Gần 10 năm chờ xử lý, các ngân hàng yếu kém bị đưa vào kiểm soát đặc biệt hiện đã không còn công khai báo cáo tài chính.
Hoạt động kinh doanh của OceanBank, CBBank, GPBank, DongABank chỉ được tiết lộ nhỏ giọt thông qua các thông báo trên website. Theo báo Lao động, trong năm 2022, thông tin cho thấy hầu hết ngân hàng đều hoàn thành chỉ tiêu.
Tình hình các ngân hàng yếu kém trong lúc chờ chuyển giao
Thông tin trên báo Lao động, từ khi bị đưa vào kiểm soát đặc biệt năm 2015, sau gần 1 thập kỷ, DongABank và các ngân hàng mua giá "0 đồng" OceanBank, CBBank, GPBank đã không còn công khai báo cáo tài chính.
Tháng 3/2023, trong lúc chờ chuyển giao bắt buộc, trên trang web ngân hàng DongABank cho hay, huy động vốn từ khách hàng của ngân hàng đạt 98% kế hoạch năm 2022, trong đó riêng tiền gửi tiết kiệm tăng 11% so với đầu năm 2022.
Yếu tố giúp DongABank duy trì kinh doanh là nguồn tiền gửi trung, dài hạn tiếp tục được duy trì với tỷ lệ gần 42%. Năm 2022, ngân hàng ghi nhận dư nợ cho vay đạt 102% kế hoạch năm.
Với Oceanbank, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm hồi đầu năm 2023, Chủ tịch HĐQT OceanBank cho biết nhờ sự hỗ trợ tích cực của MB và VietinBank, OceanBank đã hoàn thành các chỉ tiêu tài chính cơ bản năm 2022.
Cụ thể, tổng tài sản đạt 104,7% so với kế hoạch được giao, tăng 15,1% so với năm 2021. Dư nợ tín dụng tăng 12% so với năm 2021. Xử lý nợ hơn 900 tỷ đồng, đạt 110% kế hoạch năm. Lợi nhuận hoàn thành 307% chỉ tiêu kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao.
Về CBBank, trang web chính thức của ngân hàng cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên kể từ khi tái cơ cấu, CBBank chính thức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch kinh doanh và đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu.
Theo đó, tổng số dư huy động đạt hơn 20.000 tỷ đồng; tăng ròng tín dụng khách hàng doanh nghiệp và bán lẻ đều đạt trên 5.000 tỷ đồng.
Vẫn còn khó khăn
Báo cáo giữa tháng 10/2023 của Kiểm toán Nhà nước nhận định, phương án xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, kéo dài qua nhiều năm, dẫn đến nguồn lực dự kiến hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay đặc biệt tăng do hoạt động kinh doanh của các ngân hàng nói trên liên tục lỗ.
Đến tháng 8/2023, các ngân hàng này vẫn ghi nhận tình hình tài chính rất khó khăn, nợ xấu, tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế có xu hướng gia tăng, không đáp ứng vấn đề an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Hồi giữa năm 2022, lãnh đạo MB và Vietcombank đã chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên về việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là Oceanbank và CBBank.
Sang năm 2023, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, nói về thời gian thủ tục chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém lâu, lãnh đạo của MB cho rằng, đề án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại là nội dung chưa từng có tiền lệ, cần làm chặt chẽ theo trình tự, thủ tục của Ngân hàng Nhà nước.
Dự kiến, đến đầu năm sau 2024, MB sẽ hoàn thành thủ tục nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên đầu năm 2023 của VCB, lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng, hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém theo định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Tháng 6/2023, đại diện CBBank cho hay, Vietcombank sẽ trở thành ngân hàng mẹ của CB sớm nhất là cuối năm nay.
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 đối với lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém) kéo dài do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận.
Ngoài ra, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng Đông Á nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.
Cùng với đó, việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ; năng lực cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ (vừa thực hiện công tác thanh tra, giám sát vừa thực hiện công tác cơ cấu lại ngân hàng yếu kém).
Thống đốc cho biết, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt trong đó bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc triển khai thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay, các tổ chức tư vấn định giá đã phát hành chứng thư thẩm định giá và Ngân hàng Nhà nước đã gửi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để xử lý cơ bản các tổ chức tín dụng yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các ngân hàng này từng bước phục hồi.
Xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém, tập trung giải quyết nợ xấu
Nói với báo Lao động hôm 11/12/2023, TS. Châu Đình Linh - giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM nhận định, trọng tâm tái cơ cấu ngân hàng thời điểm này là xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém, tập trung giải quyết nợ xấu.
Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý, quá trình tái cơ cấu ngân hàng diễn ra chậm, có nguyên nhân do bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều bất lợi trong thời gian qua. Ngoài ra, hành lang pháp lý bất cập cũng khiến các ngân hàng chưa thể đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.
Về phần mình, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho biết, ở các nước trên thế giới, khi một ngân hàng phá sản, người gửi tiền, mua trái phiếu... của ngân hàng sẽ phải chịu thiệt hại, mất vốn.
“Thế nhưng, tại Việt Nam, Nhà nước cam kết một cách chắc chắn rằng người gửi tiền vào bất kỳ ngân hàng nào cũng đều được Nhà nước đảm bảo”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ ra sự khác biệt.