Tuy nhiên, theo đại diện Standard Chartered, triển vọng kinh tế trung hạn vẫn đầy hứa hẹn nhờ độ mở và ổn định kinh tế của Việt Nam.
Đáng chú ý, trước đó, báo cáo tại nghị trường Quốc hội hôm qua 23/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2023, quy mô GDP của nước ta ước đạt khoảng 435 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam
Ngày 24/10, Ngân hàng Standard Chartered công bố Báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam.
Theo đó, ngân hàng Standard Chartered đã hạ mức tăng trưởng GDP 2023 của Việt Nam xuống 5,0 %, từ mức 5,4% trước đó.
Điều này phản ánh dữ liệu kinh tế từ đầu năm cho đến nay thấp hơn mức kỳ vọng và triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đảm hơn.
Theo ngân hàng, để có thể đạt mức tăng trưởng GDP 5%, quý 4 Việt Nam phải tăng 7,0% và đây có thể vẫn là một thách thức.
"Mặc dù các chỉ số kinh tế vĩ mô đã được tạm thời cải thiện, thương mại vẫn chưa thấy tín hiệu phục hồi sản xuất rõ ràng", - Standard Chartered bày tỏ.
Tuy vậy, theo nhóm chuyên gia của ngân hàng Standard Chartered, các tín hiệu phục hồi trong nước vẫn tiếp tục và có khả năng tăng mạnh hơn nữa nhờ doanh số bán lẻ tăng mạnh.
Định chế tài chính này nhìn nhận, lĩnh vực xây dựng, lưu trú duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm đến nay, trong khi đó sản xuất đã bắt đầu mở rộng.
Thêm vào đó, các yếu tố triển vọng bên ngoài đang được cải thiện với thặng dư tài khoản vãng lai tăng lên 3,5% của GDP vào năm 2024 từ mức 2,0% vào năm 2023.
Standard Chartered dự báo lạm phát năm 2023 của Việt Nam được điều chỉnh tăng lên mức 3,4 % (so với trước đó là 2,8%).
Tỷ lệ lạm phát của quý 4 được dự báo ở mức 4,3% (so với trước đó là 2,7%) và có khả năng sẽ tăng cao hơn trong năm tới.
"Lạm phát có thể dẫn đến khả năng tìm kiếm lợi nhuận và gia tăng rủi ro bất ổn tài chính. Giáo dục, nhà ở, thực phẩm, chi phí vận chuyển là những nhân tố chính dẫn đến lạm phát gần đây", - báo cáo chỉ rõ.
Ngân hang Standard Chartered duy trì dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 ở mức 6,7% (6,2% trong nửa đầu năm và 6,9% trong nửa cuối năm).
Trong báo cáo mới công bố, Ngân hàng HSBC cũng nâng dự báo lạm phát bình quân của Việt Nam năm nay lên 3,4%, cao hơn mức cũ 2 điểm phần trăm (nhưng vẫn dưới mức mục tiêu 4,5%). HSBC lưu ý, đà lạm phát đã tăng nhanh trong hai tháng qua, được xem là rủi ro gia tăng đáng kể.
Trong khi đó, cập nhật từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, lạm phát toàn phần của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh kể từ tháng 6, tăng 1,13% và đạt 3,7% trong tháng 9 (tức tăng 0,7 điểm phần trăm so với tháng 8).
"Lạm phát tiếp tục được thúc đẩy bởi giá lương thực, thực phẩm và nhà ở; ngoài ra còn có thêm áp lực từ việc tăng giá năng lượng và giáo dục", - WB lưu ý về lạm phát của Việt Nam.
Lạm phát cơ bản giảm từ 4% trong tháng 8 xuống còn 3,8% trong tháng 9. Tuy nhiên, số liệu cho thấy, bình quân 9 tháng vẫn ở mức cao, tăng 4,49% so với cùng kỳ 2022 và cao hơn mức tăng CPI bình quân chung. Do đó, WB cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ xu hướng lạm phát tăng mạnh.
Triển vọng của Việt Nam đầy hứa hẹn
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nhận định:
"Triển vọng kinh tế trung hạn vẫn đầy hứa hẹn nhờ độ mở và ổn định kinh tế của Việt Nam".
Tuy nhiên, chuyên gia Tim Leelahaphan lưu ý, để thu hút FDI, Việt Nam cần khôi phục lại mức tăng trưởng GDP nhanh chóng và phát triển cơ sở hạ tầng.
Báo cáo mới của WB cũng lưu ý đến việc Việt Nam phải cải thiện thêm môi trường kinh doanh, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thu hút nguồn FDI có giá trị cao.
World Bank nhấn mạnh, Việt Nam cần tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công để hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
"Một danh mục đầu tư chiến lược, được chuẩn bị kỹ lưỡng cho năm 2024 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn tiếp theo với trọng tâm là cơ sở hạ tầng xanh, hạ tầng liên vùng sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế dài hạn", - WB khuyến nghị.
Đánh giá về thị trường bất động sản Việt Nam, đại diện Standard Chartered cho rằng, có thể cần hỗ trợ thêm về thanh khoản vì các biện pháp cho đến nay mới chỉ hỗ trợ giảm áp lực trả nợ ngắn hạn.
"Lãi suất thấp, các dự án mới được phê duyệt và tâm lý người mua cải thiện có thể hỗ trợ thị trường", - ông Tim Leelahaphan nhận định.
Liên quan đến thị trường bất động sản Việt Nam, hôm nay Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục có các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan tới pháp lý, giao đất, xác định giá đất, thị trường vốn, thủ tục hành chính, việc phân cấp, phân quyền nhằm tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Nhân dân tệ suy yếu đẩy tỷ giá USD-VND tăng cao hơn
Theo báo cáo của Standard Chartered, dòng chảy đầu tư tăng tốc nhanh trong những quý gần đây.
Standard Chartered cũng điều chỉnh dự báo tỷ giá USD-VND sẽ đạt mức 24.500 vào cuối năm 2023 (so với mức 23.400 trước đó) và ở đạt mức 23.500 (so với 23.000 trước đó) cho đến cuối năm 2024.
Đáng chú ý, theo các chuyên gia của Standard Chartered, việc đồng nhân dân tệ CNY suy yếu đã đẩy tỷ giá USD-VND tăng cao hơn, mặc dù trễ.
Đối với chính sách điều hành, Ngân hàng Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ không cắt giảm lãi suất thêm nữa.
Standard Chartered kỳ vọng mức tăng 50 điểm cơ bản trong quý 4 năm 2024 và duy trì trong năm 2025, nhằm hạn chế áp lực giá.
Quy mô GDP Việt Nam ước đạt 435 tỷ USD năm 2023
Báo cáo trước Quốc hội hôm qua 23/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã nỗ lực, đưa ra nhiều giải pháp để tăng trưởng GDP năm nay đạt trên 5% (mức này thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao (6,5%). Lạm phát khoảng 3,5-4%. Việt Nam vẫn tập trung vào 3 động lực tăng trưởng, gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, như Sputnik đề cập trước đó.
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý, qua năm 2024, kinh tế dự báo vẫn chịu tác động tiêu cực kép, thách thức nhiều hơn. Chính phủ đặt mục tiêu GDP năm 2024 tăng 6-6,5%, thu nhập bình quân đầu người 4.700-4.730 USD và lạm phát 4-4,5%.
Thủ tướng báo tin vui, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Cùng với đó, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Đáng chú ý, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trước Quốc hội cho biết: “Năm 2023, quy mô GDP của nước ta ước đạt khoảng 435 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới”.