Thậm chí, có ngân hàng giảm tới gần 80% thu nhập từ hoạt động bán bảo hiểm trong 9 tháng đầu năm, và được dự báo sẽ còn giảm tiếp.
Bancassurance tăng trưởng âm
Theo Vnbusiness, sau những vụ việc "lùm xùm" vừa qua, bancassurance đang từ chỗ đem lại doanh thu lớn cho mảng dịch vụ của các ngân hàng, đã nhanh chóng sụt giảm thấy rõ.
Thống kê doanh thu bảo hiểm trong 3 quý đầu năm 2023 của 28 ngân hàng cho thấy, chỉ có 8 ngân hàng cung cấp thông tin chi tiết về khoản mục thu nhập từ hoạt động bảo hiểm nằm trong thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Đặc biệt, có đến 7 ngân hàng trong số đó ghi nhận doanh thu sụt giảm.
Chẳng hạn, tính đến ngày 30/9/2023, doanh thu từ hoạt động bán bảo hiểm của MB đã giảm 16,9% so với cùng kỳ, còn 5.989 tỷ đồng, kéo theo lãi thuần từ hoạt động bảo hiểm giảm 28,21%, còn 2.105 tỷ đồng. Trong cùng kỳ năm ngoái, bảo hiểm từng giúp Ngân hàng Quân đội thu về hơn 7.200 tỷ đồng doanh thu, hơn 2.900 tỷ đồng lãi thuần.
SeABank là ngân hàng gánh thiệt hại lớn vào bậc nhất. Bảo hiểm từng chiếm gần 30% nguồn thu từ dịch vụ hồi năm ngoái. Thế nhưng, đến hết tháng 9, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của SeABank chỉ chiếm 9%. Doanh thu từ bảo hiểm của SeABank lao dốc hơn 79% so với cùng kỳ, từ 369 tỷ đồng còn 77 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu bảo hiểm trong 9 tháng đầu năm 2023 của Techcombank đã "bốc hơi" đến 57%, xuống còn 458 tỷ đồng. Hay như doanh thu bảo hiểm của TPBank giảm 56% về 291 tỷ đồng; Kienlongbank giảm gần 52% về 23 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số ngân hàng như cũng ghi nhận tỷ trọng bảo hiểm giảm sâu so với cùng kỳ, điển hình như VPBank giảm 23,6%; VIB giảm 24,6%.
Theo dự báo của Chứng khoán VNDirect, tăng trưởng phí dịch vụ từ hoạt động bancassurance của các ngân hàng sẽ chậm lại đáng kể trong năm 2023. Lý do của vấn đề nằm ở chỗ, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng xấu đến thu nhập của người tiêu dùng và nhu cầu mua bảo hiểm.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý đang tăng cường thanh tra hoạt động bán chéo bảo hiểm khi có thông tin về việc người vay vốn ngân hàng bị ép mua bảo hiểm, hoặc tình trạng khách hàng gửi tiền bị nhân viên ngân hàng tư vấn không rõ ràng, khiến khách nhầm tưởng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư là gửi tiết kiệm.
Từ tháng 4, thị trường bảo hiểm nhân thọ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Nhiều người mua bảo hiểm tố cáo tư vấn viên của các công ty bảo hiểm nhân thọ tư vấn mập mờ, thiếu trung thực. Có ý kiến bức xúc vì bị ép mua bảo hiểm khi đi vay tiền tại nhiều ngân hàng.
Đặc biệt, việc người dân gửi tiết kiệm tại SCB bỗng chốc biến thành việc mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của Manulife đã khiến bức xúc lên tới đỉnh điểm.
Cảm xúc tiêu cực của khách hàng chỉ chiếm 2,2% trong năm 2022, nay đã lên đến 54% trong năm 2023, nghĩa là tăng gấp 19 lần. Kết quả phân tích này được Vietnam Report ghi nhận qua các cuộc thảo luận liên quan đến chủ đề bảo hiểm thời gian gần đây.
Niềm tin không còn, bảo hiểm nhân thọ "điêu đứng"
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã tiến hành thanh tra 4 doanh nghiệp gồm Sun Life, Prudential, MB Ageas và BIDV Met Life.
Kết quả thanh tra cho thấy, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng.
Một số hành vi vi phạm điển hình như: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; Không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; Cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin; Không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…
"Đây là những hành vi sai phạm sẽ được Bộ Tài chính xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Các quyết định xử phạt sau khi ban hành sẽ được công khai với các cơ quan báo chí và dư luận nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch", - theo thông báo trên Cổng TTĐT Bộ Tài.
Đáng chú ý, qua thanh tra, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhận thấy, tỷ lệ bỏ ngang hợp đồng của kênh bảo hiểm qua kênh ngân hàng sau năm thứ nhất dao động 30-70%.
Theo chia sẻ của một nhân viên ngân hàng, mỗi tháng phải hoàn thành chỉ tiêu bán được 100 triệu đồng tiền bảo hiểm, nhưng đến nay mới đạt được 70% chỉ tiêu. Sau cuộc thanh tra của Bộ Tài chính và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, tình trạng "ép" khách hàng mua bảo hiểm không còn, chỉ dừng ở mức tư vấn.
"Chúng tôi là người thỏa thuận với khách hàng về trị giá của gói bảo hiểm, còn quyền lợi và hợp đồng liên quan đến bảo hiểm sẽ có chuyên viên bảo hiểm tư vấn cho khách hàng", - Vnbusiness dẫn lời nhân viên ngân hàng cho biết.
Mặc dù không buộc khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm, nhưng một nhân viên ngân hàng cho biết khách hàng được gợi ý rằng nếu tham gia bảo hiểm sẽ có ưu đãi về lãi suất.
Có nhân viên ngân hàng cho biết thêm, đa số khách hàng vay năm đầu tiên được hưởng lãi suất ưu đãi lớn. Do vậy, sau khi "đong đếm", khách hàng cũng chấp nhận mua bảo hiểm để được giải ngân. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ khách hàng huỷ bảo hiểm sau năm đầu tiên khá cao.
Như vậy, khi niềm tin đã gần như không còn, doanh thu thị trường bảo hiểm đã lập tức lao dốc. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm ghi nhận, tính riêng 10 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm mới đạt khoảng 127.000 tỷ đồng, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên trong 20 năm ghi nhận mức phát triển âm, cho thấy rõ sự khó khăn.
Trong khi đó, thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thể hiện, doanh thu khai thác mới giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty Chứng khoán KBSV dự báo, trong ngắn hạn, ngành ngân hàng sẽ còn gặp trở ngại từ làn gió ngược trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động bancassurance. Có lẽ, nguồn thu từ mảng ngân hàng đầu tư và kinh doanh bảo hiểm sẽ cần thêm thời gian để hồi phục.