Tạp chí Tài chính của Bộ Tài chính dẫn ý kiến của ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán KB (KBSV) cho rằng, kịch bản NHNN phải bán dự trữ ngoại hối là điều khó xảy ra, trừ phi những động thái của Fed trong kỳ họp tháng 11 đi ngoài tầm kiểm soát.
Tỷ giá USD/VND
Tỷ giá hiện vẫn neo khá cao. Tuần qua, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố giảm 13 đồng.
Trong phiên hôm thứ Sáu, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.084 VND/USD. Với biên độ +/- 5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng là 25.288 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.879 VND/USD.
Hôm nay, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), ghi nhận ở mức 105,29 điểm. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất khiến đồng bạc xanh có chiều hướng đi xuống.
Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại của Việt Nam đang được niêm yết quanh mức 24.415- 24.715 VND/USD (mua vào - bán ra) như ở ngân hàng BIDV. Cả tuần USD giảm 5 đồng ở chiều mua vào và bán ra.
Trong khi đó, giá đồng USD được Vietcombank niêm yết ở mức 24.320 - 24.690 VND/USD (mua vào - bán ra). Tuần qua, giá đồng USD tại ngân hàng này giảm 40 đồng ở chiều mua vào và bán ra.
Tỷ giá USD chợ đen hôm nay 5/11 ở mức 24.320 - 24.690 đồng (mua - bán).
Tỷ giá phụ thuộc nhiều yếu tố
Giới chuyên môn cho rằng, từ nay đến cuối năm, sức ép tỷ giá lên công tác điều hành chính sách tiền tệ vẫn còn.
TTXVN dẫn phân tích của TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tỷ giá của Việt Nam không chỉ ảnh hưởng bởi quyết định về lãi suất của Fed mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác.
Theo chuyên gia, tỷ giá USD/VND còn phụ thuộc vào giá cả các loại hàng hoá cơ bản, như giá dầu có xu hướng tăng bởi tình hình bất ổn ở khu vực Trung Đông.
Yếu tố nữa là sự chênh lệch giữa lãi suất giữa VND và USD.
“Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đang cố gắng giảm chênh lệch lãi suất thông qua phát hành tín phiếu hút tiền về. Giải pháp này cũng đã phát huy hiệu quả, nhưng chênh lệch lãi suất vẫn còn. Nhu cầu nhập hàng nhiều vào cuối năm để phục vụ sản xuất kinh doanh dịp lễ, Tết cũng sẽ gây áp lực lên tỷ giá”, - TS. Nguyễn Hữu Huân bình luận.
Chuyên gia đánh giá, sức ép lên tỷ giá những tháng cuối năm là khá lớn. Nhưng áp lực này chủ yếu do yếu tố mùa vụ nhiều hơn nên phải chấp nhận mức độ giảm giá VND tương đối trong ngắn hạn.
TTXVN cũng dẫn lời chuyên gia trong ngành nhận định, nếu cứ cố neo giữ VND ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, hàng hóa của Việt Nam đắt hơn so với các nước, khó cạnh tranh. Do đó việc đồng VND có giảm giá thêm từ nay đến cuối năm cũng là chuyện bình thường.
“Bởi rất nhiều đồng tiền của các quốc gia lớn đang giảm giá rất mạnh lên đến hai con số so với đồng USD”, - TS. Nguyễn Hữu Huân lưu ý.
Ngân hàng Nhà nước đủ lực ổn định tỷ giá và lãi suất
Báo Đầu tư dẫn phân tích của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, dù rủi ro với tỷ giá và lãi suất vẫn còn nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn còn đủ các công cụ để duy trì tình trạng ổn định của tỷ giá và lãi suất.
Theo Chứng khoán ACB, ở đây có thể kể tới nguồn cung tương đối dồi dào từ các hoạt động xuất nhập khẩu, FDI, FII và kiều hối. Trong khi đó, áp lực trả nợ nước ngoài không tăng đột biến.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thặng dư 21,6 tỷ USD, dịch vụ thâm hụt 6,7 tỷ USD, vốn FDI giải ngân 15,9 tỷ USD, lượng kiều hối 9-10 tỷ USD.
