Cứ thế này, 100 năm nữa TP.HCM mới có 8-9 tuyến metro

© TTXVN - Dương Văn GiangBộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.07.2023
Đăng ký
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu cứ làm theo cách cũ, muốn hoàn thành 8-9 tuyến metro ở TP.HCM như quy hoạch, phải mất cả 100 năm nữa.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã chỉ ra những thách thức mà TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ đang gặp phải, cũng như đưa ra một số giải pháp tháo gỡ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói thẳng về cách làm metro của TP.HCM

TP.HCM được quy hoạch 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất (hoặc đường sắt một ray) với tổng chiều dài khoảng 220 km, vốn đầu tư gần 25 tỷ USD.

"TP.HCM, Hà Nội muốn hoàn thành 8-9 tuyến metro phải mất 100 năm nữa nếu vẫn theo cách cũ", - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng vùng Đông Nam Bộ, phát biểu tại hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vào sáng 18/7.

Đến nay, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có tổng chiều dài hơn 30 km đã được triển khai từ vốn ODA theo cơ chế cấp phát từ ngân sách trung ương. Các tuyến còn lại chưa được đầu tư.
Tuyến số 1 có chiều dài gần 20 km kết nối phía Đông TP.HCM với khu trung tâm đã trễ hẹn 5 năm.
Nguyên nhân chính là do dự án liên tục gặp khó khăn về nguồn vốn, khiến công trình phải "giật gấu vá vai" thời gian dài. Để duy trì dự án, TP.HCM nhiều lần tạm ứng ngân sách thanh toán cho nhà thầu, nhân viên...
Cuối năm 2018, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã gửi văn bản đến lãnh đạo TP.HCM cảnh báo nguy cơ dự án phải ngừng thi công.

Tiến độ làm metro quá chậm

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, trong 16 năm qua, TP.HCM chưa làm xong 20km tuyến Metro số 1, trong khi tuyến số 2 vẫn chưa xong giải phóng mặt bằng. Theo ông, tiến độ này là quá chậm nên thành phố cần có giải pháp sớm hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị.
"Thành phố cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế được vay khoản tiền khoảng 20 tỷ USD để sớm xây dựng, hoàn thành đồng bộ các tuyến metro còn lại", - ông Dũng đề nghị.
Cũng theo Bộ trưởng, nếu có thể huy động được nguồn lực, khai thác các nguồn lực mới, cơ hội mới, đây sẽ là đòn bẩy đẩy nhanh tiến trình đầu tư, thúc đẩy liên vùng cùng phát triển.
Đoàn tàu metro chạy thử tại depot Long Bình - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.05.2023
TP.HCM được đề xuất làm 300-500 km metro ngầm, 45 triệu đô la cho 1km đường ống

Nhìn sang Trung Quốc

So sánh với việc đầu tư hạ tầng tại Trung Quốc, ông Dũng cho hay các năm 1997-1998 quốc gia này chỉ có khoảng 10.000 km cao tốc, sau 20 năm đã phát triển lên 168.000 km, trong top đầu thế giới. Kết quả này đến từ nhiều giải pháp khác nhau, bao gồm chính sách quản lý cũng như tìm kiếm nguồn lực.
Bộ trưởng Dũng cũng đề xuất TP HCM mở rộng thêm không gian phát triển bằng cách kéo dài mạng lưới đường sắt đô thị sang các địa phương lân cận trong vùng, để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư.
Việc này sẽ giúp phát triển các đô thị vệ tinh, tận dụng không gian ngầm cũng như phát triển đô thị gắn với giao thông (mô hình TOD).
Với toàn vùng Đông Nam Bộ, ông Dũng cho rằng dù khu vực này đang đóng góp vai trò quan trọng phát triển kinh tế - xã hội cả nước nhưng lại đang gặp nhiều thách thức, hạn chế như: mạng lưới hạ tầng nội vùng và liên vùng thiếu, chưa đồng bộ, chênh lệch phát triển giữa các địa phương...
Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, cần nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đầu tư công, qua đó dẫn dắt và kích hoạt các nguồn lực bên ngoài.

