Định vị mới và tầm mức mới của quan hệ Việt-Trung

Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng lâu đời, gần gũi thì đương nhiên là “bát đũa cũng có khi xô” nhưng vượt lên trên tất cả là lợi ích chung của hai quốc gia dân tộc…
Sputnik
Với Việt Nam, chuyến thăm của Ông Tập còn cho thấy kết quả của chiến lược hòa bình, ổn định của Việt Nam khi định vị mình là trung điểm của tam giác quan hệ tay ba Mỹ - Trung - Nga.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm và làm việc 2 ngày rất thành công tại Việt Nam. Với một lịch trình hoạt động dày đặc và đặc biệt là một khối lượng văn kiện lớn chưa từng có được ký kết giữa hai bên Việt Nam và Trung Quốc thì đây thực sự là một chuyến công du lịch sử trong quan hệ giữa hai nước.

Tinh thần chỉ đạo và 36 văn kiện được ký kết

Hai bên đã ký kết một trong những khối lượng văn kiện đồ sộ nhất ở nhiều cấp độ quan hệ khác nhau.
“Về số lượng, khối văn kiện này chỉ thua kém số lượng văn kiện và phụ lục kèm theo của Hiệp định phân định biên giới trên bộ và Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ”, - Nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Nguyễn Hồng Long nói với Sputnik.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long cũng lưu ý, về chất lượng thì trong số 36 văn kiện này, có tới 3 văn liện về quan hệ chính trị giữa hai Đảng, 1 văn kiện về đối ngoại cấp nhà nước và 1 văn kiện về đối ngoại có tính dân tộc, 6 văn kiện cấp chính phủ, 24 văn kiện cấp bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ và 2 văn kiện hợp tác cấp địa phương. Về tầm mức của các văn hiện có 3 văn kiện cấp ban Đảng, 3 hiệp định liên chính phủ, 1 nghị định thư, 17 bản ghi nhớ, 12 thỏa thuận, chương trình, kế hoạch.
Bên cạnh các vấn đề đã được hai bên xem xét và điều chỉnh trước đây thì trong nội dung các văn kiện đã được ký kết có khá nhiều vấn đề hợp tác mới và cụ thể được đề cập như: dịch và xuất bản các tác phẩm kinh điển (mới), phòng chống tội phạm (nâng cấp từ bản ghi nhớ lên hiệp định), chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa hai nước (nâng cấp từ bản ghi nhớ lên hiệp định), thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường” (mới), xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực biên giới Bát Xát, Lào Cai, Việt Nam – Bá Sái, Vân Nam, Trung Quốc (mới), tăng cường hợp tác phát triển và thúc đẩy thực hiện Sáng kiến phát triển toàn cầu (MOU) (mới), thiết lập đường dây nóng thông tin về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển (mới), thúc đẩy hợp tác đầu tư trong lĩnh vực phát triển xanh (mới), hợp tác đầu tư trong lĩnh vực kinh tế số (mới), hợp tác trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông và chuyển đổi số (mới), hợp tác trong lĩnh vực truyền thông số (mới), trao đổi số liệu thủy văn mùa lũ (mới), hợp tác trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan (mới).v.v…
Multimedia
Video: Chủ tịch Tập Cận Bình gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội

Một tuyên bố chung xác nhận định vị mới, tầm mức mới

Trước khi Chủ tịch Trong Quốc lên máy bay cùng phu nhân và đoàn tùy tùng sang Việt Nam sang ngày 12/12/2023, Nhân dân nhật báo (cơ quan trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã đăng bài viết của ông nhân chuyến đi thăm lịch sử này. Trong bài viết, chủ tịch Tập Cận Bình có đề cập đến 4 vấn đề cần kiên trì giữ vững hoặc giải quyết gồm “tin cậy lẫn nhau”, “hài hòa lợi ích”, “hữu nghị, thân thiết” và “đối xử chân thành. Xét một cách tổng thể thì đây cũng chính là các tiêu chí cốt lõi của quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” nhưng được làm sâu sắc hơn ở các yếu tố “thân thiết” và “chân thành”. Nói cách khác, phía Trung Quốc cũng giống như phía Việt Nam, đều muốn nâng tầm quan hệ hai nước lên trên mức “Đối tác chiến lược toàn diện” ở một mức độ sâu rộng hơn.
“Còn từ phía Việt Nam thì ngoài việc tiếp nhận nhiệt thành luận điểm 4 kiên trì của phía Trung Quốc, Việt Nam cũng muốn tạo ra một định vị mới trong quan hệ với Trung Quốc dựa trên 6 trụ cột căn bản gồm “chính trị-đối ngoại”, “an ninh-quốc phòng”, “đầu tư-thương mại”, “phát triển hạ tầng”, “thông tin-truyền thông” và “hợp tác địa phương”. Điều này thể hiện rất rõ ở nội dung 36 văn kiện đã được hai bên ký kết trong chuyến thăm lịch sử này”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.
Tất cả các lĩnh vực hợp tác được hai bên thỏa thuận trong chuyến thăm lịch sử này đều phù hợp với Tuyên bố chung năm 2023 của hai Đảng, hai Nhà nước. Đây là tuyên bố chung thứ 9 được hai bên ký kết và công bố kể từ năm 2001 đến nay. Trong lịch sử quan hệ quốc tế, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước ký kết nhiều tuyên bố chung song phương nhất ở cấp Nhà nước.

