tiêu thụ phân bón vô cơ 7,6 triệu tấn/năm.
Thời gian tới, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ thực hiện loạt giải pháp để ngăn chặn tình hình đầu cơ tăng giá, ổn định thị trường phân bón.
Cục sẽ phối hợp với Hiệp hội phân bón, Bộ Công Thương để làm việc với các đơn vị sản xuất phân bón lớn, đặc biệt là 4 nhà máy sản xuất urê trong việc điều tiết sản xuất, nâng cao tính ổn định công suất sản xuất, đảm bảo nguồn cung trong nước, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung hay tăng giá.