Vấn đề có ý nghĩa chiến lược

Bộ trưởng Dũng nêu vấn đề, bây giờ cần tập trung thảo luận và đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của Vùng và của Vùng với các địa phương lân cận, nhất là hạ tầng giao thông và xem đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược.
"Vừa qua, chúng ta đã triển khai rất tốt sự điều phối để thực hiện Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM, cao tốc Biên Hòa – Vũng tàu. Sắp tới chúng ta tiếp tục triển khai Dự án đường Vành đai 4, cao tốc TP. HCM – Mộc Bài, TP. HCM – Chơn Thành, Chơn Thành - Gia Nghĩa với chủ trương phân cấp cho địa phương thực hiện và có sự điều phối chung", - Bộ trưởng nói.
Tiếp đó, tập trung triển khai hoàn thành Sân bay Long Thành để có thể đưa vào khai thác theo đúng tiến độ và phát triển đồng bộ các ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan để hình thành một nền kinh tế xung quanh đô thị sân bay này.
Trong tương lai, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP. HCM cũng cần phối hợp với các địa phương phát triển các tuyến đường sắt đô thị kết nối với các địa phương trong vùng nhất là nghiên cứu phát triển ngay đường sắt nhẹ kết nối sân bay Long Thành - Thủ Thiêm hay là Biên Hòa - Vũng Tàu.
Đối với các dự án đầu tư liên quan đến 2 địa phương thuộc nhiệm vụ của địa phương, Bộ trưởng cho rằng các địa phương cần chủ động bàn bạc, sớm thống nhất phương án thực hiện, trường hợp không thống nhất được, đề nghị đưa ra Hội đồng vùng thảo luận, có ý kiến.
Xây dựng ga tàu điện ngầm Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.03.2023
Metro Nhổn - ga Hà Nội chậm 'deadline' lần thứ 9
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, cần "giải nén", giảm tải cho các đô thị lớn cùng với việc đẩy mạnh hạ tầng giao thông và phương tiện công cộng, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, giảm số lượng xe gắn máy cùng với cơ chế hỗ trợ đủ mạnh để vừa giảm ùn tắc giao thông vừa cải thiện môi trường không khí tại các đô thị lớn.
"Hiện nay mật độ dân số ở TP. HCM là 4.292 người/km2, trong khi Hà Nội chỉ là 2.398 người/km2, dẫn tới chất lượng môi trường sống của dân cư đô thị thấp", - ông Dũng nói thẳng.
Người đứng đầu Bộ KH&ĐT cho rằng, cần sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị, nhất là tại các đô thị đặc biệt.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại các đô thị lớn, nhất là khu vực trung tâm, nghiên cứu có cơ chế khuyến khích phát triển và kết nối khai thác hiệu quả không gian và các hạ tầng ngầm tại các đô thị đặc biệt để mở rộng không gian phát triển, tạo thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng.

"TP.HCM cần quyết tâm, đi đầu thu hút đầu tư các dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng tiết kiệm năng lượng và đất đai, các dự án chíp bán dẫn, điện tử, công nghệ cao", - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đối với dự án sử dụng nhiều đất, dự án thâm dụng lao động cần nhường cho các địa phương lân cận còn nhiều quỹ đất, dồi dào lao động.
Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất khi hết thời hạn sử dụng đất, không còn phù hợp với quy hoạch thì cần sớm nghiên cứu chuyển đổi chức năng và di dời ra khỏi thành phố.

4 thách thức lớn của vùng Đông Nam Bộ

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, để đầu tư các dự án giao thông ở vùng Đông Nam Bộ theo quy hoạch, tổng nhu cầu vốn cần khoảng 738.500 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 342.000 tỷ và giai đoạn 5 năm sau cần hơn 396.000 tỷ. Số vốn này sẽ tập trung cho các dự án trọng điểm, liên kết vùng, bao gồm cả 4 lĩnh vực về đường bộ, sắt, thuỷ và hàng không.
Ban Quản lý dự án Thăng Long  - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.07.2023
Sơn Hải bị điểm danh chậm tiến độ, chủ đầu tư cao tốc Nghi Sơn-Diễn Châu nói gì?
Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, có 4 thách thức lớn đối với vùng là kinh tế toàn cầu đang suy thoái, "sức khỏe" doanh nghiệp giảm, ngân sách hạn chế và thiếu các cơ chế đột phá.
Những yếu tố trên khiến khu vực chưa tận dụng được các yếu tố thuận lợi sẵn có như: vùng kinh tế năng động nhất nước, có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn hoạt động, sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước...
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đề xuất vùng cần có giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư, ví dụ như sớm hoàn thiện quy hoạch, xác định các dự án cần ưu tiên kêu gọi đầu tư, nhất là các công trình liên kết vùng.
Ngoài ra, các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ cần nghiên cứu và đề xuất các cơ chế, chính sách vượt trội để đẩy mạnh phát triển cùng như chủ động dành nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng...
Vùng Đông Nam Bộ gồm TP.HCM và 5 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là vùng kinh tế năng động nhất Việt Nam, khi chỉ chiếm 9% diện tích, 20% dân số cả nước nhưng đóng góp hơn 30% GDP, khoảng 45% tổng thu ngân sách (theo thống kê năm 2021).
Vùng Đông Nam Bộ hiện sở hữu nhiều dự án hạ tầng lớn được triển khai như sân bay Long Thành, Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu... Sắp tới, khu vực sẽ được ưu tiên đầu tư loạt công trình lớn và liên vùng như: Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành...
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала