Hiện khổ đường sắt Việt Nam là 1.000mm, trong khi khổ của Trung Quốc là 1.435mm gây hạn chế cho kết nối trực tiếp đường sắt Việt – Trung. Hai bên đang tích cực làm việc để sớm xây dựng nâng cấp các tuyến đường sắt lên khổ tiêu chuẩn, nâng cao hiệu quả vận tải.
Tổng cục Đường sắt Việt Nam đã trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đấu nối ray khổ 1.435mm giữa Ga Lào Cai đi Ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.200 tỷ đồng.
Riêng tuyến Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng đang tiến hành lập quy hoach chi tiết với tổng chiều dài 380km, mở ra cơ hội mới trong vận tải đường sắt và phát triển logistics cho hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Khắc phục hạn chế các tuyến đường sắt hiện có giữa Việt Nam và Trung Quốc
Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc cách đây 1 năm đã nhấn mạnh việc tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, đường sắt.
Hai bên nhất trí triển khai hợp tác năng lực sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông, sớm hoàn thiện đánh giá Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Mạng lưới đường sắt quốc gia của Việt Nam hiện có tổng chiều dài 3.143 km và có 277 ga, trong đó 2.703 km đường chính tuyến, 612 km đường ga và đường nhánh, bao gồm 7 tuyến chính: Hà Nội - TP. HCM, Gia Lâm - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Yên Viên - Lào Cai, Đông Anh - Quán Triều, Kép - Lưu Xá, Kép - Hạ Long - Cái Lân.
Về kỹ thuật, mạng lưới đường sắt quốc gia bao gồm 3 loại khổ đường, chủ yếu là khổ đường 1.000 mm (chiếm 84%), còn lại là khổ đường 1.435 mm (6%) và khổ đường lồng (10%). Khổ đường lồng là đường sắt khổ 1.435mm lồng với khổ 1.000mm, có thể chạy đầu máy, toa xe ở cả hai khổ đường trên cùng một tuyến đường sắt đơn.
Trong số các tuyến đường sắt khổ 1.435mm và khổ lồng hiện nay, theo báo Giao thông dẫn khảo sát của Viện Chiến lược và phát triển GTVT, chỉ có tuyến Hà Nội - Đồng Đăng là đang khai thác hiệu quả, phục vụ chạy tàu liên vận quốc tế sang Trung Quốc và quá cảnh Trung Quốc đi Trung Á, châu Âu.
Do tuyến đường này là khổ lồng, trong khi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn quốc tế là 1.435mm, đường sắt Trung Quốc kết nối ray với đường sắt Việt Nam cũng là khổ 1.435mm. Vì thế, tàu từ Yên Viên có thể chạy thẳng sang Trung Quốc và từ Trung Quốc đi nước thứ ba. Các tuyến còn lại chỉ khai thác mang tính chất duy trì tuyến.
Con đường ngắn nhất
Theo báo Dân trí dẫn lời ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Tổng giám đốc Ratraco (đơn vị khai thác tuyến đường sắt liên vận) thông tin, Việt Nam đang kết nối đường sắt liên vận đến Trung Quốc và thông qua Trung Quốc để đến Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, các nước Trung Á và châu Âu...
Theo đó, hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt từ Việt Nam đi Trung Quốc "rất phong phú, đa dạng, phần lớn là trái cây, nông sản, quặng"... Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng chở sang nguyên vật liệu sản xuất, hàng tiêu dùng, máy móc thiết bị...
Thông qua hạ tầng đường sắt Trung Quốc, Việt Nam cũng vận chuyển chè, cà phê, thực phẩm đến Nga, vận chuyển hàng may mặc, da giày đến châu Âu...
Hiện Tổng cục Đường sắt Việt Nam đã trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đấu nối ray khổ 1.435mm giữa Ga Lào Cai đi Ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).
Theo VOV nêu ý kiến của ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam bày tỏ:
"Đầu tư dự án này thì chúng ta thông thương được năng lực của cảng Hải Phòng đến Trung Quốc và châu Âu. Đây là con đường ngắn nhất đi từ cảng biển vào trong nội địa Trung Quốc, các nước thứ 3 ở Trung Á đến châu Âu".
Chuyên gia cũng lưu ý đến việc đầu tư đường sắt đòi hỏi sự đồng bộ, chứ không phải làm từng đoạn vì tính hiệu quả cao.
