Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, năm 2023 có rất nhiều thách thức nhưng Việt Nam để lại dấu ấn mạnh mẽ trên trường quốc tế và nội bộ.
“Kết quả đạt được là rất đáng khích lệ, dù chưa được như mong muốn nhưng làm ấm lòng, khích lệ chúng ta cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chia sẻ sau đó, Phó Thủ tướng cho hay ông phụ trách 10 bộ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà và các thứ trưởng Bộ Nội vụ là người gọi điện thoại cho ông nhiều nhất để thúc đẩy công việc.
Phó Thủ tướng đánh giá, Bộ trưởng Nội vụ giao việc có định lượng, cụ thể và đánh giá định kỳ rất mạch lạc. Ví dụ bao nhiêu việc một tháng không xong thì sẽ bị xử lý ra sao. Chính sự quyết tâm, quyết liệt và điều hành khoa học như vậy nên công việc của Bộ năm qua rất chạy.
Phó Thủ tướng cũng ghi nhận sự đoàn kết, gắn bó trong lãnh đạo bộ và toàn bộ tập thể Bộ Nội vụ. Đây là điều không dễ.
Ông nhìn nhận so với các bộ ngành khác, Bộ Nội vụ được giao rất nhiều nhiệm vụ về xây dựng thể chế. Ngoài số lượng rất nhiều, đây còn là lĩnh vực rất khó. Bộ Nội vụ còn làm nhiều việc khó nhạy cảm như sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính là đụng chạm rất nhiều người.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đánh giá công tác phối hợp của Bộ Nội vụ và các bộ ngành khác cùng Sở Nội vụ địa phương cũng tốt. Đây cũng là yếu tố quan trọng làm nên thành công của Bộ năm qua.
Về yếu tố đổi mới, Phó Thủ tướng cho biết:
“Tôi rất thích bỏ thi thăng hạng viên chức và tới đây bỏ một số môn thi khác”, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Về công việc năm 2024, Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ cố hoàn thành đề án vị trí việc làm trước 31/3 để làm phương án cải cách tiền lương và áp dụng từ 1/7/2024. Việc này cực kỳ khó, ông nhắn nhủ, quyết tâm làm nhưng không cầu toàn, vừa làm vừa điều chỉnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nội vụ phải tuyển dụng cán bộ, công chức theo phương thức mới, kết hợp với thu hút và đãi ngộ nhân tài. Đồng thời tinh giản bộ máy nhưng phải nâng cao năng lực, hiệu quả gắn với chuyển đổi số, nhất là đề án 06.