Chuyên gia: TP.HCM không nên tham lam, làm metro phải đâu ra đó

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, TP.HCM không nên ham làm quá nhiều tuyến metro, mà phải tập trung làm tuyến nào ra tuyến đó.
Sputnik
Thực tế hiện tại, tuyến metro số 1 vẫn “chưa đâu vào đâu”, cũng chưa kết nối được các tuyến xe buýt, mà hiệu quả đóng góp ngân sách lại chưa rõ.

Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM

Theo báo Tuổi trẻ, ngày 25/11, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến chuyên gia về báo cáo kỳ 2 điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, tại hội nghị lần này phải chỉ ra được điểm mới, giá trị mới của điều chỉnh quy hoạch chung.
Đồng thời, quy hoạch chung cũng phải khẳng định rõ nét vị trí, vai trò của thành phố ở vùng kinh tế phía Nam và trong cả nước, là đầu mối, đại diện của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Điều chỉnh quy hoạch chung không chỉ thiết kế phần cứng mà cả cơ chế, phần mềm để phát triển thành phố, khẳng định vai trò của thành phố.
Cứ thế này, 100 năm nữa TP.HCM mới có 8-9 tuyến metro
"Chúng ta kiến tạo không gian mới, động lực mới, đề xuất cơ chính sách gì để quy hoạch chung khả thi, hướng tới thực hiện các mục tiêu trong nghị quyết 24 về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ, nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, - báo Người lao động dẫn lời ông Phan Văn Mãi.
Tại dự thảo điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM, thành phố sẽ có 11 tuyến metro với 515km gồm 8 tuyến xuyên tâm, 2 tuyến vành đai, 1 tuyến tramway/LRT ven sông Sài Gòn. Cần nói rõ thêm, tramway là loại hình giao thông công cộng kết hợp giữa tàu điện ngầm và xe buýt, còn LRT (light rail transit) là đường sắt hạng nhẹ.

Metro số 1 vẫn “chưa đâu vào đâu”

Phát biểu góp ý về quy hoạch đường sắt đô thị, TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, cần có sự quy hoạch lại về hệ thống metro, với sự phối hợp của cả Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng với Sở Giao thông vận tải, chứ không thể chỉ nhìn từ góc nhìn của Sở Giao thông vận tải.
"Đa số các tuyến đường sắt đô thị đã vẽ chạy ngang khu đô thị hiện hữu, tiềm năng quỹ đất đã không còn. Việc đền bù giải tỏa sẽ rất mắc, tiền đâu mà làm", - vị chuyên gia, con trai kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, chỉ rõ vấn đề.
Theo ông, mục tiêu đầu tiên là phải hoàn thành thí điểm tuyến metro số 1. Tuyến này dự kiến xây xong đưa vào sử dụng năm 2024 nhưng đến nay vẫn “chưa đâu vào đâu”, chưa kết nối được các tuyến xe buýt, mà hiệu quả kinh tế và đóng góp ngân sách thì lại chưa thấy rõ.
Việt Nam gặp rắc rối với nhà thầu Nhật Bản ở dự án Metro số 1
KTS. Ngô Viết Nam Sơn nói thêm, đường sắt đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng) thì khi thực hiện dự án, đô thị phải hình thành dọc theo, lượng người đảm bảo 60 - 70% hành khách mỗi ngày để đem lại hiệu quả. Những dự án, quỹ đất hai bên đường phải giúp trả lại ngân sách mà thành phố đã bỏ ra.
"Chúng ta đừng tham lam làm nhiều quá. Mục tiêu quan trọng là phải hướng đến việc nâng cao số dân sử dụng giao thông công cộng chứ không phải nâng cao số tuyến. Chiến lược không phải làm cho thật nhiều mà tuyến nào ra tuyến đó, thu hồi được ngân sách, đem lại hiệu quả", - báo Tuổi trẻ dẫn lời chuyên gia.
Cũng theo ông Sơn, TP.HCM phải tránh hình thành các tuyến TOD sai lầm, không nên khởi công khi chưa có 100% đất sạch. Nêu chưa giải tỏa xong mà khởi công thì đất sẽ tăng giá từng ngày, lúc đó càng khó hơn.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn là ai?

Theo thông tin trên Vnexpress, TSKH. KTS. Ngô Viết Nam Sơn là Chủ tịch NgoViet Architects & Planners. Chuyên gia này đã có trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á và Bắc Mỹ.
KTS. Ngô Viết Nam Sơn tốt nghiệp chuyên ngành Quy hoạch và Kiến trúc tại Mỹ, với văn bằng Tiến sĩ tại Đại Học Washington, và Thạc sĩ tại Đại Học California ở Berkeley.
Tờ Thanh niên cho biết, Ngô Viết Nam Sơn là con trai của cố kiến trúc sư tài danh Ngô Viết Thụ, người thiết kế những công trình lịch sử như Dinh Thống Nhất (TP.HCM) và Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt…
Chính phủ báo cáo về đường sắt cao tốc Bắc-Nam, các dự án metro ở Hà Nội và TP.HCM
KTS. Ngô Viết Nam Sơn từng tham gia các dự án như Phố Đông Thượng Hải (được giải thưởng danh dự của Viện kiến trúc Hoa Kỳ), Đô thị mới Filinvest và Nhà ga sân bay quốc tế Aquino tại Philippines, Cao ốc đa chức năng Almaden tại San Jose (Mỹ), Cao ốc Công ty HDB tại Singapore, Trung tâm huấn luyện phi công tại Orlando (Mỹ), Tổng mặt bằng quy hoạch phát triển mở rộng campus và khu dân cư lân cận của Đại học Washington tại Seattle (Mỹ).
Thảo luận