Mặt hàng Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 6 thế giới

Việt Nam đang là quốc gia nhập khẩu bông lớn thứ 3 thế giới với sản lượng tiêu thụ 1,5 triệu tấn/năm.
Sputnik
Việt Nam cũng là quốc gia xuất khẩu xơ sợi đứng thứ 6 thế giới đồng thời là nhà xuất khẩu hàng dệt may thứ 3 toàn cầu sau Trung Quốc và Bangladesh.

Xuất khẩu xơ sợi thứ 6 thế giới

Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, hết quý 3/2023, xuất khẩu xơ sợi Việt Nam thu về 3,2 tỷ USD với hơn 1,3 triệu tấn hàng xuất khẩu ra nước ngoài, tăng 9,3% về lượng dù giảm 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trước đó, năm 2022 xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 44,5 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021 và xuất khẩu xơ sợi dệt các loại đạt 2,54 tỷ USD, giảm nhẹ 4,3% về lượng và giảm 0,2% về trị giá so với năm 2021.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu xơ sợi đứng thứ 6 thế giới đồng thời là nhà xuất khẩu hàng dệt may thứ 3 thế giới – chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh.
Riêng về thị trường, cơ quan Hải quan cho biết, trong tháng 9, xuất khẩu xơ sợi sang Trung Quốc đạt 77.459 tấn với trị giá hơn 203 triệu USD, giảm 18,8% về lượng và giảm gần 20% so với tháng 8/2023.
Nga tăng mua hàng dệt may Việt Nam, Mỹ đã giảm tồn kho
Tính chung trong 9 tháng đầu năm, Trung Quốc là nhà nhập khẩu xơ sợi lớn nhất của Việt Nam.
Theo đó, xuất khẩu xơ sợi sang thị trường Trung Quốc 647.862 tấn xơ sợi và thu về hơn 1,71 tỷ USD, tăng 18,1% về lượng nhưng giảm 2,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu đạt 2.652 USD/tấn, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Tiếp đó là Hàn Quốc. Thị trường này tăng cả về lượng lẫn giá trị trong tháng 9. Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 9/2023, xuất khẩu xơ sợi sang Hàn Quốc đạt 10.898 tấn với trị giá hơn 30 triệu USD, tăng 0,6% về lượng và tăng 2,8% về trị giá so với tháng 8/2023.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu xơ sợi sang thị trường này đạt 101.880 tấn và thu về hơn 284 triệu USD, giảm 5,78% về lượng và giảm 24,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 2.788 USD/tấn, giảm 19,65% so với cùng kỳ năm 2022.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của xơ sợi Việt Nam. Theo đó, 9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 75.483 tấn xơ sợi với trị giá hơn 108 triệu USD, giảm 13,8% về lượng và giảm 29,4% về trị giá so với cùng kỳ.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.443 USD/tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn một nửa so với giá xuất khẩu sang Trung Quốc hay Hàn Quốc.

Nhà nhập khẩu bông lớn thứ ba thế giới

Việt Nam đang là quốc gia nhập khẩu bông lớn thứ 3 thế giới với sản lượng tiêu thụ 1,5 triệu tấn/năm.
Dân Mỹ ít đến công sở, ngành tỷ đô Việt Nam căng thẳng
Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, nhập khẩu bông các loại về Việt Nam trong tháng 9/2023 đạt 108.516 tấn với trị giá hơn 220 triệu USD, giảm 11% về lượng và giảm 10,1% về trị giá so với tháng trước đó.
Hết quý 3, Việt Nam đã nhập khẩu 989.235 tấn bông với trị giá hơn 2,1 tỷ USD, giảm 6,8% về lượng và giảm 28,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá nhập khẩu bình quân đạt 2.160 USD/tấn, giảm 23% so với cùng kỳ.
Hiện, Mỹ và Australia là hai nước cung cấp bông nhiều nhất cho Việt Nam. Tính trong tháng 9/2023, Việt Nam đã nhập khẩu 12.723 tấn bông từ Mỹ với trị giá hơn 29 triệu USD, giảm 54,2% về lượng và giảm 46% về trị giá so với tháng 8/2023.
Hết quý 3, Việt Nam đã chi hơn 832 triệu USD nhập khẩu 378.973 tấn bông từ Mỹ, tăng 6,28% về lượng nhưng giảm 29,95% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá nhập khẩu bình quân đạt 2.196 USD/tấn, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng trong tháng 9, Việt Nam nhập khẩu 66.261 tấn bông từ Úc với trị giá hơn 139 triệu USD, tăng 6,54% về lượng và tăng 5,24% về trị giá so với tháng trước đó. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Úc xuất khẩu 300.816 tấn bông sang Việt Nam, thu về hơn 668 triệu USD, tăng 39% về lượng và tăng 2,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá nhập khẩu bình quân đạt 2.221 USD/tấn, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022.
Thông tin từ Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết, ngành bông toàn cầu đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể cả về sản xuất và tiêu thụ, theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA).
Sản lượng sản xuất bông sụt giảm tháng thứ hai liên tiếp, với mức giảm mạnh hơn 4,4 triệu kiện so với dự báo trước đó. Sản lượng giảm ở các khu vực như Tây Phi, Hoa Kỳ, Hy Lạp, Mexico và Ấn Độ đã làm lu mờ sự gia tăng sản lượng ở Brazil.
Trong khi đó, dự báo tiêu thụ cũng giảm 1,1 triệu kiện, chủ yếu do nguồn cung giảm tại các quốc gia tiêu thụ lớn như Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, mức tiêu thụ dự kiến vẫn cao hơn năm trước 5 triệu kiện.
Dự báo thương mại toàn cầu đã được điều chỉnh giảm khoảng 600.000 kiện, xuống còn 43,3 triệu kiện, phản ánh mức tiêu thụ giảm ở các nước nhập khẩu lớn như Bangladesh và Việt Nam. Riêng tại Hoa Kỳ, dự báo xuất khẩu bông chỉ đạt 12,3 triệu kiện, mức thấp nhất trong 8 năm. Sự sụt giảm này là kết quả của việc nguồn cung giảm nhẹ.
Đáng chú ý, tồn kho cuối kỳ trên toàn cầu dự kiến sẽ giảm hơn 1,6 triệu kiện xuống còn 90 triệu kiện. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn do lượng tồn kho ban đầu giảm và sự điều chỉnh giảm sản lượng so với mức tiêu thụ.
Nhập khẩu ảm đạm, 10 nhóm hàng Việt Nam giảm hàng tỷ đô