Báo cáo mới nhất mà Sputnik thông tin trước đó, thì theo Bộ Công Thương, 10 tháng qua, Việt Nam đã xuất siêu 10 tháng đạt hơn 24,6 tỷ USD, mức cao nhất 5 năm.
“Xuất siêu góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và hỗ trợ cán cân thanh toán quốc tế”, - Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Các chuyên gia của ACBS cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có 2 giải pháp trong ngắn hạn.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước sẽ để số dư tín phiếu đáo hạn và dòng tiền quay trở lại thị trường liên ngân hàng. Từ đó, thanh khoản và lãi suất thị trường liên ngân hàng hạ nhiệt. Mục đích cuối cùng đó là lãi suất liên ngân hàng ở mức cao, gần với mức lãi suất huy động thị trường 1 các kỳ hạn 1-3 tháng, nhưng không tạo ra cuộc đua tăng lãi suất trên thị trường 1.
Thứ hai, trong trường hợp công cụ điều tiết thanh khoản thông qua tín phiếu không phát huy tác dụng, tỷ giá vẫn tăng nóng, và lãi suất vẫn ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét sử dụng phương án bán kỳ hạn USD kỳ hạn 3-6 tháng và cho phép các ngân hàng hủy ngang.
Các giải pháp trên đây có thể linh hoạt phối hợp và sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống cũng như cung cầu USD trong quý IV này.
Trong trường hợp tăng trưởng tín dụng có thể bứt phá lên vào quý cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước thậm chí có thể xem xét tới việc bổ sung thanh khoản thông qua kênh OMO.
Khó có kịch bản phải bán dự trữ ngoại hối
Tạp chí tài chính dẫn ý kiến của ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán KB (KBSV) cho hay, hoạt động hút tiền qua kênh tín phiếu của NHNN thời gian qua là đủ để duy trì tỷ giá ổn định.
“Kịch bản NHNN phải bán dự trữ ngoại hối là điều khó xảy ra, trừ khi những động thái của Fed trong kỳ họp tháng 11 tới đi ngoài tầm kiểm soát”, - chuyên gia nêu quan điểm.
Chuyên gia phân tích, Ngân hàng Nhà nước có nhiều cấp độ để điều hành tỷ giá. Hiện tại, NHNN đang hút tiền qua kênh tín phiếu. Cấp độ tiếp theo là bán ra ngoại tệ và cuối cùng là nâng lãi suất điều hành. Mặc dù vậy, trong bối cảnh Chính phủ đang định hướng hỗ trợ nền kinh tế, DXY cũng có dấu hiệu hạ nhiệt, việc đảo chiều chính sách là không hợp lý.
Về tình hình hiện tại, ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, mặt bằng lãi suất hiện nay vẫn phù hợp với nền kinh tế Việt Nam. Tạp chí Tài chính của Bộ Tài chính dẫn lời chuyên gia này cho rằng, không chỉ riêng Việt Nam mà tỷ giá ở nhiều nền kinh tế phát triển, kể cả châu Âu cũng rất căng thẳng.
Ông Phạm Xuân Hòe khẳng định, VND năm nay mất giá khoảng 4% so với USD vẫn là mức chấp nhận được. Như vậy, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam mới được cải thiện.
“Cán cân thương mại Việt Nam hiện vẫn đang thặng dư, NHNN vẫn có thể mua USD để tăng dự trữ quốc gia. Dòng vốn FDI đăng ký có suy giảm nhưng giải ngân thực tế lại tăng. Đây là những điểm sáng, củng cố niềm tin vào khả năng điều hành tỷ giá của NHNN. Vì vậy, sự mất giá của VND chưa có gì đáng lo ngại”, - chuyên gia Phạm Xuân Hoè tin tưởng.