Theo cơ quan thống kê Israel, nước này năm ngoái đã mua tổng lượng dầu thô trị giá 9,8 tỷ USD, nhưng dữ liệu về các nhà cung cấp cụ thể vẫn được giữ bí mật. Sputnik đã phân tích số liệu thống kê của 20 nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, kết quả có thể xác định được 5 nước bán loại nguyên liệu thô này cho Israel.
Cụ thể, Azerbaijan là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Israel vào năm ngoái - 1,7 tỷ USD. Đứng thứ hai là Brazil với 1,1 tỷ USD, thứ ba là Kazakhstan với giá trị xuất khẩu cho Israel là 777 triệu USD. Khối lượng cung cấp từ UAE đạt 645 triệu USD, từ Nigeria - 213 triệu USD. Tổng cộng có thể xác định được nguồn gốc của 4,4 tỷ USD tiền nhập khẩu dầu thô năm 2022 của Nhà nước Do Thái.
Theo cơ quan thống kê các nước, Anh, Canada, Colombia, Na Uy và Mỹ không cung cấp dầu cho Israel vào năm ngoái. Angola, Algeria, Iraq, Qatar, Oman và Ả Rập Saudi hoàn toàn không giao dịch với nước này. Venezuela, Iran và Nga không tiết lộ dữ liệu thương mại liên quan. “Điểm trắng” duy nhất là Mexico: quốc gia này năm ngoái không chính thức bán dầu cho Israel, nhưng trong số liệu thống kê có 86 triệu USD không ghi nhóm sản phẩm.
Cánh quân sự của phong trào Hamas ở Palestine ngày 7/10 bắt đầu Chiến dịch Lũ lụt Al-Aqsa bằng một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn chưa từng có vào Israel, sau đó chiến binh của phong trào này đã tiến vào các khu vực biên giới ở miền nam nước này. Để đáp trả, Lực lượng Phòng vệ Israel đã phát động Chiến dịch Thanh kiếm sắt chống lại Hamas ở Dải Gaza và tuyên bố phong tỏa hoàn toàn vùng lãnh thổ này: tạm đình chỉ việc cung cấp nước, thực phẩm, điện, thuốc men và nhiên liệu. Hôm thứ Tư, trong bối cảnh xung đột ngày càng leo thang, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian đã kêu gọi cấm vận xuất khẩu dầu sang Israel.
Hậu quả của lệnh cấm vận
Nguồn xuất khẩu nguyên liệu thô bí mật, theo các nhà phân tích được Sputnik phỏng vấn, một phần có thể là các nước châu Phi, chẳng hạn như Angola và Gabon. Dầu của Nga trước đây cũng được bán cho Israel khá nhiều và rất có thể giờ đây nước này cũng chưa dừng hẳn việc mua dầu từ nguồn này, ông Murad Sadygzade, giảng viên thỉnh giảng tại Khoa Nghiên cứu khu vực Quốc tế tại Trường Kinh tế cao cấp thuộc Đại học HSE cho biết.
Đồng thời, chuyên gia này cho rằng lệnh cấm vận cho dù xảy ra vẫn khó có thể ảnh hưởng quá nặng nề đến nền kinh tế nước này: một phần đáng kể các nhà cung cấp dầu cho Israel không phải là các nước trong khối Ả Rập.
"Ngoài ra, trên thị trường có rất nhiều loại dầu "không định danh" mà các bên trung gian bán cho Israel. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng lệnh cấm vận đối với Israel sẽ có tác động mạnh mẽ", - ông Sadigzade lưu ý.
Lệnh cấm vận dẫn đến một hậu quả thực tế hơn nhiều – đó là việc phân phối lại nguồn cung cấp dầu cho các nhà xuất khẩu khác, những nước sẽ vui mừng khi tăng được doanh số bán hàng của mình, giảng viên cấp cao tại Khoa Lý thuyết Kinh tế của Đại học Kinh tế Nga mang tên G.V. Plekhanov ông Khodzha Kava nhận định. Ví dụ theo chuyên gia này, Mỹ có thể lợi dụng tình hình đang trở nên nghiêm trọng hơn hiện nay. Ông cho rằng một trong những lý do dẫn đến sự hiện diện của hai tàu sân bay của Mỹ ngoài khơi Israel chính là để đảm bảo an ninh cho việc cung cấp dầu.