Trước đó, Tổng thống Moldova Maia Sandu cho biết Chisinau sẽ hỗ trợ Ukraina xuất khẩu ngũ cốc như một phần của sáng kiến “hành lang đoàn kết”. Vào tháng 9, Moldova và Ukraina cũng nhất trí gia hạn hiệp định tự do hóa vận tải hàng hóa đến cuối năm 2025; quyết định này được thông qua sau cuộc họp của ủy ban phối hợp Moldova - Ukraina về vận tải đường bộ quốc tế. Cũng trong tháng 9 Chisinau, Bucharest và Kiev đã đồng ý tối ưu hóa các quy trình qua lại biên giới thông qua việc kiểm soát hải quan chung tại khu vực cửa khẩu Moldova - Ukraina và một điểm điều phối thông quan trên biên giới Moldova - Romania. Cần lưu ý rằng các biện pháp như vậy sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ của ba nước.
"Những hàng xe tải dài dằng dặc phải chờ tới bảy ngày ở phía nam Moldova gần cảng sông Giurgiulesti đã chặn đường lưu thông hàng hóa của nông dân Moldova xuất khẩu vụ thu hoạch hướng dương của họ. Các hãng vận tải ngũ cốc Ukraina cũng sử dụng tuyến đường tương tự. Hải quan Romania không thể đối phó được với dòng xe tải Ukraina, vì vậy phần lớn thời gian chờ đợi diễn ra bên phía Moldova”, - cổng thông tin trực tuyến g4media.ro lưu ý.
Trang tin dẫn lời một tài xế Ukraina phàn nàn rằng trong 4 ngày chiếc xe chở đầy ngũ cốc của anh ta chỉ di chuyển được 600 mét.
Tình trạng bên phía biên giới Moldova đã có từ hồi tháng 9, bà Mailin Aasmäe, nhân viên quan hệ công chúng tại Phái bộ Hỗ trợ biên giới của Liên minh Châu Âu giải thích.
"Thời gian chờ đợi trung bình đã tăng gần gấp đôi kể từ tháng 9 - từ 137 lên 269 giờ. Đây là tình trạng chưa từng có đối với trạm kiểm soát biên giới Giurgiulesti. Chỉ riêng trong tháng 10 đã có 1.307 xe tải chất đầy hàng hóa vượt qua biên giới Moldova-Ukraina ở cửa khẩu Reni Giurgiulesti. Không rõ khi nào cuộc khủng hoảng này mới kết thúc”, - bà Aasmäe nói.
Theo Bộ Kinh tế Moldova, xe tải mất trung bình từ 5 đến 7 ngày để xếp hàng chờ qua biên giới, trang tin viết. Ở Romania ngũ cốc được chuyển đến cảng Constanta và từ đó được vận chuyển đi khắp thế giới bằng tàu chở hàng.
Vào ngày 15 tháng 9, Ủy ban Châu Âu đã quyết định không gia hạn các quy định hạn chế nhập khẩu 4 mặt hàng nông sản Ukraina vào một số quốc gia EU có biên giới với nước này, nhưng buộc Kiev phải đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Sau đó chính quyền Slovakia, Hungary và Ba Lan tuyên bố đơn phương gia hạn lệnh cấm.
Vào tháng 6 các nhà hoạt động kinh tế nông nghiệp Moldova đã xuống đường biểu tình để thu hút sự chú ý của chính quyền về các vấn đề của họ. Họ lên tiếng đòi giảm thuế VAT đối với ngũ cốc, yêu cầu hạn chế nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraina và muốn tiếp cận các quỹ châu Âu hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp cũng như gia tăng quỹ phát triển nông nghiệp quốc gia.