“Sư thầy Thích Tâm Phúc” bị bắt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tối ngày 6/12, Công an TP.HCM cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi đã bắt tạm giam Nguyễn Minh Phúc (tự Thích Tâm Phúc, sinh năm 1983) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sputnik
Trước đó, Nguyễn Minh Phúc, tự xưng “Đại đức Thích Tâm Phúc”, từng nổi tiếng khi nhiều lần mặc pháp phục màu vàng, xuất hiện tại các quán nhậu, gây bức xúc trong dư luận. Dù bị xử phạt nhưng Phúc vẫn tiếp diễn hành vi vi phạm.

Công an bắt Nguyễn Minh Phúc

Theo thông tin từ báo CAND, Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi (TP.HCM) đang thụ lý điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, do Nguyễn Minh Phúc (thường trú tại tổ 8, ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) thực hiện hành vi phạm tội.
Bị hại trong vụ án này là bà L.T.H.T, sinh năm 1973, nơi thường trú xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.
Kết quả điều tra xác định, năm 2021, bà T. có mua 1 thửa đất diện tích 420,3m2 (nằm trong thửa đất số 26, tờ bản đồ số 15, diện tích 892,9m2) tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, của ông N.V.T và bà N.T.C.N với giá 2,4 tỷ đồng, nhưng chưa làm thủ tục tách thửa được.
Vụ Vạn Thịnh Phát: Nhiều tài sản lớn chuyển sở hữu nước ngoài nên không thể kê biên
Đến ngày 07/10/2022, bà T. được anh L.V.V. (sinh năm 1990, thường trú xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi) giới thiệu và quen biết Nguyễn Minh Phúc để nhờ làm thủ tục tách thửa đất trên thành 2 thửa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng từng thửa, và được Phúc đồng ý.
Dù bản thân Phúc không có chức năng để làm thủ tục tách thửa đất, cũng không có mối quan hệ nào để có thể làm thủ tục tách thửa đất, nhưng do đối tượng này có quen biết và nhiều lần thuê người làm giấy tờ giả, bằng cấp giả để tạo lòng tin tôn giáo nhằm lừa đảo người khác, nên y vẫn đồng ý nhận lời bà T. làm thủ tục tách thửa đất.
Nguyễn Minh Phúc thỏa thuận với bà T. và anh V. làm thủ tục tách thửa đất với chi phí là 135 triệu đồng, và Phúc nhận trước 70 triệu đồng.
Qua mạng xã hội, Phúc thuê làm 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả. Sau khi nhận được 2 giấy giả này, Phúc đưa cho bà T. 1 giấy giả, còn lại 1 giấy giả và 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật của bà T. thì Phúc cất vào két sắt, đợi khi nào bà T. đưa hết số tiền 65 triệu đồng còn lại thì mới giao giấy giả thứ hai.
Khi biết hành vi của mình bị phát hiện, Nguyễn Minh Phúc đã bỏ trốn sang Thái Lan. Ngay khi Phúc vừa về lại Việt Nam, Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi đã triệu tập Phúc để làm việc.
Làm việc với cơ quan công an, Phúc nhiều lần quanh co chối tội. Tuy nhiên, trước những chứng cứ không thể chối cãi, Phúc đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như trên.
Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp tại nhà của Nguyễn Minh Phúc và thu giữ 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả và 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật của bà T.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi sau đó đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Minh Phúc về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Vụ án vẫn đang được điều tra, làm rõ theo quy định pháp luật.
Công an Tiền Giang phát lệnh truy nã đặc biệt một đối tượng chống phá Nhà nước

Thích Tâm Phúc là ai?

Trước đó, Nguyễn Minh Phúc từng nổi tiếng khi nhiều lần mặc pháp phục màu vàng, xuất hiện tại các quán nhậu, gây bức xúc trong dư luận. Về vấn đề này, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam TP.HCM đã lên tiếng.

"Ông Nguyễn Minh Phúc, tự xưng là "Đại đức Thích Tâm Phúc" không phải là tu sĩ Phật giáo. Về việc ông Phúc lên mạng có những phát ngôn giả dạng tu sĩ Phật Giáo đã được Thượng tọa Thích An Thường, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam huyện Củ Chi báo cáo", báo Người lao động dẫn lời Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng Ban Thông tin - Truyền thông Giáo hội Phật Giáo Việt Nam TP.HCM.

Thượng tọa Thích Tâm Hải cho hay, UBND huyện Củ Chi đã từng triệu tập các cuộc họp xử lý vụ việc của ông Nguyễn Minh Phúc, với sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan như công an, tư pháp, văn hóa và thông tin…
Qua thẩm tra xác định, các loại giấy tờ, chứng minh là tu sĩ, các quyết định bổ nhiệm đối với ông Nguyễn Minh Phúc có chữ ký của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Hòa thượng Trưởng ban Tăng sự Trung ương, khuôn dấu của Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN cấp cho ông Nguyễn Minh Phúc đều do ông Phúc tự làm, giả mạo.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng khẳng định, các huân chương, huy chương, bằng khen của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ đều là do Phúc tự làm giả.
Tại cuộc họp báo hồi tháng 8/2023, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM đã thông tin kết quả xác minh xử lý đương sự Nguyễn Minh Phúc trong vụ "nhà sư vào quán nhậu".
"Gọi Trưởng Công an xã ra đây gặp tao": Lê Thị Thảo "thần kinh không ổn định"
Ông Hà nêu rõ, theo chỉ đạo của UBND thành phố, Công an thành phố đã kiểm tra, làm rõ nhân thân người có tên Nguyễn Minh Phúc.
Theo đó, từ năm 2000-2010, ông Phúc tu học tại Chùa Hoàng Pháp (Hóc Môn), chỉ mới làm lễ quy y nhưng chưa xuất gia.
Đến năm 2010, Phúc trở về địa phương, tự lập Chùa "Ngộ Chân Tử" để sinh hoạt tôn giáo trái phép, tự xưng là Đại Đức Thích Tâm Phúc và trụ trì nhà chùa.
Cơ quan chức năng đã mời Phúc lên làm việc, xử phạt hành chính, yêu cầu gỡ bảng hiệu chùa. Dù vậy, Phúc vẫn tiếp tục cách hành vi sinh hoạt tôn giáo trái phép.
Công an khuyến cáo, trong thời đại công nghệ hiện nay, rất nhiều người sử dụng mạng xã hội để câu like, câu view…, có người lợi dụng lòng tin vào tôn giáo để làm điều trái đời, ngược đạo, ảnh hưởng xấu đến uy tín trong tôn giáo và vi phạm pháp luật.
Do đó, người dân cần phải thật cẩn thận, tránh không tiếp tay cho các đối tượng tội phạm, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội.
Thảo luận