Việt Nam trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình

Báo chí quốc tế rất quan tâm đến chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 12-13/12
Sputnik
Chuyến thăm này sẽ là chủ đề chính của phần chính sách đối ngoại trong bài tổng quan truyền thống "Việt Nam trên báo chí nước ngoài". Chúng tôi cũng sẽ nói về chính trị trong nước, nền kinh tế và quan hệ Nga-Việt.

Ông Tập sẽ hội đàm về những nội dung nào với ban lãnh đạo Việt Nam?

Trong chuyến thăm này, ông Tập Cận Bình sẽ hội đàm với Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, sẽ có các cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Các cơ quan báo chí hàng đầu quốc tế đưa tin này. Các ấn phẩm của Trung Quốc đăng tải nhiều bài viết chi tiết hơn. Hai bên sẽ thảo luận về định vị mới của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam và sẽ tập trung vào các lĩnh vực then chốt: chính trị, an ninh, hợp tác kinh doanh, hình thành dư luận xã hội, các vấn đề trên biển, nhằm làm sâu sắc hơn hợp tác toàn diện. Các nhà phân tích nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thăm sắp tới trong việc tăng cường mối quan hệ giữa hai nước láng giềng đang kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, China Daily viết. Các chuyên gia lưu ý rằng, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam hiện đang vấp phải sự can thiệp từ Hoa Kỳ, nhưng, Việt Nam không thể đi theo chiến lược của Châu Âu và Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc vì nước này sẽ khó tìm được giải pháp thay thế sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hà Nội phân luồng giao thông đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam
Global Times cho biết thêm, kinh nghiệm của Trung Quốc có thể giúp Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng, và các công ty Trung Quốc đang đầu tư vào Việt Nam đại diện cho các ngành công nghệ cao có thể mang lại kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Hãng thông tấn Belta của Belarus cung cấp thông tin chi tiết về chuyến thăm chính thức tới Việt Nam của Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko và các thỏa thuận mà ông đã ký kết nhằm mở rộng hợp tác giữa hai nước.

Cái nào tốt hơn - Samsung hay thẩm mỹ viện?

Việt Nam hồi hương 1.020 công dân từ khu vực phía bắc Myanmar, nơi đang diễn ra xung đột vũ trang. Trong số đó có những người được cho là đã trở thành nạn nhân buôn người bị lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp, UCA News đưa tin. Tờ báo Straits Times của Malaysia đăng một bài thú vị về cách nông dân và công nhân Việt Nam bắt đầu kiếm được số tiền lớn bằng cách bán sản phẩm và dịch vụ trực tuyến trên TikTok. Còn Rest of World kể về những nữ nhân viên Samsung bị sa thải ở tuổi 30 đang học nghề thẩm mỹ, làm tóc và mở tiệm làm đẹp ở quê nhà.

Đầu tư của Trung Quốc tăng vọt, đầu tư của Mỹ đang giảm

Xinhua đưa tin, hôm thứ Năm, Việt Nam đã giảm giá xăng dầu trong nước lần thứ tư liên tiếp. Reuters viết rằng, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam trong năm nay tăng mạnh, trái với tình trạng chậm lại trong lĩnh vực này và thương mại từ Hoa Kỳ. Tổng vốn đầu tư đăng ký từ Trung Quốc và đặc khu Hong Kong vào Việt Nam trong 11 tháng đầu năm nay lên đến 8,2 tỷ USD; tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư đăng ký từ Hoa Kỳ vào Việt Nam giảm 0,5 tỷ USD trong năm 2022. Xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ giảm 15% trong 10 tháng đầu năm nay. Undercurrent News cho biết, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản và Trung Quốc đã gia tăng, nhờ đó Việt Nam có thể bù đắp cho sự sụt giảm doanh số bán tôm sang Hoa Kỳ. Nhưng, có cả tin tốt về đầu tư của Mỹ.
Samsung đòi Việt Nam trả hơn 44 triệu USD: Samsung Electronics nhận hơn 550 tỷ đồng
Reuters đưa tin rằng, hãng khổng lồ về chip của Mỹ Nvidia sẽ bàn thảo các thỏa thuận hợp tác về hàng bán dẫn với các công ty công nghệ và các cơ quan chính quyền của Việt Nam. Nvidia dự kiến sẽ ký vào thỏa thuận chuyển giao công nghệ cho ít nhất một công ty Việt Nam. Gã khổng lồ của Mỹ hiện sản xuất chip dùng cho công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) và bộ vi xử lý đồ họa, đã hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam để triển khai AI cho dịch vụ đám mây, ô tô và chăm sóc y tế. Hãng tin này cũng đưa tin, Apple đang phối hợp với BYD, nhà lắp ráp iPad chủ chốt tại Trung Quốc, để chuyển nguồn lực giới thiệu sản phẩm (NPI) sang Việt Nam.
Tạp chí Global Construction Review cho biết rằng, Trung Quốc và Việt Nam đang đàm phán để nâng cấp tuyến đường sắt nối Hải Phòng với thành phố Côn Minh dài 855 km do Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Tuyến đường sắt khổ hẹp (1.000 mm) này không tương thích với khổ tiêu chuẩn của Trung Quốc. Bloomberg viết rằng, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm, đó là lý do giá thế giới của sản phẩm này có thể tăng. Nguyên nhân là do diện tích trồng cà phê trong nước tiếp tục bị thu hẹp cũng như do năng suất trồng cà phê đang giảm.

