Đó là ý kiến do GS Andrei Baklanov từ Khoa Nghiên cứu khu vực nước ngoài của trường Kinh tế Cấp cao nêu ra với Sputnik.
Lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ
Trước đó, khi phát biểu tại một cuộc biểu tình quy mô lớn ở Istanbul bày tỏ sự ủng hộ Palestine, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng Ankara chuẩn bị công bố Israel là "tội phạm chiến tranh".
Sau đó, cơ quan báo chí của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đưa ra tuyên bố, trong đó Iran cáo buộc Israel đã vượt qua "lằn ranh đỏ".
"Hiện thời đây chỉ là những phát ngôn hùng biện khoa trương. Cả hai nước đang làm mọi cách để không dính líu đến những sự kiện này. Can dự là khá nguy hiểm. Có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực nghiêm trọng đối với mỗi nước. Vì vậy, hiện tại họ chỉ giới hạn trong những tuyên bố", - chuyên gia Baklanov nhận xét.
GS Baklanov cho rằng Tổng thống Erdogan đưa ra tuyên bố như vậy chủ yếu là hướng tới thế giới Hồi giáo.
Vai trò và hướng đi có thể của Iran
Theo quan điểm của ông, chính Tehran mới có thể tác động đáng kể hơn cả đến diễn biến sự kiện trên bình diện quân sự.
"Iran có tiềm năng lớn hơn nhiều. Thổ Nhĩ Kỳ bị ràng buộc chặt chẽ bởi những nghĩa vụ tập thể trước Hoa Kỳ theo tuyến NATO", - GS Baklanov nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng bản thân Iran không muốn can dự vào cuộc xung đột Palestine-Israel hiện nay.
"Họ không quảng bá nhiều, nhưng điều quan trọng thiết yếu đối với họ là phải thoát khỏi cảnh cô lập, thoát khỏi lệnh trừng phạt và kết bạn với tất cả các nước, kể cả Hoa Kỳ. Nhưng mọi chuyện không diễn ra theo cách đó; sự phát triển sự kiện và lập trường của ban lãnh đạo Hoa Kỳ đương nhiệm cản trở việc phát triển các kế hoạch có tính chất chính trị-hòa bình", - GS Baklanov giải thích.
Theo lời ông, trong điều kiện như vậy, Tehran có thể áp dụng những biện pháp bắt buộc, nhưng hiện thời vẫn chưa biết ban lãnh đạo Iran sẵn sàng đi xa đến đâu.