Các nhà máy khởi sắc

Ghi nhận trong nửa đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu sợi và khăn của Dệt sợi Damsan sang thị trường Trung Quốc và Nhật Bản đã tăng 2,6 lần so với nửa cuối năm 2022, đạt khoảng 5.600 tấn.
Dệt sợi Damsan cho biết lượng đơn hàng hiện tại đã đủ chạy hết công suất cho đến cuối quý 3/2023. Trong khi đó, doanh thu xuất khẩu trên tổng doanh thu của Sợi Thế kỷ đã tăng lên mức 53% trong 6 tháng đầu năm nay, so với mức 52% trong năm 2022.
Về triển vọng kinh doanh của Dệt sơi Damsan, việc nhà máy sợi An Ninh đi vào hoạt động trong quý 2/2023 đã giúp doanh nghiệp này lọt vào top 5 các doanh nghiệp sản xuất sợi và khăn lớn nhất toàn quốc.
Doanh nghiệp đang sở hữu 3 nhà máy với tổng công suất thiết kế đạt 14.000 tấn/năm đối với sợi CD32 và 3.000 tấn/năm đối với khăn.
Riêng với Sợi Thế kỷ, nhà máy sợi Unitex giai đoạn 1 dự kiến sẽ vận hành thương mại trong quý 1/2024, giúp nâng tổng công suất của Sợi Thế kỷ lên 96.000 tấn/năm nhằm đón đầu nhu cầu tăng trưởng cho sợi tái chế và sợi nguyên sinh, tại cả thị trường xuất khẩu và nội địa.
Dự kiến khi Nhà máy Unitex được hoàn thiện vào năm 2025, Sợi Thế kỷ sẽ trở thành nhà sản xuất sợi lớn thứ hai trên cả nước.

Thị trường Mỹ và Trung Quốc phục hồi tốt

Bất chấp những khó khăn trên thị trường toàn cầu, về cơ bản, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xơ sợi Việt Nam nửa đầu năm nay đã có dấu hiệu được cải thiện rõ rệt.
Đặc biệt là giá nguyên liệu cotton đã giảm đáng kể so với giai đoạn nửa đầu năm 2022 và nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng trở lại.
Theo báo Chính phủ dẫn lời ông Cao Hữu Hiếu, thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, xu hướng thị trường quý 4/2023 có những chuyển biến tích cực khi Fed không tăng lãi suất trong tháng 9 mà lùi xuống cuối năm.
Đáng chú ý, thị trường Mỹ và Trung Quốc phục hồi tốt, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của 2 thị trường này đều trên 50 điểm (cao hơn mức dự báo).
Lạm phát EU tháng 9 giảm 4,3% và tháng 9/2023 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trung Quốc áp lệnh 259, Việt Nam không bị động
“Riêng với ngành sợi, giá bông đưa vào sản xuất quý 3 và 4/2023 hiện đã tiệm cận giá thị trường và ở mức thấp hơn so với 6 tháng đầu năm giúp ngành sợi có hiệu quả hơn”, ông Hiếu cho hay.
Lãnh đạo Vinatex thông tin thêm, thị trường năm 2024 có nhiều khả năng cải thiện nhu cầu hơn năm 2023, mặc dù mức cải thiện nhỏ (tổng cầu năm 2024 dự kiến vẫn thấp hơn năm 2022 từ 5-7%) và ngành sợi có thể có những diễn biến bất ngờ do áp dụng chính sách chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, Vinatex vẫn đưa ra kịch bản ngành sợi năm 2024 tăng 10% so với năm 2023 do tỉ lệ huy động thiết bị tăng lên trên nền giá bông dự báo từ 2,5-2,6 USD/kg.
Thêm vào đó, nhu cầu cho các mặt hàng ngành dệt may thông thường sẽ tăng cao vào quý cuối năm để phục vụ cho các dịp lễ hội, do đó hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp xơ sợi được kỳ vọng sẽ sôi động hơn.
Thảo luận