Dường như cơ duyên tiền định
«Tiếng Nga với tôi không phải chỉ là chuyên ngành người ta học để có một nghề. Tiếng Nga với tôi là số phận. Tôi học tốt toán, lý và mơ trở thành kỹ sư chế tạo máy bay. Nhưng ... tháng 7/1954 ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương, thì 1 tháng sau, 10 giờ đêm, trường tập hợp toàn bộ Thiếu sinh quân, nghe đọc lệnh cử 100 người sang Liên Xô học cấp tốc tiếng Nga để về làm phiên dịch giúp chuyên gia kiến thiết lại đất nước bị cuộc chiến tranh chống Pháp tàn phá. May mắn cho tôi là tôi đã được thụ giáo những Thầy Cô giáo tiếng Nga tuyệt vời như Liubov Kuzminichna Kim, Ekaterina Stepanovna Fetisova, Emma Solomonovna Lamm, Sofia Leonidovna Korchikova. Họ đã truyền cho tôi tình yêu tiếng Nga, thơ văn Nga, ca khúc Nga... Có thể nói rằng tôi nên người như hôm nay nhờ được hấp thụ hai nền văn hóa: truyền thống văn hóa Việt của gia tộc 8 đời liên tục là nhà giáo (từ đầu thế kỷ XVIII) và nền văn hóa Nga nhân văn, tiên tiến. Có 62 năm trong 85 năm sống trên đời này tôi dành trọn vẹn cho tiếng Nga và văn học Nga. Ngót nửa thế kỷ sau, nghiên cứu lịch sử giảng dạy tiếng Nga ở Việt Nam, tôi phát hiện điều thú vị là chính cha tôi, GS Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Giáo dục trong Chính phủ Nhân dân lâm thời, ngày 3/11/1945 đã là người ký nghị định đưa tiếng Nga vào chương trình đại học của Viêt Nam. Chẳng phải tiền định đó sao?», ông Vũ Thế Khôi chia xẻ.
Ở Việt Nam sẽ dịch các tác phẩm văn học Nga đương đại
«Đúng, từng có một thời, những năm 60 – 80 của thế kỷ trước, tiếng Nga và văn học Nga từng "ngự trị" trên văn đàn Việt Nam, – ông Vũ Thế Khôi nói. – Thì cũng từng có thời thơ Đường luật, rồi có thời thơ lãng mạn Pháp đã "ngự trị".... Đó là tất yếu tự nhiên của thời cuộc! Bây giờ thì tôi thiết nghĩ: tất cả phụ thuộc vào múc độ hợp tác hiệu quả giữa LB Nga và Việt Nam, tương tác lẫn nhau để cùng phát triển. Còn hiện tượng thanh niên ít đọc sách thì đó là hội chứng toàn cầu. Thế hệ @ mà! Họ có những đam mê khác mà các phương tiện truyền thông hiện đại đáp ứng nhanh gọn hơn. Nhưng tôi tin rằng sách hay vẫn có độc giả. Tuyển tập “A.Pushkin. Thơ. Kỵ sĩ đồng” do tôi dịch và giới thiệu, Thế Giới in năm 2019, đến nay đã khó tìm trong các hiệu sách. Tuyển tập truyện ngắn và truyện vừa cuả Andrei Platonov “Bình minh niên thiếu mù sương”, do tôi tuyển chọn và giới thiệu, Nhà xuất bản Văn học in năm 2021, bây giờ vẫn có người gọi đến hỏi: mua ở đâu? Trung tâm Văn hóa & Ngôn ngữ Đông – Tây vừa phục hồi hoạt động sau 7 năm gián đoạn (2016–2023), đã bầu tôi làm Chủ tịch Hội đồng Khoa học, quyết định tìm nguồn tài trợ cho việc tiếp tục giới thiệu văn học Nga, chú trọng đương đại», dịch giả Vũ Thế Khôi thông báo.
Thi sĩ Dagestan được mến yêu ở Việt Nam
«Nhà thơ Rasul Gamzatov từ đầu những năm 80 thế kỷ trước đã nổi tiếng ở Việt Nam với tác phẩm “Dagestan của tôi” do TS Phan Hồng Giang và nhà thơ Bằng Việt chuyển ngữ. Sách được tái bản năm 2016 ở Nhà xuất bản Kim Đồng. Thơ của Rasul Gamzatov hóm hỉnh mà sâu sắc, cũng được yêu thich và dịch nhiều ở Việt Nam, trong số dịch giả có đồng đội Thiếu sinh quân và đồng môn Đại học Sư phạm Lenin Hoàng Thúy Toàn và cô học trò tiếng Nga của tôi từ năm lớp 7, nay là TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh. Ca khúc "Đàn sếu" mỗi dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 lại vang lên trên đất Việt. Trình diễn rất thành công ca khúc này là 2 giảng viên Khoa Tiếng Nga của tôi - TS Lê Văn Nhân và nhạc sĩ Phan Văn Bích, tiếc thay! - đều mất sớm. Với đặc điểm đậm chất thông thái triết lý phương Đông, Rasul Gamzatov rất gần gũi với tâm hồn Việt. Tôi (và có lẽ không ít người ở Việt Nam) hoàn toàn đồng cảm với tâm sự này của Rasul Gamzatov: «Không có tiếng Nga, tôi như mất đi đôi cánh», ông Vũ Thế Khôi kết luận.
Đường dài lâu, gian khổ cũng rất nhiều
Nhưng anh hiểu, khó và dài hơn hết
Là con đường ta vẫn gọi: Tình yêu.
Ừ thì biết đường tình là không ngắn
Nhưng không ai thiếu nó sống yên lành
Ừ thì biết khó khăn là vô tận
Nhưng lại đầy cám dỗ cuốn lòng anh.
Anh cứ nghĩ rằng anh, thật lạ
Chỉ trẻ khi đi trên vĩnh cửu đường này
Anh từng vấp, đã và đang sẽ ngã
Nhưng ngã rồi, lại dậy, bước đi ngay…
Và anh chắc không bao giờ lạc lối
Vì phía trước anh là em vẫy gọi.