Nga sẵn sàng tiếp nhận sinh viên Việt Nam sang học tập

Trang web của Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga đăng tải thông tin chi tiết về Khóa họp lần thứ IV Ủy ban hợp tác giáo dục, KH&CN Việt Nam - Liên bang Nga được tổ chức tại Hà Nội. Phái đoàn của hai nước đã thảo luận về việc biến Phân viện Pushkin tại Hà Nội thành một tổ chức Nga-Việt “Trung tâm Pushkin” - trung tâm này sẽ đào tạo tiếng Nga như một ngoại ngữ trên cơ sở thường xuyên theo các chương trình giáo dục bổ sung và giáo dục chuyên nghiệp. Tại Khóa họp, hai bên đã công bố kết quả của các chuyến thám hiểm hàng hải chung và trao đổi thông tin về việc tổ chức cuộc thi Nga-Việt về các dự án nghiên cứu khoa học quốc tế trong một số lĩnh vực. Hai bên dự kiến ​​gia hạn thỏa thuận song phương về đào tạo công dân Việt Nam theo chương trình Debt for Aid đến hết năm 2030.
Hợp tác giáo dục, khoa học và công nghệ Việt-Nga sẽ phát triển nhanh hơn
Ngoài ra, Nga dự kiến ​​mở rộng danh sách các trường đại học Nga sẽ tham gia đào tạo công dân Việt Nam. Tại Khóa họp, các trường đại học và tổ chức khoa học của Nga và Việt Nam đã ký thỏa thuận về việc thành lập Hiệp hội các trường Đại học kỹ thuật giữa Đại học Năng lượng Matxcơva, Đại học hàng không Matxcơva và Đại học Bách khoa Hà Nội; thỏa thuận thành lập Hiệp hội các trường Đại học đào tạo nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông giữa Đại học Liên bang Viễn đông, Đại học Liên bang vùng Ural, Trường Đại học Nghiên cứu Quốc gia về Kỹ thuật Điện tử Maxcsova (MIET), Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh và trường Đại học Kỹ thuật Điện Quốc gia Saint Petersburg (LETI); thỏa thuận hợp tác giữa Viện Năng lượng nguyên tử (NLNT) Việt Nam và Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga (MEPhi).
cổng thông tin chính thức của Chính quyền vùng Rostov trên sông Đông đưa tin về việc mở văn phòng hỗ trợ xuất khẩu từ vùng Rostov đầu tiên tại Việt Nam. Nhiệm vụ của văn phòng là quảng bá sản phẩm của các nhà sản xuất Rostov trên thị trường Việt Nam, phân tích giá cả và ưu đãi của các đối thủ cạnh tranh, đăng ký các sản phẩm của Nga và thúc đẩy phát triển quan hệ kinh doanh giữa các nhà xuất khẩu. Tại Việt Nam, nhu cầu về sản phẩm do những doanh nghiệp Rostov sản xuất rất đa dạng, từ dầu hướng dương đến sản phẩm công nghệ cao.
Thảo luận