Từ khoá "Trung Quốc" được nhắc 9 lần
Trong bản quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ khóa "Trung Quốc" được nhắc đến 9 lần.
Báo Dân Trí cho biết, quy hoạch này đặt ra viễn cảnh cả 2 ngả đường sắt qua Lào Cai và Lạng Sơn sẽ được hiện đại hóa và phát huy năng lực vận tải.
Hiện nay, tuyến đường sắt Hải Phòng - Lào Cai - Côn Minh (đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc Việt Nam và Tây Nam Trung Quốc) đang được cơ quan chức năng Việt Nam – Trung Quốc xem xét đầu tư phát triển trong thời đại mới do hạn chế và khổ đường ray.
Thực tế, do khổ ray không đồng bộ, khi đến ga Lào Cai, hàng hoá phải tạm dừng để sang tải, làm tăng chi phí, thời gian lưu thông nên cũng tạo ra hạn chế cho tuyến đường sắt này. Lãnh đạo hai nước và các chuyên gia kỳ vọng, tuyến đường sắt khổ 1.435 mm từ Lào Cai đi Hà Nội – Hải Phòng- Quảng Ninh một khi được đầu tư và hoàn thành sẽ là lợi thế lớn, nâng cao năng lực vận tải đường sắt liên vận với chi phí logistics rẻ nhất cho hai nước.
Thực tế, từ năm 2015, Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng lại tuyến đường này. Chính phủ Trung Quốc cũng đã cấp khoản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam để khảo sát, lập quy hoạch dự án, theo báo Dân Trí.
Như vậy, dự án mang lại lợi ích 2 chiều. Việt Nam đứng trước cơ hội nâng cấp hạ tầng đường sắt lên hiện đại, đẩy mạnh xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Trong khi đó, hàng hóa ở các tỉnh phía Nam của quốc gia láng giềng phương Bắc có cơ hội tiếp cận cảng biển quốc tế Hải Phòng, một bến cảng gần hơn nhiều so với các cảng ở phía đông của Trung Quốc.
Cũng cần nói thêm rằng, trong trường hợp Trung Quốc hỗ trợ vốn và công nghệ cho dự án, cán cân lợi ích giữa đôi bên có thể sẽ quyết định mức độ ưu đãi mà Việt Nam nhận được.
Đáng chú ý, vừa qua Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định giao Ban Quản lý dự án (PMU) Đường sắt tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt toàn quốc xác định tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ dài khoảng 380km, kết nối từ Lào Cai đến ga Nam Hải Phòng.
Tàu sẽ chạy trên đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa. Lộ trình đầu tư đến năm 2030 và sau năm 2030.
Trong buổi tiếp Thư ký trưởng Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc ngày 30/11 vừa qua,Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam Nguyễn Danh Huy nêu rõ:
"Lãnh đạo cấp cao hai nước đều có nhận thức chung rất rõ ràng và cùng ra thông báo chung về hợp tác thúc đẩy triển khai một số tuyến đường sắt ở phía Bắc Việt Nam có kết nối với Trung Quốc".
Đến tháng 12 này, chủ đề tăng cường kết nối hạ tầng giao thông đường sắt tiếp tục được trao đổi trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.
Ở thời điểm hiện tại, vận tải hàng hóa bằng đường sắt sẽ ở phân khúc giữa nếu so sánh với hàng không và đường thủy.
Theo đó, chở hàng bằng đường sắt tốn nhiều thời gian hơn máy bay nhưng lại có giá cước rẻ hơn và khối lượng chuyên chở lớn hơn. Trong khi đó, nếu so với đường thủy, thời gian vận chuyển bằng đường sắt cũng nhanh hơn rõ rệt.
Chẳng hạn, một container chở bằng tàu biển từ Việt Nam sang Nga có thể mất tới 45 ngày, trong khi chở bằng đường sắt chỉ mất 25 ngày. Cùng với đó, đường sắt cũng có lợi thế khi đưa được hàng hóa vào sâu nội địa, khả năng tiếp cận tối ưu hơn.
Hồi tháng 10, Bộ Giao thông vận tải cũng đã vừa quyết định giao Ban Quản lý dự án Đường sắt thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với đường đôi, khổ ray 1.435 mm, điện khí hoá, khởi công trước năm 2030.
Bộ GTVT cũng cho biết, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết. Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ khai thác vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10 - 11 tỷ USD.