“Cần nhấn mạnh rằng, Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc 2023 là bản tuyên bố chi tiết nhất và cũng đồ sộ nhất so với các bản tuyên bố chung trước đó và do đó, có giá trị thực chất nhất”, - Nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh với Sputnik.

Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc 2023 có độ dài tới hơn 8.000 chữ (Hán tự), gồm 13 mục. Riêng mục 4 được chia thành 6 tiểu mục tương ứng với 6 phương hướng hợp tác lớn gồm: “Tin cậy chính trị cao hơn”, “Hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn”, “Hợp tác kinh tế thực chất, sâu sắc hơn”, “Nền tảng xã hội vững chắc hơn”, “Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn” và “Bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn”. Mỗi tiểu mục lại được chi tiết hóa thành từ 4 điểm mục đến 10 điểm mục. Trong đó, định hướng “Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn” được chi tiết hóa nhiều nhất.
Hoạt động cuối cùng khép lại chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình
Lẽ dĩ nhiên là một khối lượng văn kiện đồ sộ trên đây không thể được xây dựng và hoàn thành chỉ trong vòng 48 giờ đồng hồ của chuyến thăm. Đó là kết quả quá trình làm việc trên dưới 12 tháng của đội ngũ lãnh đạo ngành ngoại giao của hai Đảng, hai Nhà nước cùng các chuyên gia đầu ngành, các nhà nghiên cứu, các chuyên viên và trợ lý.v.v… trên cơ sở nhận thức chung được lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai nhà nước thỏa thuận trong các lần gặp gỡ trước đó, đặc biệt là sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 12/2022.
“Quá trình chuẩn bị công phu này cũng mạnh mẽ phản bác lại các ý kiến sai lầm cho rằng vì Việt Nam nâng tầm quan hệ với Mỹ lên cấp độ “Đối tác chiến lược toàn diện” nên mới diễn ra chuyến đi thăm và làm việc của Chủ tịch Tập Cận Bình. Chuyến đi thăm Việt Nam lần thứ ba của Chủ tịch Tập Cận Bình đã được dự kiến trước hàng năm trời với nhiều nội dung hoạt động được lên kế hoạch từ sớm và qua nhiều lần điều chỉnh. Nó khác xa với những chuyến đi thăm kiểu “chữa cháy” của tổng thống Mỹ và lãnh đạo các quốc gia phương Tây đến Ukraina, Israel và một số nơi khác”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.
Cuối cùng thì cả lãnh đạo và nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều thỏa mãn khi đạt được những điều mà cả hai đều mong muốn chứ không phải là đạt được những điều mà mình mong muốn trong các cuộc “đổi chác lợi ích” kiểu Mỹ và phương Tây. Là hai quốc gia láng giềng lâu đời, gần gũi thì đương nhiên là “bát đũa cũng có khi xô” nhưng vượt lên trên tất cả là lợi ích chung của hai quốc gia dân tộc
Đối với Việt Nam thì chuyến thăm và làm việc hai ngày qua của phái đoàn cấp nhà nước Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu cho thấy kết quả của chiến lược hòa bình, ổn định của Việt Nam khi định vị mình là trung điểm của tam giác quan hệ tay ba Mỹ - Trung - Nga. Chúng ta có thể chờ đoạn kết tốt đẹp của quá trình này trong chuyến thăm Việt Nam có thể của Tổng thống Nga trong thời gian tới.
Thảo luận